Đại biểu: Quy định rõ điều kiện cấp giấy phép, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm gia nhập thị trường
Đại biểu cho rằng việc quy định rõ ràng những nội dung về giấy phép, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thành lập là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chiều 27/5, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng việc quy định rõ ràng những nội dung về giấy phép, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thành lập là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Quy định này là cơ sở để khuyến khích việc gia nhập thị trường, từ đó phát triển thị trường bảo hiểm một cách lành mạnh. Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định về giấy phép, điều kiện cấp giấy phép trong dự thảo luật, bảo đảm tính minh bạch và không tạo các cách hiểu khác nhau.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận). Ảnh: Cổng Thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Nguyên cũng nêu ý kiến về tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn diện các quy định của luật hiện hành. Trong khi đó, tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư lại được thể hiện trên cơ sở của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũ, vì vậy không còn phù hợp với dự thảo luật hiện nay.
“Trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư có 2 ngành nghề khác nhau là kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh tái bảo hiểm. Trong khi theo Điều 4 dự thảo Luật, hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm cả kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh tái bảo hiểm; phụ lục 4 quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Còn trong dự thảo Luật quy định được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị rà soát lại tên các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng thời ngay tại dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, liên quan tới các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ rõ tại Khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật có quy định về hành vi đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh hành vi vừa nêu, còn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm gây nhiều hệ lụy đến người tham gia bảo hiểm. Do đó, đề nghị bổ sung hành vi này vào dự thảo Luật.
Đánh giá cao Ban soạn thảo, Ủy ban Kinh tế đã có sự chuẩn bị công phu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết tại Điều 7 dự thảo Luật quy định các loại hình bảo hiểm bao gồm bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm phi nhân thọ.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu). Ảnh: Cổng Thông tin Quốc hội. |
Đại biểu cho biết, với mỗi cách tiếp cận thì có những hướng phân chia các loại hình bảo hiểm khác nhau. Cụ thể, căn cứ vào tính chất hoạt động thì có thể chia thành bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; căn cứ vào tính chất bồi hoàn thì chia thành bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần thiết kế lại nội dung này cho thống nhất về hướng tiếp cận đối với loại hình bảo hiểm.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng đề nghị cần có sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ, xác định rõ về nội hàm, phạm vi về an toàn vốn, an toàn tài chính trong các điều khoản của dự thảo Luật và đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung nội dung cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, về công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm…
Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề xuất cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng). |
Hiện Điều 5 dự thảo Luật đã quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định và biện pháp đối với chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm…; chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận