Đa dạng dịch vụ cho vay tiêu dùng giúp hạn chế tín dụng đen
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi tác động của dịch bệnh COVID-19, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, người dân rất cần nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng, đơn giản từ các ngân hàng thương mại, công ty tài chính… để dần ổn địn
Xin ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động tín dụng trên địa bàn TP.HCM, nhất là đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng diễn ra như thế nào?
TP.HCM là thành phố lớn có hoạt động kinh tế sôi động nhất cả nước, ngoài sản xuất kinh doanh công nông nghiệp, các mô hình về du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí... đều bị ảnh hưởng không nhỏ từ “bão” COVID-19.
Tính đến cuối tháng 10/2020, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 2.422.200 tỷ đồng, tăng 5,5,% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52,2% tổng dư nợ, tăng 6,6%; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 47,8%, tăng 4,31%. Riêng, tín dụng tiêu dùng tăng đến 9,2% chủ yếu cho vay các cá nhân (lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 30%, phục vụ nhu cầu sửa chữa nhà ở).
Các con số trên cho thấy, nhu cầu của người dân đối với lĩnh vực vay tiêu dùng có xu hướng ngày càng tăng để phục vụ cuộc sống cá nhân và gia đình.
Theo ông, khi tình hình kinh tế xã hội chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc, liệu đây có phải “cơ hội” cho hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi bùng phát?
Mặc dù tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên Chính phủ và TP.HCM đã có những biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm khống chế dịch bệnh và ổn định nền kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động mất việc làm.
Đặc biệt, để tránh một số kẻ xấu lợi dụng tình hình khó khăn về tài chính của người dân để dụ dỗ, lôi kéo, cho vay nặng lãi, mới đây ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống người dân, góp phần cùng Bộ Công an đẩy lùi tín dụng “đen”. Trong đó, phải kể đến những giải pháp cụ thể được NHNN triển khai như sửa đổi quy định về cho vay của công ty tài chính tiêu dùng, ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc cho dịch COVID-19...
Hiện NHNN chỉ đạo sát sao các tổ chức tài chính mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Chính nhờ các biện pháp quyết liệt này mà hoạt động tín dụng “đen” đã phần nào được đẩy lùi. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, số lượng khách hàng vay tiêu dùng đạt 1,2 triệu người, đứng đầu cả nước, nhưng trong 10 tháng đầu năm nay lượng đơn thư phản ánh về vấn đề bất cập, tồn tại xung quanh hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính giảm đáng kể, chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, NHNN đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng đối với công ty tài chính. Điều này giúp cho người tiêu dùng tiếp cận với nguồn vốn vay từ các công ty tài chính được an tâm, dễ dàng hơn?
Theo quy định của NHNN, công ty tài chính phải đảm bảo minh bạch thông tin trong hợp đồng tín dụng với khách hàng như lãi suất, cách thức giải ngân cũng như các quy định về việc thu hồi nợ. Trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn, các công ty tài chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đôn đốc thu hồi nợ. Tuy nhiên, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật như không được cảnh cáo, đe dọa khách hàng, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, đòi nợ, gửi thông tin về khoản nợ cho bạn bè, người thân...
Đặc biệt, mới đây Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2021, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Điều này góp phần hạn chế những vụ việc do hoạt động đòi nợ thuê gây ra trong thời gian tới.
Vậy theo ông, ngoài tuân thủ quy định luật pháp, các công ty tài chính cần thay đổi gì để ngày càng phát huy vai trò đối với nền kinh tế?
Thực tế, thời gian qua nhiều công ty tài chính hoạt động trên thị trường với thủ tục cho vay đơn giản, gọn lẹ, không tài sản thế chấp, cho vay dưới chuẩn so với quy định của các ngân hàng với các khoản vay có giá trị nhỏ... bên cạnh các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, rõ ràng các công ty tài chính như FE Credit, HD Saison... có vai trò không nhỏ trong việc phát triển, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen” trong đời sống xã hội.
Hiện nay, với mặt bằng lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra có xu hướng giảm 18 - 20% so với năm trước, cùng với việc đa dạng dịch vụ cho vay tiêu dùng, đẩy mạnh mở rộng chi nhánh, cơ sở đến tận vùng sâu vùng xa, nhất là việc ngày càng nâng cao “văn hóa” thu hồi nợ sẽ giúp các công ty tài chính lấy được niềm tin, dần phát huy được vai trò và vị thế trong nền kinh tế ngày càng phát triển hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận