Đất nước cần những người dám nghĩ, dám làm
Đất nước đang cần nguồn nhân lực là những con người hành động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đổi mới, dám chấp nhận thất bại để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước cởi mở hơn, không ngại sai, không ngại trách nhiệm. Con người phải vừa được xã hội tạo điều kiện vừa phải tự xây dựng cho mình yếu tố nền tảng của văn hóa là sự hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm.
Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững
Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho thấy giai đoạn này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nền kinh tế có mức tăng trưởng khá tốt, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Nhưng tăng trưởng khá nhanh nhưng chưa bền vững, nhân tố đột phá chưa xuất hiện, hoặc có nhưng còn mờ nhạt, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm và chưa đi vào chiều sâu. Hoạt động đổi mới, sáng tạo còn nhiều hạn chế và chưa phát huy, tận dụng được nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0.
Kinh tế Việt Nam phát triển từ nước có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2009, nhưng công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất chưa được đầu tư cải tiến, chưa có nhiều mô hình, hình thái kinh tế mới (có ứng dụng công nghệ cao) được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam do thể chế, nhận thức, hạ tầng cơ sở kỹ thuật còn bất cập, không đồng bộ và phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý.
Trong khi đó, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chủ yếu do khu vực Nhà nước đảm nhiệm còn đa số tổ chức và doanh nghiệp đầu tư chưa chú trọng. Hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Theo WB (2018), chi tiêu cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt chỉ tương đương 1,6% doanh thu, thấp hơn so với doanh nghiệp Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và Campuchia (1,9%).
Đáng lưu ý là theo đánh giá của Citibank (tháng 9/2020), do tác động của dịch Covid-19, đóng góp của yếu tố lao động và vốn vào tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh trong 5 năm tới, do lao động mất việc làm, mất nhiều thời gian thích ứng công việc mới và tâm lý đầu tư, tiêu dùng của cả người dân và doanh nghiệp theo hướng thận trọng hơn. Khi đó, vai trò đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) lại càng quan trọng và tăng nhanh…
Tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược
Để đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, cần thực hiện 5 đột phá chiến lược:
Đột phá đầu tiên và quan trọng nhất là đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, gắn với cải cách thực chất thủ tục hành chính hướng tới lợi ích của doanh nghiệp, của nhà đầu tư và người dân. Cởi trói mọi bó buộc của các quy định không phù hợp để tạo môi trường đầu tư - kinh doanh hấp dẫn, lành mạnh, công bằng. Đồng thời, cần quyết tâm xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, tinh thần kiến tạo, có năng lực chuyên môn, sáng tạo, hết lòng phụng sự…
Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực có tri thức hiện đại, có kỹ năng, giàu động lực sáng tạo, mạnh dạn chấp nhận rủi ro. Nguồn nhân lực tới đây còn phải là những con người hành động, dám nghĩ, dám làm, tinh thần sáng tạo, đổi mới gắn với khởi nghiệp, dám chấp nhận thất bại để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi theo hướng tư duy cởi mở hơn, không ngại sai, không ngại trách nhiệm, luôn có phân tích, đánh giá mỗi khi ban hành một chính sách nào đó, cởi mở song vẫn kiểm soát được rủi ro…
Thứ ba là trong 10 năm tới cần phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, có tầm nhìn và chất lượng, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Cần thiết phải tập trung nguồn lực, cơ chế, chính sách cho phát triển cơ sở hạ tầng gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, xu hướng kinh tế số, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, xu hướng hội nhập mới; đồng thời, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa.
Thứ tư là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số, xã hội số và các hình thái kinh tế mới.
Thứ năm là phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, như một động lực mềm gắn kết, bền vững. Xuyên suốt lịch sử dân tộc cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khẳng định: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” đã chỉ rõ vai trò rất quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Do vậy, để phát triển có tính đột phá trong giai đoạn tới đòi hỏi vai trò lớn hơn của việc phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và bộ máy chính quyền. Đồng thời, con người phải vừa được xã hội tạo điều kiện vừa phải tự xây dựng cho mình yếu tố nền tảng của văn hóa là sự hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm, là tác phong làm việc có kỷ luật, phong cách và hành vi ứng xử văn minh, là nhận thức về cống hiến và hưởng thụ... Phát huy và khai thác tốt tinh thần văn hóa dân tộc nói chung và phẩm chất mỗi người Việt nói riêng sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ một câu nói của một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc từ những năm 1990 nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: “tài nguyên luôn có hạn, sáng tạo của con người là vô hạn”. Phải chăng đã đến lúc, Việt Nam chúng ta cần truyền tải và thực thi tinh thần đó?
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận