Đằng sau câu chuyện lãi suất huy động đang bị kéo rộng giữa các nhóm ngân hàng
Các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất huy động, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, với các kỳ hạn dài lãi suất huy động sẽ khó có dư địa giảm do các ngân hàng chuẩn bị áp dụng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước .
Các chuyên gia nhận định, hiện mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay cùng trong xu thế giảm thấp nhất trong vòng 10 năm qua, do thanh khoản của hệ thống đang dư thừa khá lớn, trong khi tín dụng tăng trưởng ì ạch. Cùng với đó, việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Lãi suất “đứng” thấp nhất trong 10 năm qua
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất huy động, cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần giảm lãi suất, tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Cụ thể, đến nay lãi suất huy động VND giảm 0,3-1,25%/năm; lãi suất cho vay giảm 0,3-3%/năm so với cuối năm 2019.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0 - 4,25%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,1-5,3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 6,6-7,0%/năm.
Tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2019 (6,05%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Tốc đố tăng trưởng huy động vốn vượt khá xa mức tăng của tín dụng.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhìn chung thanh khoản ngân hàng đang dư thừa, nhưng do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng vẫn phải tính toán để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và có dư địa triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng
Tuy nhiên, trên thực tế, ghi nhận trên thị trường có thể thấy mức giảm lãi suất của các ngân hàng là không đồng đều, thậm chí có ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, còn với các kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất vẫn neo ở mức khá cao.
Ghi nhận trên thị trường, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn đang có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. Theo đó, lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước bao gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV. Cụ thể, lãi suất tiền giửi kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6,0 - 6,1%/năm.
Trong khi đó, ở các ngân hàng cổ phần có quy mô lớn đang huy động ở kỳ hạn 12 tháng trở lên vào khoảng 6,7 - 6,8%/năm. Còn các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ và vừa đang huy động ở mức cao nhất trên thị trường, từ 7,7 - 8,5%/năm, nhưng với mức lãi suất 8,5% sẽ kèm theo điều kiện khách hàng gửi trên 500 tỷ đồng.
Lãi suất cao vẫn khó hấp dẫn khách hàng
Lý giải về sự phân hóa trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Với những ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh hơn do uy tín thương hiệu và mạng lưới cũng không phủ rộng được như các ngân hàng lớn. Bởi vậy, để có thể huy động được vốn, các ngân hàng nhỏ thường phải trả lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất không phải yếu tố quyết định việc gửi tiền của họ, mà yếu tố đầu tiên người dân sẽ nghĩ tới là gửi tiền vào nơi nào an toàn nhất, sau đó mới so sánh đến lãi suất ở đâu cao hơn.
Chị Nguyễn Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết từ trước đến nay chị đều mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng BIDV, dù mức lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này luôn thấp nhất hệ thống. Nhưng chị Hương cho rằng gửi tiền tại nhà băng này bên cạnh uy tín và độ an toàn cao, hệ thống phòng giao dịch, chi nhánh của BIDV nhiều nên rất dễ cho việc giao dịch của chị.
Cùng quan điểm, anh Đức Mạnh (Đông Anh, Hà Nội) bộc bạch: “Tôi không có nhiều tiền, chỉ có ít tiền dành dụm được nên khi gửi tiết kiệm, ngân hàng đầu tiên tôi nghĩ tới là những ngân hàng của Nhà nước, tuy lãi suất thấp hơn nhưng vì là của nhà nước nên sẽ an toàn hơn”.
Theo ông Hiếu, những nhà băng lớn ngoài việc đã xây dựng được uy tín, thương hiệu tốt thì còn có lợi thế là quy mô chi nhánh, phòng giao dịch rộng lớn. Bên cạnh, là tâm lý chung của người dân khi cho rằng gửi tiền tại ngân hàng do Nhà nước nắm giữ vốn sẽ an toàn hơn so với ngân hàng thương mại tư nhân.
Ngoài nguyên nhân do các ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh với các ngân hàng lớn nên phải huy động với lãi suất cao hơn, thì các chuyên gia còn cho rằng một số ngân hàng nhỏ đang chịu áp lực trong việc thực hiện quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Dù quy định này đang được NHNN xem xét, lùi thời hạn dự kiến vào tháng 10 năm nay thêm 6 tháng hoặc 1 năm nữa. Nhưng các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn trung và dài hạn thấp cũng phải chuẩn bị cho quy định này ngay từ bây giờ. Trong đó, giải pháp huy động với lãi suất cao sẽ giúp các ngân hàng hoàn thành kế hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận