Đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng năm 2022
Dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng hơn 275 tỷ kWh, tăng khoảng 7,88% so với năm 2021.
Đại dịch Covid-19 đã tác động gây ảnh hưởng nặng nề trong suốt hai năm diễn ra dịch bệnh, đặc biệt là khi đại dịch thứ tư bùng phát với mức độ ảnh hưởng nặng nề khiến thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đặc biệt ở các trung tâm kinh tế lớn. Sản xuất kinh doanh của cả nước chỉ có khoảng sáu tháng hoạt động trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành tám dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW trong năm ngoái.
Đặc biệt, ngành điện đã thực hiện giảm giá điện lớn chưa từng có cho nhiều đối tượng khách hàng. Năm đợt giảm giá với tổng số tiền gần 17.000 tỷ đồng đã được thực hiện trong năm 2021.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, tính đến cuối năm ngoái, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm trước đó. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống vẫn đạt 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518MW, tăng 11,3%. Điện thương phẩm toàn tập đoàn này đạt hơn 225 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.
Trong năm mới, ngành điện dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn; biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ… khó dự báo.
Dù vậy, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ 2022 của Cục Điều tiết điện lực diễn ra ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế - xã hội trong năm nay, trong bối cảnh cả nước đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Chỉ sau đó chỉ hai ngày, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang trong buổi gặp gỡ báo chí đã cho biết, dự kiến việc cung ứng điện năm 2022 về cơ bản được đảm bảo mà không phải thực hiện cắt giảm điện.
Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương)
Ông Quang cho biết, dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng 275,5 tỷ kwh, tăng khoảng 7,88 % so với năm 2021.
Tuy nhiên, trong một số thời điểm có thể có hiện tượng quá tải cục bộ của lưới điện trung hạ. Do vậy, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải điện, theo dõi các điều kiện vận hành hệ thống thị trường, cũng như đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định tin cậy cho hệ thống điện của toàn đất nước.
Ông Quang cho biết, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt ở hạ du.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị điện lực có kế hoạch đảm bảo nguồn nhiên liệu sơ cấp; thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị để khắc phục các khiếm khuyết của nhà máy điện và lưới điện. Tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, điều kiện để xử lý nhanh các sự cố, không để kéo dài, kể cả nguồn điện, lưới điện và tập trung hoàn thành các công trình lưới điện mà giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giải tỏa công suất của nguồn thủy điện nhỏ.
Lãnh đạo EVN cho hay, tập đoàn này đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm năm 2022 là hơn 242 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 96.500 tỷ đồng; thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm không quá 333 phút.
Để thực hiện điều này, EVN đã đề ra mười giải pháp cụ thể trong năm 2022 như vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư các dự án nguồn và lưới điện; triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ…
Đặc biệt, trong công tác chuyển đổi số, EVN đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận