menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

Dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ: Bộ Tài chính Hoa Kỳ có mâu thuẫn với chính mình?

Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (Báo cáo).

Ngoài ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ còn đính kèm “Phương pháp luận định giá tiền tệ”, có tên gọi GERAF. Báo cáo dán nhãn Việt Nam cùng với Thụy Sỹ thao túng tiền tệ. Nhiều tổ chức quốc tế và các nhà kinh tế có uy tín đã chỉ ra nhiều bất cập trong Báo cáo.

So với các Báo cáo trước đây, lần đầu tiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố phương pháp GERAF. Đây là một trong những luận điểm quan trọng nhất để Báo cáo cho rằng, Việt Nam định giá thấp tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, GERAF có khả năng “đánh giá tài khoản vãng lai và tỷ giá hối đoái của một nước, chẳng những dựa trên các yếu tố cấu trúc và những nền tảng cơ bản kinh tế vĩ mô, mà còn tính đến những mất cân bằng trong chính sách kinh tế vĩ mô”.

Nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Paul Volcker đã từng nói, ông không biết thế nào đồng tiền định giá đúng, nhưng ông biết sai khi nhìn thấy nó. Đúng vậy, về phía Việt Nam, có lẽ không ít người cũng sẽ cho rằng “không biết phương pháp luận GERAF có đúng hay không, nhưng chúng tôi sẽ biết sai nếu nhìn thấy kết quả đầu ra của nó”. Chí ít nhận định này cũng đúng đối với trường hợp Việt Nam. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng, GERAF có 4 đóng góp mới về phương pháp luận.

Tác giả xin được chỉ ra 4 điểm bất cập chính của GERAF.

1. GERAF đề cập việc đưa Chỉ số VIX (Volatility Index) vào quá trình phân tích (VIX đo lường nỗi sợ của thị trường. VIX càng cao, tâm lý lo sợ càng lớn và ngược lại). GERAF phát hiện mối quan hệ nghịch biến giữa chỉ số VIX với lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Chính phủ Hoa Kỳ. VIX liên tục ở mức cao khiến cho lợi suất trái phiếu sụt giảm mạnh, tiến vào vùng 0%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, lạm phát trung bình 4%/năm. Lãi suất thực tiền đồng ở mức dương phản ánh đúng cấu trúc cơ bản của nền kinh tế mới nổi. Chênh lệch lãi suất tiền đồng cao hơn so với USD thông qua tài sản an toàn là trái phiếu chính phủ, phần nào đã góp phần làm cho tiền đồng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Cả 2 yếu tố giá (price factors) và lượng (quantity factors) khiến tiền đồng có xu hướng mạnh lên. Trong báo cáo năm 2018 cho trường hợp Việt Nam, khi dùng một mô hình khác với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho ra kết quả tỷ giá thực hiệu lực REER (Real Effective Exchange Rate) định giá tiền đồng rất cao, lên đến 15,2%.

Như vậy, nếu đúng như phương pháp luận của GERAF, đáng lý, các kết quả tính toán từ GERAF phải phản ánh được sự mạnh lên của tiền đồng, hay chí ít cũng phải ngang giá, thay vì bị định giá thấp như đã nêu trong Báo cáo.

2. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng “mô hình GERAF cung cấp một phương pháp chặt chẽ, nhất quán, đa chiều để đánh giá các mất cân bằng đối ngoại, sai lệch tỷ giá và vai trò của chính sách trong cả hai trường hợp trên”. Tuy nhiên, điều này dường như chưa được tính vào trong hoàn cảnh Việt Nam.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 có thể tóm gọn trong từ “siêu bất định”. Trong bối cảnh đó, với những triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là cuộc chiến chống đại dịch thành công, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho dòng vốn quốc tế. Dòng vốn quốc tế chảy quá mạnh vào nền kinh tế, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trung hòa bằng cách mua vào USD. Việc không tính đến hoặc đặt trọng số yếu tố “siêu bất định” không thích đáng khi tính toán tỷ giá thực là một thiệt thòi lớn cho Việt Nam. Ngay sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố Báo cáo, Viện Peterson (PIIE) lại có nhận định ngược lại, khi cho rằng: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia không nhìn thấy giảm giá tiền đồng so với USD trong năm 2020”.

3. GERAF lần đầu tiên sử dụng các chỉ số tài sản an toàn (Safe Asset Index) để định giá tiền tệ. Với cách tiếp cận mới này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã không kế thừa phương pháp luận định giá tiền tệ theo khối dự trữ ngoại hối (stock of reserves) của IMF trong quá trình tài khoản vãng lai điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Điều đáng nói là cách tiếp cận của IMF theo “khối” đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ tham vấn trong các báo cáo trước đó.

Việc không tính đến các diễn biến trong quá khứ như thông lệ của IMF đã dẫn đến những bất công cho Việt Nam. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đã tích luỹ khối dự trữ ngoại hối khổng lồ đến mức nếu họ tích luỹ thêm, chi phí tài khoá của dự trữ sẽ vượt các lợi ích nhận được. Trong khi đó, Báo cáo ghi nhận Việt Nam bước vào năm 2019 với khối dự trữ ngoại hối khiêm tốn, vừa chạm ngưỡng gần 4 tháng nhập khẩu theo khuyến nghị của IMF.

So sánh 2 trường hợp trên, trong khi các nước có dự trữ ngoại hối lớn không bị vi phạm tiêu chuẩn thứ ba về can thiệp ngoại hối, thì Việt Nam lại vướng phải là điều rất khó hiểu. Về vấn đề này, ông Mark Sobel (nguyên đại diện của Hoa Kỳ tại IMF) nhận định: “Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong khi dán nhãn Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ, đã bỏ qua nhiều bằng chứng thanh thiên bạch nhật trong các thao tác tiền tệ gây hại của các nước”.

4. Trong khuôn khổ GERAF, lần đầu tiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khái niệm mới “tài khoản vãng lai mất cân bằng do quán tính” để định giá tiền tệ trong mối quan hệ với tính hợp lý của dự trữ ngoại hối trong quá trình cán cân đối ngoại trở về cân bằng. GERAF giải thích, tài khoản vãng lai mất cân bằng do quán tính nghĩa là vị thế tài sản nước ngoài ròng lớn hơn liên quan với cán cân tài khoản vãng lai cao hơn. Nhưng điều này không đúng nếu một quốc gia dùng nó để sử dụng như là một tấm đệm cẩn trọng cho cán cân đối ngoại. Tác giả cho rằng, đây đích thị là trường hợp của Việt Nam.

Báo cáo ghi nhận nhiều năm trước đây, dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục ở mức thấp. Đặc biệt, trong giai đoạn căng thẳng thị trường tiền tệ năm 2015, dự trữ ngoại hối đã sụt giảm 29 tỷ USD, tương đương 12% GDP. Từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng thêm 16,8 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP. Trên thực tế, tỷ lệ này cũng chính là “phần bù” lại dự trữ ngoại hối đã mất ở các năm trước theo “quán tính” để đưa tài khoản vãng lai về cân bằng theo đúng phương pháp luận của GERAF. Bộ Tài chính Hoa Kỳ nên cân nhắc trường hợp này để có đánh giá khách quan hơn các đặc thù trong diễn biến tiền tệ của Việt Nam.

Tác giả không có ý định dùng các phương pháp luận khác để tranh luận với GERAF của Bộ Tài chính Hoa Kỳ khi định giá tỷ giá USD/VND. Thay vào đó, tác giả dùng chính những luận điểm của GERAF. Các luận điểm ban đầu về mặt trực giác cho thấy, GERAF đáng lý phải cho ra kết quả tiền đồng định giá cao, thay vì định giá thấp.

Để định giá tiền tệ theo GERAF, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sử dụng dữ liệu giai đoạn 1986-2018 cho 51 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Việc cộng gộp chung tất cả các nước vào một mẫu phân tích có thể dẫn đến trường hợp vơ đũa cả nắm và dẫn đến những nhận định không thích đáng trong từng trường hợp.

Điều đáng ghi nhận là có lẽ nhận thấy những thiếu sót này, trong phần giới thiệu về GERAF, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói sẽ cân nhắc các tình huống cụ thể từng quốc gia về những nội dung (đã có và chưa có) trong phương pháp định giá tiền tệ của mình. Trong trường hợp như thế, Bộ Tài chính Hoa Kỳ có nêu ví dụ sẽ dẫn điều khoản 19, CFR 351.528 để phân tích thêm “mức độ minh bạch của chính phủ về những can thiệp có thể làm lệch hướng tỷ giá”. Tác giả không có chủ ý cho rằng, phương pháp luận GERAF là không chính xác, điều quan trọng là những thông tin và toàn bộ các dữ liệu sử dụng của chúng phải minh bạch để mọi người cùng đánh giá. Đây là điều mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn chưa công bố. Bộ Tài chính Hoa Kỳ yêu cầu phía Việt Nam minh bạch thông tin, phía Việt Nam ngược lại, cũng có quyền yêu cầu tương tự. Đây sẽ là những không gian chính sách để Việt Nam và Hoa Kỳ tham vấn thêm để có thể hiểu rõ nhau hơn.

Việc lãnh đạo Việt Nam bác bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ trong Báo cáo, trên thực tế, cũng trùng với quan điểm của bà Janet Yellen, nguyên Chủ tịch Fed trong một cuộc bình luận tại Brookings Institution tháng 2/2019, khi được hỏi thế nào là thao túng tiền tệ, đã cho rằng: “Rất khó và không tin cậy để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ, bởi vì có sự nhất trí chung rằng các quốc gia nên được phép sử dụng các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô trọng yếu để đạt được các mục tiêu chính sách trong nước, đặc biệt là các chính sách tài khóa và tiền tệ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả