Đằng sau con số xuất siêu kỷ lục
Xuất siêu 10 tháng qua lập kỷ lục nhưng lại do doanh nghiệp giảm nhập tư liệu sản xuất vì thiếu đơn hàng, doanh thu từ xuất khẩu đi xuống.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 291,28 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 266,67 tỷ USD. Diễn biến này khiến cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu đến 24,61 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần so với 10 tháng cùng kỳ 2022 (9,56 tỷ USD).
Con số này thậm chí phá kỷ lục năm xuất siêu cao nhất của Việt Nam là 2020, với 19,94 tỷ USD. Tuy nhiên, đằng sau con số "khủng", theo giới chuyên gia, không có nhiều tín hiệu đáng mừng, với một số lý do.
Đầu tiên, xét về giá trị tuyệt đối, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng qua đã giảm 9,6%, đạt 557,95 tỷ USD. Trong đó, quy mô xuất khẩu giảm 7,1%, nghĩa là so với năm ngoái thì tiền kiếm được từ bán hàng ra nước ngoài ít đi.
Và nếu chỉ nhìn vào con số xuất siêu thì không cho thấy được sức khỏe vẫn còn kém của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực. 85% kim ngạch 10 tháng qua đến từ nhóm ngành công nghiệp chế biến (247,34 tỷ USD/291,28 tỷ USD), nhưng có đến 5 trên 7 mặt hàng kim ngạch trên 10 tỷ USD thuộc nhóm này giảm.
Giảm sâu nhất phải kể đến da giày (trên 20%). Điện thoại - linh kiện và dệt may giảm xấp xỉ 12%. Máy móc - thiết bị - phụ tùng giảm nhẹ hơn, ở mức trên 7%. Trong sản phẩm chế biến chế tạo, chỉ có phương tiện vận tải và phụ tùng tăng tốt ở mức trên 18%, còn máy vi tính - linh kiện chỉ nhích nhẹ 0,7%.
Báo cáo tháng 10 của HSBC cũng nhận định, xuất khẩu đã có chuyển biến dần nhưng sự phục hồi là không đồng đều. Trong đó, dệt may và da giày vẫn còn yên ắng, dẫn đến tình trạng sa thải liên tục do thiếu đơn hàng từ các nước phương Tây.
"Xuất nhập khẩu trước đây thường chứng kiến tăng trưởng dương, nhưng đến trước tháng 10, hầu hết nhóm ngành đều âm, như dệt may, da giày, đồ gỗ, sang châu Âu và Mỹ giảm đáng kể", ông Bùi Duy Khánh, Giám đốc Kinh doanh khối thị trường vốn HSBC Việt Nam chỉ ra.
Nhà băng này cho rằng, điểm sáng duy nhất của xuất khẩu năm nay phải kể đến nông - thủy sản, mang về 26,7 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng so với cùng kỳ 2022 cũng chỉ ở mức 3,8%. Cùng với đó, nhóm hàng này có tỷ trọng đóng góp dưới 10% trong tổng kim ngạch nên góp phần dịu bớt tình hình nhưng không bù đắp được hết cho những trở ngại thương mại.
Thứ hai và đáng chú ý hơn là kim ngạch nhập khẩu còn giảm với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu, đến 12,3%. Trong hơn 250 tỷ USD mà Việt Nam chi ra 10 tháng qua để mua hàng từ nước ngoài, gần 94% là nhóm tư liệu sản xuất, gồm nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Sự suy giảm nhập khẩu từ máy móc, thiết bị đến nguyên, nhiên liệu cho thấy đầu tư cho sản xuất và dự kiến sản lượng sản xuất không cao. Là một nền kinh tế gia công, lắp ráp, với nhiều mặt hàng chủ lực kiếm hàng chục tỷ USD như điện thoại, quần áo hay da giày đều phụ thuộc lớn vào đầu vào của nước ngoài, nhập khẩu ít đi, theo giới phân tích, không phải tin vui cho tương lai.
Ông Đỗ Hòa, CEO công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, cho rằng nhập khẩu giảm nhiều chính là tín hiệu cho biết những tháng tiếp theo xuất khẩu còn ảm đạm. "Chúng ta là nước gia công, muốn xuất ra nhiều mà nhập ít đi thì đáng lưu ý", ông Hòa nói trong một sự kiện gần đây.
Hai tháng gần đây, xuất khẩu bắt đầu khả quan hơn. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 11, lần đầu tiên sau 11 kỳ báo cáo số liệu xuất nhập khẩu đầu năm đến nay (mỗi tháng 2 kỳ), Tổng cục Hải quan ghi nhận nhập siêu 120 triệu USD. Cán cân thương mại có điều chỉnh theo hướng nhập khẩu giảm chậm hơn, giúp giá trị xuất siêu từ đầu năm đến 15/11 còn 24,4 tỷ USD (10 tháng là 24,61 tỷ USD).
Tuy nhiên, con số xuất siêu này vẫn còn rất lớn. Cùng với sức mua của các nền kinh tế lớn chưa hồi phục mạnh, các chuyên gia chưa nhiều lạc quan trong ngắn hạn. Theo ông Bùi Duy Khánh của HSBC, bức tranh vẫn "tương đối đa sắc".
"Không phải ngành nào cũng hưởng lợi, mà chỉ có một số ngành đặc thù. Về dài hạn, dệt may khả năng tiếp tục xu hướng không có đơn hoặc có đơn chỉ đủ duy trì hoạt động", ông dự báo. Cũng theo chuyên gia, do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên các thị trường nhập khẩu chính chưa hồi phục tốt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng năm sau.
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, mô tả tín hiệu phục hồi kinh tế mới là "lốm đốm chứ xu hướng chung vẫn khó khăn". "Vấn nạn chung là các công ty xuất nhập khẩu vẫn chưa có đơn hàng", bà Hạnh nói. Bà dự báo doanh nghiệp phải từ xoay sở của năm nay thành "siêu xoay xở" cho năm sau.
"Khi nào thấy số nhập khẩu nhiều hơn thì mới lạc quan về con số xuất khẩu trong tương lai", ông Hòa nói. Do đó, ông cho rằng triển vọng của năm 2024 chưa sáng hơn đáng kể so với 2023. Ngoài ra, về dài hạn, các chuyên gia cũng cảnh báo một số biến động và xu hướng có thể diễn ra.
Với thị trường Mỹ, chính sách hồi hương sản xuất cần có độ trễ thêm 1-2 năm nữa để kiếm chứng khả năng thành công. Trường hợp nước này có nhiều nhà máy tại chỗ hơn, nhu cầu nguồn cung từ châu Á có thể giảm trong dài hạn.
Với thị trường châu Âu, biến số có thể nằm ở giá dầu. Khu vực này cũng mua hàng từ Trung Mỹ, nơi có nhiều sản phẩm nhiệt đới tương tự Việt Nam nhưng thời gian vận chuyển đường biển ngắn hơn gần 10 ngày. "Chừng nào giá dầu còn hợp lý thì xuất khẩu của chúng ta còn cạnh tranh được. Nhưng giá dầu tăng cao thì khả năng sẽ mất đơn hàng hoặc kém cạnh tranh hơn Trung Mỹ", ông Hòa đánh giá.
Ngoài hai bạn hàng lớn này, thế giới đang chứng kiến hai xu hướng chung khác, cũng có thể là bất lợi về lâu dài nếu không có sự chuẩn bị.
Một là có thị trường thực thi chính sách theo hướng phi toàn cầu hóa, tức siết chặt hàng rào kiểm soát, nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng có thể sản xuất nội địa hoặc thay thế. Theo ông Hòa, kinh tế khó khăn cũng là một động cơ để các nước đẩy mạnh việc này.
Hai là xu hướng tiêu dùng xanh, tức hàng hóa đáp ứng các tiêu chí chứng nhận bền vững. "Hiện châu Âu chỉ mới mua hàng ít đi nhưng sắp tới có thể khó bán cho họ hơn khi khối này siết các tiêu chuẩn xanh", bà Vũ Kim Hạnh cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận