menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Đại dịch Covid-19: Dịch bệnh hay khủng hoảng?

Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 khác gì so với các khủng hoảng từng xảy ra? Thế giới có lâm vào khủng hoảng kinh tế? Trật tự thế giới sẽ ra sao? PHÂN T

Cho đến thời điểm hiện tại, tức là hơn ba tháng kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra bùng phát ở Trung Quốc và con người chưa biết đến khi nào mới có thể chế ngự được, gần như ai ai cũng nhận thấy rằng, thế giới và con người trên thế giới ở thời sau dịch bệnh sẽ không còn như thời trước dịch bệnh. Dịch bệnh làm thay đổi thế giới. Nhưng câu hỏi về dịch bệnh này sẽ làm thay đổi thế giới như thế nào lại là rất khó trả lời được.

Đại dịch và khủng hoảng kinh tế

Dịch bệnh hiện tại không phải là dịch bệnh đầu tiên xảy ra trên Trái đất mà trước đó đã bùng phát nhiều dịch bệnh khác nhau. Chỉ riêng trong thế kỷ 20 và thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã xảy ra những đại dịch mà ai bây giờ nhìn lại vẫn còn cảm thấy hãi hùng: Dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, dịch cúm châu Á 1957-1958, dịch cúm Hong Kong 1968-1970, dịch cúm Nga 1977-1978, hai lần dịch cúm trên thế giới 1995-1996, dịch SARS 2002-2005 và dịch cúm lợn 2009-2010. Rồi dịch Ebola và Mers hay cúm gà,.... Nhưng chưa có một đại dịch nào cương toả đồng thời toàn thế giới như dịch bệnh hiện tại.

Khủng hoảng kinh tế thế giới lại là chuyện khác. Những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hay có hệ luỵ trực tiếp tới kinh tế thế giới từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây được đề cập đến thường xuyên nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1939, 2 cuộc khủng hoảng dầu lửa giai đoạn 1973-1974 và 1979, cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công 2008-2009.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức xếp hạng dịch bệnh Covid-19 là đại dịch. Câu hỏi được đặt ra ngay là đại dịch này rồi đây có đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế hay không. Các thể chế tài chính và tiền tệ đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đều đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới, đều đề cập đến kịch bản suy thoái và suy thoái mạnh, nhưng đều không đả động gì đến câu trả lời cho câu hỏi trên.

Dịch bệnh hiện tại khác biệt cơ bản so với tất cả những dịch bệnh trước đó ở hai điểm. Thứ nhất, nó hoành hành đồng thời trên khắp thế giới chứ không bị bó gọn trong vùng nào hay châu lục nào. Hệ luỵ của điều này là nó đe dọa đồng thời mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng đâu hay riêng ai và nó buộc tất cả mọi người, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ phải đồng thời đối phó. Thứ hai là con người hiện chưa có và chưa biết đến khi nào mới có thể có được thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Hệ luỵ trực tiếp của điều này là thế giới chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc được thành công cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Những khác biệt căn bản

Dịch bệnh không phải là khủng hoảng mà là tác nhân có thể đưa đến khủng hoảng. Nếu cứ coi nó là khủng hoảng đi để có được mẫu số chung so sánh với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hay liên quan đến kinh tế thế giới đã xảy ra thì có thể thấy, ‘cuộc khủng hoảng dịch bệnh’ này khác biệt cơ bản so với những cuộc khủng hoảng kia ở hai điểm.

Thứ nhất, nó tác động trực tiếp và đồng thời đến cả bên cung và bên cầu chứ không chỉ tới có một bên và cội gốc của nó cũng không nằm trong hệ thống tài chính-ngân hàng quốc gia cũng như quốc tế. Hệ luỵ của điều này là việc khắc phục nó cần phải được tiếp cận theo cách hoàn toàn khác.
Thứ hai, để nhanh chóng khắc phục được ‘cuộc khủng hoảng’ này, cái quyết định nhất và trước hết không phải là vũ khí tối tân hay công nghệ hiện đại, dự trữ ngoại tệ dồi dào hay tài nguyên thiên nhiên phong phú mà là hệ thống chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế hoạt động thật sự hiệu quả cũng như bản lĩnh lãnh đạo và năng lực xử lý khủng hoảng của lãnh đạo đất nước.

Hệ luỵ của điều này là dịch bệnh làm bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết mức độ và phương diện dễ bị tổn thương của mọi quốc gia, mức độ thật sự của đồng thuận và đoàn kết trong nội bộ xã hội cũng như thực chất của mối quan hệ giữa nhà nước và người dân, cụ thể ở đây là nhà nước có đáp ứng được mong đợi và niềm tin của người dân hay không.

Trật tự thế giới mới sau đại dịch?

Hệ luỵ ở đây là qua công cuộc chống dịch bệnh sẽ lộ diện rõ mức độ tương thích giữa biểu hiện bề ngoài và thực chất bên trong của các hình thức tổ chức nhà nước và hệ thống chính trị trên thế giới. Ở đâu nhân văn và ưu việt hơn thì ở đó sẽ có được sự ổn định chính trị xã hội thực chất và bền vững hơn. Điều này được phản ánh ở mức độ tín nhiệm và tin tưởng mà người dân dành cho nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh và khủng hoảng.

Từ sự nhận diện những khác biệt nói trên có thể nhìn ra được tác động của đại dịch hiện tại tới thế giới, khu vực và quốc gia. Dịch bệnh này không nhất khoát đưa đến khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng nếu nó kéo dài hơn cả thời gian 7 tháng dai dẳng của đại dịch cúm Tây Ban Nha đồng thời, các nước, các vùng trên thế giới không dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc đẩy lùi dịch bệnh thì khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ có thể xảy ra.

Dịch bệnh này làm thay đổi thế giới nhưng chưa đủ để làm cho thế giới sau dịch bệnh khác biệt hoàn toàn so với trước đó. Thế giới có khác trước chứ không phải là một thế giới hoàn toàn mới. Cả thực trạng được coi là trật tự thế giới hiện tại cũng sẽ có thay đổi trên một số phương diện với mức độ nhất định nhưng dịch bệnh này chưa đủ để đưa lại một trật tự thế giới hoàn toàn mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại