Đà Nẵng cần 300.000 tỉ đồng để phát triển kinh tế đô thị
HĐND TP. Đà Nẵng vừa thông qua đồ án quy hoạch chung, theo đó TP. Đà Nẵng cần nguồn vốn đầu tư gần 300.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án để tái thiết đô thị, trong đó có nhiều dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Ngày 22/5, HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức kỳ họp thứ 14 (bất thường) khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp lần này là để các đại biểu (ĐB) cho ý kiến, thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là đồ án do Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong tư vấn.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 14 (bất thường) HĐND khóa IX diễn ra sáng 22/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Tầm nhìn đồ án hướng TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.
Mục tiêu Đồ án xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Đồ án lần này có phần kế thừa quy hoạch 2013, có phạm vi điều chỉnh với quy mô tổng thể. Tầm nhìn và mục tiêu của đồ án căn cứ đúng tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, xác định Đà Nẵng là đô thị lớn, văn minh, có bản sắc, phát triển bền vững, sử dụng đất tiết kiệm.
Theo nội dung đồ án, giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng cần hơn 232.000 tỉ đồng đầu tư. Giai đoạn 2025-2030, Đà Nẵng cần thêm vốn đầu tư hơn 63.000 tỉ đồng nữa. Tổng cộng, cần có gần 300.000 tỉ đồng để hiện thực hóa quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030.
Giai đoạn 1 từ năm 2020 – 2025 sẽ hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn chỉnh; tập trung phát triển các dự án động lực, trọng điểm.
Nguồn vốn đầu tư của giai đoạn này dự kiến là 232.140 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nguồn vốn sẽ được dành cho các dự án ưu tiên với số vốn 231.889,42 tỷ đồng để xây dựng các dự án động lực trọng điểm như bến cảng Liên Chiểu, tuyến đường vành đai phía Tây, các dự án cải tạo nâng cấp các nút giao thông trọng điểm, khu logistics bến bãi…
Nhiều dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như Khu Du lịch Làng Vân (dự kiến là 47.000 tỷ đồng); khu phức hợp nghỉ dưỡng, sân golf tại huyện Hòa Vang (dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng); khu phức hợp cao tầng dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt (dự kiến 47.000 tỷ đồng).
Giai đoạn 2 (2025 – 2030), Đà Nẵng sẽ tiếp tục tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm Thành phố, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng như Cảng Liên Chiểu, Cảng biển du lịch Tiên Sa, Ga đường sắt tốc độ cao....
Theo các đại biểu HĐND thành phố, cần phải có những quy định cụ thể để quản lý đồ án quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất khi triển khai thực hiện đồ án.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã thẩm tra đồ án và nhận thấy đủ điều kiện phê duyệt, phù hợp quy định, đúng tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, xác định Đà Nẵng là đô thị lớn, văn minh, có bản sắc, phát triển bền vững, sử dụng đất tiết kiệm.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Hùng (đại biểu quận Liên Chiểu) cho biết, Đà Nẵng cần có giải pháp để đồ án góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo dư địa thành các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư, tạo môi trường đầu tư ổn định. Gắn liền với xoá nghèo bền vững, an cư lạc nghiệp.
“Quá trình triển khai đồ án đô thị cần phải xác lập một mối quan hệ hết sức bền chặt giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, cũng như khu vực trung tâm và ngoại thành phố. Khu vực nông thôn trở thành khu vực phụ trợ cho đô thị, là khu vực cung ứng nguồn lao động cho đô thị. Hơn nữa, đó là nơi gìn giữ giá trị văn hoá, tập quán của thành phố”, ông Hùng cho hay.
Ông Hồ Kỳ Minh -Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng sẽ phải huy động, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phần vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và địa phương chỉ mang tính định hướng.
Sau phần thảo luận, có 44/44 ĐB có mặt tán thành thông qua đồ án, đạt tỉ lệ 95,65% trên tổng số ĐB HĐND TP Đà Nẵng. Đồ án sẽ được UBND TP. Đà Nẵng lập thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận