Đằng sau xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến dòng vốn ngoại rút khỏi chứng khoán Việt Nam thời gian qua là thị trường đang thiếu những thương vụ IPO tiềm năng.
Tại sự kiện Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" diễn ra sáng 19/7 do CLB Nhà báo chứng khoán thực hiện, các chuyên gia, lãnh đạo quỹ đầu tư trên thị trường đã chỉ ra một loạt lý do khiến dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP FiinGroup cho biết có 3 yếu tố chính khiến dòng tiền ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.
Lý do vốn ngoại rút khỏi chứng khoán
Một là, nhà đầu tư nước ngoài đang phân bổ lại tài sản đầu tư toàn cầu, trong đó, xu hướng chính là rút khỏi những khu vực mới nổi để đầu tư vào các thị trường phát triển hơn.
“Trong quá trình làm việc với các đối tác là quỹ đầu tư nước ngoài, họ cũng chia sẻ thẳng là không kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất mạnh, vì vậy, chênh lệch lãi suất giữa các thị trường vẫn ở mức cao, dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn”, ông nói.
Lý do thứ 2 là nhà đầu tư nước ngoài đang hiện thực hóa lợi nhuận. Thực tế, thống kê của FiinGroup chỉ ra các nhà đầu tư nước ngoài rất ưa thích các ngành mang tính tiêu dùng, cũng như đi liền với tiềm năng của thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam như bảo hiểm, bán lẻ, chứng khoán, thực phẩm và đồ uống, ngân hàng…
“Đây đều là các ngành đã tăng ít nhất 20-30% từ đầu năm, trong bối cảnh chính sách lãi suất thế giới chưa rõ ràng, rủi ro tỷ giá còn lớn, việc hiện thực hóa lợi nhuận vài chục % là điều dễ hiểu”, ông Thuân chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP FiinGroup.
Lý do thứ 3 là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lo lắng về chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, triển vọng của thị trường bất động sản và áp lực tỷ giá của Việt Nam.
“Đây là những lý do chính khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh từ đầu năm”, ông Thuân phân tích.
Tuy vậy, Chủ tịch FiinGroup đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay “không sợ” nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Lý do là tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu hiện không quá lớn, chỉ khoảng 10%, tương đương 32 tỷ USD (tính theo số cổ phần đang lưu hành).
Trong khi đó, thị trường còn nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác như doanh nghiệp Nhà nước nắm 26% (104 tỷ USD), nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm 4% (15 tỷ USD), nhà đầu tư khác nắm 61%.
Theo ông Thuân, nếu có giải pháp để các chủ thể còn lại trên thị trường như doanh nghiệp Nhà nước, nhà đầu tư tổ chức trong nước (quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí…) tham gia thị trường hiệu quả thì việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không phải là vấn đề lớn.
Thiếu những thương vụ IPO tiềm năng
Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho biết trong 4 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 tỷ USD chứng khoán Việt Nam, và riêng năm nay là hơn 2 tỷ USD. Trong khi dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu thích thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán những năm gần đây không có nhiều “cái mới” để thu hút nhà đầu tư, trong khi các thị trường khác thì có điều này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng cần thừa nhận rằng có những yếu tố khách quan tác động khó tránh khỏi bao gồm lãi suất của Mỹ giữ ở mức cao lâu hơn dự kiến. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư theo thị trường chỉ số với thị trường cận biên đã thất bại.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital.
Ông cũng cho rằng việc chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng cũng ảnh hưởng tới dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Điều này tác động vào cả tư duy của nhà đầu tư nước ngoài, lẫn số vốn có thể giải ngân theo thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy, cho rằng thực tế thị trường Việt Nam nhiều năm gần đây thiếu vắng những thương vụ IPO, những cổ phiếu tốt niêm yết mới.
Dẫn số liệu, ông Linh cho biết năm 2023, tổng số vốn các doanh nghiệp Việt Nam huy động được thông qua hình thức IPO chỉ đạt 7 triệu USD, trong khi tại thị trường Indonesia, con số này lên tới 3,6 tỷ USD.
Ông Linh cũng chỉ ra 2 yếu tố chính ảnh hưởng tới dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán thời gian qua là thay đổi trong chiến lược đầu tư từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài và lượng hàng tồn kho đã đầu tư của các quỹ tại Việt Nam không quá tích cực, trong khi thị trường không có những doanh nghiệp niêm yết mới đủ tốt nên họ phải đánh giá lại.
“Điều này cho thấy hàng hóa của chúng ta chưa đa dạng, dù có nâng hạng thị trường thì cũng cần có hàng hóa tốt để nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào”, ông Linh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận