24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đánh giá lại quy mô GDP để nhận diện chính xác nền kinh tế

Chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; định hướng giai đoạn 2021-2025.
*4 bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, điều hành kinh tế-xã hội

Thống nhất với đánh giá của các đại biểu Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với nước ta. Ngay từ đầu năm, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuối năm lại phải chịu tác động rất nghiêm trọng của thiên tai.

Mặc dù vậy, kinh tế-xã hội năm 2020 vẫn có rất nhiều điểm sáng, đạt những kết quả khá tích cực như kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Việt Nam là một trong số rất ít các nền kinh tế trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương... Những kết quả nổi bật nêu trên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là củng cố niềm tin và sự đồng lòng ủng hộ của người dân cả nước.
Từ những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có 4 bài học kinh nghiệm quý giá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội thời gian tới, đó là niềm tin và sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của người dân; tinh thần đoàn kết dân tộc, nhân ái của con người Việt Nam đã trở thành động lực chủ yếu lan tỏa những hành động tốt đẹp, nhân văn trong xã hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, chính xác và kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống chính trị; tính tự chủ, khả năng chống chịu cũng như thích nghi của nền kinh tế là yếu tố nền tảng để nền kinh tế có thể đứng vững và vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu cho Chính phủ bổ sung vào hệ thống giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội của năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.

* Có cơ sở đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021

Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, trong đó có băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2021, tăng khoảng 6% là tương đối cao và khó có khả năng thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2021, dự báo Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như môi trường quốc tế còn nhiều rủi ro và bất định; cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới do ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch COVID-19; tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng cần nhận thấy bên cạnh những thách thức nêu trên, có không ít cơ hội và tiềm năng mà nền kinh tế Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ, như tác động tích cực của các hiệp định FTA, cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, hay quá trình chuyển đổi số thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề kinh doanh mới sáng tạo từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động trong nước.

“Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế, khả năng đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2015 là có cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, đạt khoảng 2 đến 3%, cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 cao hơn mức bình thường. Điều này phù hợp với các dự báo tăng trưởng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế, phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là 6% cũng là nhằm tạo ra động lực để cả hệ thống chính trị quyết tâm phấn đấu cao, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025.

* Việc đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện chặt chẽ, khoa học

Trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP là hoạt động cần thiết và bình thường để khắc phục các vấn đề mà đánh giá thường xuyên không thực hiện, qua đó nhận diện được chính xác, toàn diện quy mô của nền kinh tế, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng cũng cho biết, quá trình đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học và đảm bảo công khai, minh bạch tất cả các thông tin; tham vấn và có sự tham gia liên tục của các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia thống kê, chuyên gia của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đánh giá lại quy mô GDP không làm thay đổi phương pháp tính GDP, nhưng bổ sung những thông tin và cập nhật quy định thống kê mới của quốc tế, các thông tin, dữ liệu của các cuộc tổng điều tra, báo cáo từ các bộ, ngành.

Bộ trưởng đề nghị dùng thuật ngữ “GDP đánh giá lại” thay vì nói “GDP điều chỉnh”. Bộ trưởng lý giải, việc sử dụng thuật ngữ “GDP điều chỉnh” dễ gây hiểu nhầm là Việt Nam tự điều chỉnh, thay đổi phương pháp tính GDP, trong khi đây chỉ là hoạt động cập nhật, bổ sung các dữ liệu, thông tin về quy mô của nền kinh tế.

"Trên cơ sở kết quả đánh giá lại, quy mô GDP bình quân của Việt Nam đã tăng thêm là 25,4%/năm", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

*Bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm

Liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, ngân sách Trung ương đã bố trí đủ vốn.

Theo đó, Chính phủ bố trí vốn tập trung xây dựng, hoàn thành ngay một số trục giao thông như đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau; giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cùng các dự án phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên...

Hoạt động đầu tư công đã được đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả