menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Đất tôn giáo gần 50 năm chưa được cấp sổ hồng

Nhiều cơ sở chờ đợi hàng chục năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xây dựng mới, sửa chữa, sinh hoạt tôn giáo khó khăn, theo các đại diện.

Thực trạng trên được đại diện các tôn giáo nêu tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của HĐND TP HCM với đại diện các dân tộc, tôn giáo, sáng 21/11.

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, nêu thực tế nhiều cơ sở tôn giáo hoạt động ổn định trước năm 1975, đất đang sử dụng làm chùa, nhà thờ, thánh thất, không có tranh chấp nhưng 50 năm qua chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông, bất cập này cho thấy TP HCM "quá chậm" trong cải cách hành chính để trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, chuyển đổi số. "Khi chúng tôi xây một nhà thờ thì Sở Xây dựng yêu cầu đưa giấy chứng nhận chủ quyền. Mà nay chúng tôi chỉ còn giấy do chế độ cũ cấp. Mỗi lần đưa ra đều thấy rất vô lý", Mục sư Truyện trăn trở và đề nghị HĐND thành phố có nghị quyết riêng giải quyết nhanh chóng vấn đề này.

Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, cho biết Luật Đất đai quy định các cơ sở tôn giáo sở hữu đất trước 1/7/2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tôn giáo. Do đó, nhiều cơ sở Phật giáo có quỹ đất, hoặc mở rộng diện tích sau ngày này thì việc đề xuất cấp giấy chứng nhận chưa được công nhận. Việc này gây khó khăn cho việc xây dựng, sửa chữa.

Tương tự, giáo hữu Thượng Cung Thanh, Trưởng ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên tại TP HCM, cho biết Hội tọa lạc tại 22 Nguyễn Khoái (phường 2, quận 4) đã 90 năm và chưa từng xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, các tiền bối trước đây cho rằng "cơ sở tôn giáo nên chắc không ai làm khó" nên không làm giấy tờ.

Sau năm 1975, xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nên Hội tiến hành thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nhưng qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, đến nay vẫn chưa được ai trả lời. Hiện, một phần đất của trụ sở Hội phải dùng tấm bạt che kín thánh điện vì không thể sửa chữa do không có giấy tờ. "Thành phố cần phải xem lại giúp việc sinh hoạt tôn giáo được tốt hơn", ông đề nghị.

Giải trình với các đại diện tôn giáo, Phó giám đốc Sở TNMT TP HCM Trần Văn Bảy cho biết từ năm 2005 đến nay, cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 782 cơ sở tôn giáo. Hiện, Sở đang thụ lý 119 hồ sơ, trong đó đã trình UBND thành phố 30 hồ sơ, số còn lại đang được thẩm định.

"Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôn giáo có trình tự rất nhiêu khê. Dù Sở rất "sốt ruột", muốn đẩy nhanh nhưng thực tế còn chậm. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này", lãnh đạo Sở TNMT thành phố nói.

Đất tôn giáo gần 50 năm chưa được cấp sổ hồng
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM Trần Văn Bảy giải trình với cử tri. Ảnh: Thu Hằng

Theo ông Bảy, Sở đã hướng dẫn thành phần hồ sơ cho đại diện các cơ sở tôn giáo, nhưng đi vào chi tiết rất phức tạp. Những trường hợp hồ sơ rõ ràng Sở đã cấp giấy, còn lại đa phần là trường hợp giấy tờ qua nhiều thời kỳ, nhiều điểm phải làm rõ nên ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, quá trình lập bản vẽ, phê duyệt, thẩm định cũng mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt là yêu cầu phải có xác nhận quá trình sử dụng đất từ UBND xã đến quận, huyện rất khó khăn bởi người công tác tại địa phương không nắm rõ toàn bộ quá trình, phải xem lại hồ sơ lưu trữ.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kéo dài. Cụ thể, Sở TNMT đã ban hành kế hoạch đề nghị 22 địa phương thống kê danh sách cơ sở tôn giáo cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, một số nơi chậm trễ.

Phó giám đốc Sở TNMT TP HCM cho biết sắp tới, với trường hợp đủ điều kiện, hồ sơ đang thụ lý, cơ quan này sẽ tham mưu UBND thành phố, sớm ra quyết định. Với hồ sơ mới, Sở phân công công chức chuyên trách nắm nhằm tạo đầu mối hướng dẫn cụ thể các quy định cho đại diện cơ sở tôn giáo. Trường hợp phát sinh khó khăn sẽ chủ động mời làm việc trực tiếp.

Lãnh đạo Sở TMMT thành phố cũng kiến nghị các cơ sở tôn giáo chấp nhận làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một phần với các diện tích đã đủ điều kiện pháp lý. Phần còn lại sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ hồ sơ rồi cấp tiếp, thay vì chờ cấp toàn bộ diện tích như hiện nay. Với phần diện tích đã được cấp giấy chứng nhận, cơ sở tôn giáo có thể thực hiện các thủ tục xây dựng.

Nói về giải pháp, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho rằng sự chủ động của các cơ sở tôn giáo trong tương tác với địa phương cũng rất quan trọng. Bà dẫn chứng khi còn công tác ở quận 3, Ban trị sự Phật giáo nơi đây chủ động phối hợp chính quyền nên đây là địa phương duy nhất hoàn thành cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo trên địa bàn. "Sở TNMT cần tổ chức tập huấn trực tiếp cho các cơ sở tôn giáo, quận huyện để hướng dẫn quy trình thủ tục, không để tình trạng kéo dài 5-10 năm vẫn ách tắc", bà nói.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo - Dân tộc, TP HCM hiện có 32 tổ chức tôn giáo với hơn 1.500 cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo như: Phật giáo; Công giáo; Tin lành; Cao Đài; Hồi giáo...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại