Dầu rớt hơn 7% xuống thấp nhất kể từ tháng 6/2019
Đồng USD mạnh hơn đã khiến các hợp đồng dầu thô tương lai có khởi đầu tồi tệ vào ngày thứ Năm (01/08), nhưng thông tin về kế hoạch áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng, khiến giá dầu rớt xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 6/2019, MarketWatch đưa tin.
Trước đó đồng USD đã tăng mạnh lên đỉnh 2 năm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư (31/07) phát tín hiệu rằng Cơ quan này có thể sẽ không tích cực như những nhà đầu tư kỳ vọng trong việc hạ lãi suất thêm nhiều đợt, sau đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Được biết, đồng USD mạnh hơn có thể gây sức ép đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, vào chiều ngày thứ Năm, ông Trump thông báo trên Twitter rằng ông đã lên kế hoạch áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.
“Nhận thức về đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu dầu, đặc biệt là với hàng rào thuế quan mới sắp áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, làm suy yếu tâm lý trên thị trường dầu thô”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lao dốc 4.63 USD (tương đương 7.9%) xuống 53.95 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 19/06/2019. Hợp đồng này cũng chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 04/02/2015, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn sụt 4.55 USD (tương đương 7%) xuống 60.50 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất trong 7 tuần.
“Những nhận định từ Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Tư (31/07) cho thấy việc hạ lãi suất không phải là khởi đầu của một chu kỳ cắt giảm mở rộng, và cuối cùng mang đến sự hỗ trợ cho đồng USD và gây sức ép đến các thị trường được neo giá theo đồng bạc xanh”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, cho hay. Tuy nhiên, đồng USD đã xóa bớt đà tăng vào ngày thứ Năm, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.1% khi các hợp đồng dầu chốt phiên.
Dẫu vậy, “báo cáo sản xuất đáng thất vọng đã ảnh hưởng tiêu cực đến ý tưởng về sự tái cân bằng trong dự trữ tại Mỹ, và sản lượng dầu thô tại Mỹ đã phục hồi trong tuần trước về lại gần mức cao kỷ lục”, ông Steeves cho biết.
Tại Mỹ, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất giảm xuống 51.2% trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. Dữ liệu khác vào ngày thứ Năm cũng cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và chi tiêu xây dựng trong tháng 6 giảm.
Tuy nhiên, bối cảnh cơ bản trên thị trường dầu cho thấy giá dầu sẽ leo cao, Carsten Fritsch, Chuyên gia phân tích tại Commerzbank, lưu ý.
Vào ngày thứ Tư (31/07), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 8.5 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu 7 tuần giảm liên tiếp.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt giảm trong bối cảnh dấu hiệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang thắt chặt nguồn cung, với một cuộc thăm dò từ Reuters cho thấy sản lượng OPEC chỉ đạt 29.42 triệu thùng/ngày trong tháng 7 – mức thấp nhất trong 8 năm.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 9 lùi 6.1% xuống 1.7499 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 6% còn 1.8529 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại vọt 65 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 26/07/2019, cao hơn so với dự báo tăng 52 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 giảm 1.4% xuống 2.202 USD/MMBtu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận