Đà Nẵng sẽ hình thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn
Đà Nẵng sẽ chuyển đổi KCN Đà Nẵng thuộc quận Sơn Trà trở thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, giúp địa phương hình thành đô thị hiện đại và trở thành trung tâm kinh tế mới.
Ngày 25/6, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức sự kiện Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 và chính thức công bố phương án phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp (KCN) và các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu phố tài chính quốc tế An Đồn sẽ là trung tâm kinh tế mới của Đà Nẵng
Theo UBND TP Đà Nẵng, địa phương sẽ chuyển đổi KCN Đà Nẵng thuộc quận Sơn Trà, trở thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn. Qua đó,việc này sẽ giúp địa phương hình thành đô thị hiện đại và trở thành trung tâm kinh tế mới.
Cùng với đó, địa phương cũng chuyển đổi KCN Hòa Khánh của quận Liên Chiểu đáp ứng với tiêu chí mô hình KCN sinh thái. KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng của quận Sơn Trà sẽ điều chỉnh quy hoạch theo hướng kết hợp giữa chế biến thủy sản, thương mại dịch vụ hậu cần và logistics.
Cũng tại khu vực này, thành phố sẽ chuyển đổi các dự án tiếp giáp khu vực dân cư thành các dự án thương mại dịch vụ hậu cần và logistics, đồng thời khu vực tiếp giáp với Khu dịch vụ Âu thuyền Thọ Quang tiếp tục bố trí các dự án sản xuất trên cơ sở đầu tư nâng cấp công nghệ tiên tiến, bảo đảm tốt về môi trường.
Ngoài ra, địa phương này cũng tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các KCN; phối hợp rà soát quỹ đất chưa khai thác tại các KCN Liên Chiểu, Hòa Cầm giai đoạn 1 để tiếp tục phối hợp xúc tiến đầu tư.
Nhiều KCN mới hình thành
Về định hướng phát triển trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ hình thành KCN hỗ trợ công nghệ cao, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh với tổng diện tích 771 ha.
Trong đó, địa phương này ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN này theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. Ưu tiên đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và KCN Hòa Ninh để đáp ứng nhu cầu hạ tầng công nghiệp.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ nghiên cứu quy hoạch bổ sung 1 KCN mới (khoảng 456 ha) để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại KCN Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistic phục vụ cảng Liên Chiểu.
Kết hợp với định hướng trên, thành phố quy hoạch khu chế xuất hàng xuất khẩu liên hợp gắn với tổ hợp Khu công nghệ cao Đà Nẵng theo mô hình công xưởng cao tầng (tiết kiệm diện tích đất và nâng cao mật độ kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất).
Đà Nẵng cũng sớm đưa các khu chức năng của Khu công nghệ cao vào hoạt động trước năm 2025. Điều chỉnh, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng (diện tích 1.710 ha) trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế. Địa phương cũng kết nối các KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao và KCN Hòa Ninh để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với khu Công nghệ cao.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), làng nghề hiện hữu, Đà Nẵng chuyển đổi mục đích sử dụng đất CCN Thanh Vinh mở rộng sang phát triển các lĩnh vực khác. Di dời hoạt động sản xuất thô tại Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước vào khu/CCN phù hợp. Đồng thời, Đà Nẵng đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.
Riêng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác, địa phương sẽ phát triển trên cơ sở khai thác lợi thế về sinh thái, bảo vệ môi trường; đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã; gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với hoạt động du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chủ trương đầu tư xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam; bổ sung quy hoạch 9 CCN mới trên địa bàn huyện Hòa Vang (tổng diện tích khoảng 587 ha) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết hợp bố trí di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư (hiện tổng diện tích các CCN trên toàn TP. Đà Nẵng gần 709 ha).
Cùng với đó, địa phương sẽ nghiên cứu hình thành một số cụm công nghiệp có diện tích phù hợp tại các mỏ khoáng sản sau khi đóng cửa, bảo đảm điều kiện về địa chất, địa hình và hạ tầng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận