Dập dịch là yếu tố cốt tử để vực dậy nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong bối cảnh ấy, giải pháp cốt tử là nhanh chóng dập dịch để hạn chế thiệt hại, đồng thời sớm tận dụng được cơ hội khi các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hồi phục trước các trung tâm dịch khác trên thế giới.
Kịch bản nào cho nền kinh tế thời COVID-19?
Các kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế 2020 sẽ sớm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020. Mặc dù vậy, có thể nhận ra, tình hình sẽ khó có thể “sáng sủa” như các kịch bản được đưa ra trước đó. Đến nay đã gần hết Quý I, theo đó kịch bản dịch Covid-19 kết thúc vào Quý I đã không còn giá trị và với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch trên thế giới, dịch có thể còn kéo sang Quý III và để lại hệ lụy lâu dài cho tất cả các nền kinh tế. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể bị giảm từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm, tùy theo thời gian kéo dài của dịch, càng lâu thì nền kinh tế càng thiệt hại lớn. Trước tình hình phức tạp như vậy, các biện pháp “bế quan tỏa cảng” cũng đã được nhiều quốc gia thực hiện.
“Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn những điều chúng ta đang nghĩ tới, vì dịch bệnh diễn ra đúng vào thời điểm khủng hoảng chu kỳ. Và do đó, tác động tới kinh tế toàn cầu là rất lớn, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định.
Khác với các kỳ khủng hoảng trước, lần này các cú sốc ở cả phía cung và phía cầu được cho là sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Chưa kể, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi trao đổi với báo giới còn nhắc đến những “tác động kép” do các yếu kém nội tại của nền kinh tế, lại thêm chuyện hạn mặn ở Tây Nam bộ, rồi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…
Câu hỏi đặt ra là, liệu trong bối cảnh đó, kinh tế tăng trưởng được bao nhiêu trong năm nay? Con số 5,96% xem ra không dễ đạt được, 6,25% càng khó khăn hơn. Thậm chí, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cùng với việc cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào tăng trưởng tín dụng, thì cũng tính toán rằng, nếu năm nay tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 11,5-12%, thì tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt 5,5%. Còn nếu con số chỉ dừng ở 10,5-11%, thì thậm chí, tăng trưởng chỉ là 5%.
“Tình hình kinh doanh khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đi vay vốn. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/3 theo tính toán của tôi thì mới chỉ khoảng 0,22%”, ông Nghĩa cho biết.
Dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng cho rằng, năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức dưới 6%. Nhưng ngay cả như vậy, thì trong bối cảnh hiện nay, đó cũng là một thành công lớn.
Dập dịch là yếu tố cốt tử
Chuyện giảm tốc của nền kinh tế là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm sao để nền kinh tế có thể tăng trưởng ở mức cao nhất có thể? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhắc đến nhiệm vụ kép, là vừa lo dập dịch, vừa duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế?
“Ở thời điểm hiện nay, dập dịch là nhiệm vụ số 1. Không phải chỉ vì để đảm bảo sức khỏe, mà còn là vì nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng có quan điểm tương tự. Theo ông Nghĩa thì không nên quá sốt ruột trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, cũng như nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế. “Biện pháp số 1 hiện nay là bình tĩnh, nhanh chóng dập dịch, coi dập dịch là biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thiết thực nhất, vừa hạn chế tối đa thiệt hại do dịch, vừa tranh thủ thời cơ để tận dụng cơ hội khi các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ tuyên bố hết dịch”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa thì có thể, Trung Quốc sẽ tuyên bố hết dịch trong 1 tháng tới. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ sớm khống chế được dịch. “Khi Trung Quốc hồi phục thì ta có thể tận dụng được cả ở phía cung và phía cầu từ thị trường này”, ông Nghĩa nói.
Thậm chí, ngay cả khi châu Âu chưa thể sớm dập dịch, do dịch đang lan rộng và diễn biến phức tạp, và do đó chưa thể sớm ổn định các hoạt động giao thương kinh tế với thị trường này, thì có thể trông đợi ở thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Nhưng trước hết phải dập dịch đã”, ông Nghĩa một lần nữa nhắc lại.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh và chính quyền của nước này cũng đang khá tự tin khi nói về triển vọng phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc sau thời gian trì trệ về COVID-19.
Vào cuối tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho biết, Chính phủ nước này sẽ “tối ưu hoá” các chính sách để giúp nền kinh tế hồi phục và đảm bảo việc làm ổn định.
Hiện tại, theo thông tin từ Bloomberg, đã có một số dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều nhà máy, nơi làm việc của Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại. Thậm chí, con số được nhắc tới là 85% hoạt động sản xuất đã tái khởi động, ngoại trừ ổ dịch lớn nhất Trung Quốc là tỉnh Hồ Bắc.
“Đúng là đã bắt đầu có những tín hiệu tốt từ phía Trung Quốc. Các đơn hàng phụ kiện dệt may đã bắt đầu về Việt Nam, phụ kiện điện tử cũng vậy. Điều này có thể giúp kinh tế Việt Nam khả dĩ hơn trong tháng 5, tháng 6 tới”, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nói.
Tất nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ nằm trong dự báo, bao gồm cả thị trường Trung Quốc. Bởi thực tế, nền kinh tế này cũng sẽ chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Và do đó, để giữ được nhịp độ tăng trưởng, các giải pháp như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các giải pháp tài khóa, tiền tệ cũng cần thực hiện linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Trong giai đoạn khó khăn này, chính sách tài khóa là hàng đầu, chính sách tiền tệ là hỗ trợ. Nhưng khi dịch qua đi, thì chính sách tiền tệ phải đủ mạnh để nền kinh tế có thể như cái lò xo, bật mạnh hơn”, ông Võ Trí Thành nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận