menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Đáng lo nhất là lãi suất cao và sở hữu chéo ngân hàng

Lãi suất cho vay thực đang ở mức quá cao và mối nguy sở hữu chéo tích tụ hàng chục năm đang đe dọa hệ thống là hai thách thức lớn nhất với chính sách tiền tệ hiện nay.

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Lãi suất cho vay đang quá sức doanh nghiệp

Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất với điều hành chính sách tiền tệ năm 2023?

Chúng ta thấy, những áp lực từ bên ngoài đang giảm dần: lạm phát toàn cầu đang giảm, USD giảm giá, kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt hơn dự báo… Năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất thường, song không phải là khủng hoảng cấu trúc, mà chỉ là một “tai nạn”, nên sau khi tai nạn qua đi, tôi nghĩ, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ khả quan.

Thách thức lớn nhất của nền kinh tế năm 2023 nằm chính ở các yếu tố nội tại trong nước. Với chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát, tỷ giá năm 2023 không đáng lo, song thách thức lớn nhất là lãi suất. Câu hỏi chúng ta cần phải làm rõ là tại sao lạm phát ở Việt Nam thấp, tiền đồng mất giá gần thấp nhất thế giới, song lãi suất lại ở nhóm cao nhất thế giới?

Lãi suất trong nước vọt tăng mạnh từ tháng 9/2022 đến nay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2 lần tăng lãi suất điều hành, song liệu có đúng là lãi suất Việt Nam thuộc vào nhóm cao nhất thế giới, thưa ông?

Muốn biết lãi suất có cao hay không, phải nhìn vào lãi suất thực, tức là lãi suất đã trừ đi lạm phát. Lãi suất tiền gửi một năm hiện khoảng 9,4%, trừ đi lạm phát bình quân 3,15%, thì lãi suất tiền gửi thực dương hơn 6,2%. Lãi suất bình quân 12,5%/năm (kỳ hạn 1 năm), sau khi trừ đi lạm phát thì ra lãi suất thực là 9,35%/năm.

Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát năm 2022 ước khoảng 8%, lãi suất cho vay khoảng 4%/năm, có nghĩa là lãi suất cho vay thực tại Mỹ đang ở mức âm 4%/năm. Như vậy, so với doanh nghiệp ở Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất cao hơn 13,35%. Nếu so sánh với châu Âu, lãi suất của Việt Nam còn cao hơn.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải kinh doanh dưới áp lực lãi suất cho vay rất ghê gớm, làm sụt giảm sức cạnh tranh, nguy cơ bị đẩy lùi ngay tại thị trường nội địa, nhường chỗ cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang không phải chịu mặt bằng lãi suất cao.

Quay lại nghịch lý mà ông vừa đặt ra: lạm phát ở Việt Nam thấp, tiền đồng mất giá gần thấp nhất thế giới, song lãi suất lại ở nhóm cao nhất thế giới. Tại sao lại như vậy và liệu có giải pháp nào kéo lãi suất giảm xuống không?

Lãi suất ở nước ta tăng mạnh thời gian qua không phải do lạm phát hay room tín dụng, mà là do cung tiền. Lãi suất tăng do cung tiền giảm. Vì vậy, muốn kéo lãi suất giảm, thì đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên. Còn room tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để chúng ta khống chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trên nền tảng cung tiền cố định.

Năm 2022, cung tiền của Việt Nam chỉ tăng hơn 7%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Điều này có nghĩa là, cung tiền năm ngoái thiếu so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành. Nói cách khác, Việt Nam đang thiếu lượng tiền lưu thông để tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Sở dĩ trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế không thiếu tiền là do năm 2021, tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ 4,6% (gồm 2,5% tăng trưởng GDP và 1,9% lạm phát), nhưng cung tiền lại tăng tới 11%. Cung tiền năm 2021 tăng mạnh những tháng cuối năm do NHNN tăng mua ngoại tệ, nên đã hỗ trợ cho 2 quý đầu năm 2022, giúp nền kinh tế không rơi vào tình trạng nghẽn mạch thanh khoản.

Tuy vậy, bước sang những tháng cuối năm 2022, tình trạng nghẽn mạch này đã xuất hiện. Lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế bị hụt, không thể hỗ trợ cho năm 2023. Đây là điều NHNN cần phải tính toán sớm vì độ trễ của chính sách tiền tệ rất lớn, có thể lên tới 6 tháng đến 1 năm. Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp (năm 2022 chỉ khoảng 0,6 vòng/năm, trong khi tại Mỹ là 1,6 - 2 vòng/năm).

Ngoài ra, nên nhớ rằng, năm 2022, GDP nước ta tăng 8,02%, nhưng lượng tiền cần cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 không phải là lớn, do dựa trên nền tảng một số quý năm 2021 tăng trưởng âm. Còn năm 2023, dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh của năm 2022, để tăng trưởng 6,5%, nền kinh tế cần lượng cung tiền rất lớn. Đây là điều NHNN cần tính toán kỹ và có kế hoạch chủ động.

Việc tăng cung tiền, theo ông, có đe dọa đến lạm phát năm nay?

Cung tiền tăng sẽ đẩy lạm phát tăng lên, nên NHNN phải tính toán ở mức độ hợp lý. Năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát không quá 4,5%, có nghĩa là chấp nhận lạm phát cao hơn năm ngoái. Đây là “khung” thuận lợi để NHNN tăng cung tiền, giảm lãi suất.

Thực tế, tôi cho rằng, lạm phát năm nay có thể khó lên tới mức 4,5%, vì hiện nay, cầu tiêu dùng đang giảm khá nhanh trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta không thể “treo” lãi suất cao như vậy mãi được. Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa là, lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý. Khi đó, lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp.

Đáng lo nhất là lãi suất cao và sở hữu chéo ngân hàng
Lãi suất tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Ảnh: Đức Thanh

Sở hữu chéo vẫn là vấn đề đáng lo nhất

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất năm 2023 là phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng. Để làm được điều này, đâu là yếu tố then chốt, thưa ông?

Muốn giữ được an ninh của hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được thị trường tài sản phục hồi, đồng thời cũng phải xử lý được vấn đề tồn tại lâu nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam là sở hữu chéo.

Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này.

Phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Ví dụ, có tập đoàn thành lập tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN có thể nhìn thấy, nhưng không có chế tài để theo dõi, giám sát hết được, trong khi đây là lại là gốc rễ rủi ro an ninh tiền tệ - ngân hàng. Nếu giám sát ngân hàng không bằng “nhãn quan” an ninh, thì chúng ta sẽ còn phải chống chọi với các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Ông vừa nói, giữ thị trường tài sản là một trong các yếu tố đảm an ninh hệ thống ngân hàng. Thực tế năm 2022, những sự cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản khiến không ít ngân hàng khó khăn, thậm chí có ngân hàng rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Theo ông, chúng ta ứng xử ra sao với bất động sản thời gian tới?

Thị trường bất động sản hiện nay chưa đến mức khủng hoảng, song đang trong tình trạng “bóng xì hơi” đáng lo ngại.

Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nguồn cung bất động sản, muốn giải quyết, cần phải có đất (dự án, quy hoạch) và có tiền. Bên cạnh đó, quá trình hình thành dự án phải nhanh. Hiện nay, nhiều dự án mất 7-10 năm mới cấp được giấy phép xây dựng, thì chúng ta đang tự làm khó mình. Chính vì khan hiếm nguồn cung, nên thời gian qua, hệ thống đầu cơ mới vào cuộc.

Chính phủ đang có những động thái ráo riết nắn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy vậy, tôi cho rằng, trước mắt, cần có ngay những giải pháp để làm dịu tình hình, phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân, từ đó phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm dịu tình trạng nợ xấu của các ngân hàng. Theo đó, đầu tiên, cần phải thanh lọc các doanh nghiệp, dự án tốt và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, dự án này phát triển, giống như cách Trung Quốc đang làm. Nếu những doanh nghiệp xứng đáng được hỗ trợ phục hồi, thì niềm tin của dân chúng sẽ trở lại nhanh hơn.

Tóm lại, để giải quyết tình trạng của thị trường bất động sản hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp.

Một là, tăng lượng dự án được cấp phép.

Hai là, tăng tín dụng, rót vốn hỗ trợ các doanh nghiệp tốt có khả năng phục hồi.

Hai yếu tố trên sẽ giúp thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán hồi phục, nhà đầu tư lấy lại niềm tin.

Nếu đặt lên bàn cân, ông cho rằng, câu chuyện lãi suất hay an ninh tiền tệ là thách thức lớn nhất với điều hành chính sách tiền tệ năm 2023?

Hiện nay, NHNN đã tương đối vững vàng trong việc điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để tránh lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều tôi lo ngại nhất là an ninh hệ thống ngân hàng và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bởi sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn khó nhận diện, song lại gây ra nguy cơ rất lớn cho hệ thống. Mối nguy đó tích tụ hàng chục năm nay và đang ở mức đáng báo động.

Để xảy ra tình trạng này cũng không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp. Có một thực tế là, chính sách của chúng ta vẫn chưa hướng được các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu, dài hạn, như công nghiệp hóa. Một khi chính sách chưa hướng được doanh nghiệp đầu tư vào các mục tiêu dài hạn, thì doanh nghiệp sẽ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, như bất động sản, theo đó, họ sẽ phải đẻ ra hàng loạt công ty con để vay vốn ngân hàng.

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền. Nói cách khác, luật chúng ta đã có, song chưa làm được nhiệm vụ trinh sát, chưa nói đến “đánh trận”. Vì vậy, vấn đề an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống phải là trọng tâm xử lý của NHNN và phải tập trung nguồn lực thật sự không chỉ năm 2023, mà còn nhiều năm tới, vì xử lý sở hữu chéo không thể hoàn thành trong 1-2 năm.

Thời gian qua, NHNN đã có nhiều nỗ lực trong thanh tra, giám sát ngân hàng, song dường như chưa thể xoay chuyển được tình thế để đáp ứng được một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hướng được tới các mục tiêu lớn trong tương lai, như công nghiệp hóa đất nước. Theo tôi, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng NHNN, mà cả bộ máy Chính phủ, Quốc hội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Chỉ khi giữ được an ninh tiền tệ, thì mới giữ được niềm tin của dân chúng, giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
4 Bình luận 22 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại