Đại diện World Bank: Thị trường chứng khoán Việt Nam nên ở một đẳng cấp khác
Thị trường chứng khoán vẫn chưa phát triển thành nguồn cung quan trọng mặc dù có tiềm năng lớn. Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện tương đương 58,1% GDP; huy động vốn cổ phần trên các sàn chứng khoán ngày càng giảm...
Trong Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hồi đầu tuần, các chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng lên mới nổi.
Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính, Điều phối viên chương trình lĩnh vực tài chính của World Bank tại Việt Nam nhấn mạnh "Việt Nam nên ở một đẳng cấp khác".
Chuyên gia này đánh giá sự tăng trưởng ấn tượng trên thị trường vốn Việt Nam khi đã bắt kịp quốc gia đồng đồng đẳng. Quy mô thị trường tài chính gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán hiện đang tương đương 90% GDP. Vốn hóa thị trường Việt Nam đã vượt Indonesia tuy nhiên vẫn kém Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.
Thị trường chứng khoán vẫn chưa phát triển thành nguồn cung quan trọng mặc dù có tiềm năng lớn. Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện tương đương 58,1% GDP; huy động vốn cổ phần trên các sàn chứng khoán ngày càng giảm. Giai đoạn 2018 đạt kỷ lục 105 nghìn tỷ đồng qua IPO và chào bán thứ cấp ra công chúng; năm 2021 là 73.000 tỷ đồng tuy nhiên con số này vào năm 2023 chỉ đạt 16,5 nghìn tỷ đồng.
"Việt Nam nên ở một đẳng cấp khác", vị này nhấn mạnh. Các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong thị trường cận biên. Nếu Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% Việt Nam đã có 68 tỷ USD vào thị trường. Thông thường, dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, Ả Rập Xê Út hay Kuwait. Nếu đáp ứng chuẩn của FTSE Russell, Việt Nam có thể đón dòng vốn 25 tỷ USD.
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là thị trường cận biên. Từ tháng 9/2018, Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế cho thị trường Việt Nam giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Ngân hàng Thế giới ước tính nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được 25 tỷ đô vào năm 2030. Tuy nhiên, để thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030 theo dự báo, thì cần phải đảm bảo một số điều kiện trong đó bao gồm việc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thỏa mãn các tiêu chí khác mà hai tổ chức đánh giá xếp hạng đưa ra.
Về vấn đề yêu cầu kỹ quỹ, Việt Nam có thể tham khảo bài học từ Ả rập Xê út. Trước năm 2015, họ cũng yêu cầu giao dịch ký quỹ trước giao dịch, ngày thanh toán vào ngày T+0, tài sản được giữ lại các công ty môi giới địa phương. Sau đó, cải cách bằng cách thành lập trung tâm lưu ký chứng khoán, áp dụng T+2 chuyển giao tiền mặt và chứng khoán 2 ngày làm việc sau giao dịch. Năm 2021, giá trị giao dịch trên thị trường lớn hơn 20 lần so với năm 2018 khi việc nâng hạng lên thị trường mới nổi được công bố.
Bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù còn gặp thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Bà Arabella Bennett cũng nhấn mạnh việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực và Đại sứ quán Úc sẽ phối hợp với Worldbank trong việc hỗ trợ Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận