Cựu Tổng giám đốc Pacific Gas giải trình về nội dung bị công ty phản tố?
Đây là lần thứ 2, TAND TPHCM hoãn phiên toà này. Hôm 26/6, TAND TPHCM cũng hoãn xét xử vụ án này do một thành viên HĐXX phúc thẩm bận công tác đột xuất.
TAND TPHCM đã hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ “Tranh chấp hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1979, trú tại TPHCM) và Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương (tên tiếng Anh là Pacific Gas, địa chỉ tại số 99 Ích Thạnh, Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM).
Đây là lần thứ 2, TAND TPHCM hoãn phiên toà này. Trước đó, hôm 26/6, TAND TPHCM cũng hoãn phiên toà xét xử vụ án này do một thành viên HĐXX phúc thẩm bận công tác đột xuất, nên lùi tới ngày 7/7, sau đó tiếp tục hoãn.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án được mở hồi tháng 1/2023, TAND TP.Thủ Đức tuyên buộc Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương phải nhận ông Nguyễn Thanh Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận.
HĐXX cũng cho rằng, do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên việc ông Tùng yêu cầu phía công ty phải thanh toán các khoản là phù hợp quy định pháp luật. Tòa tuyên buộc công ty phải trả cho ông Tùng các khoản tổng số tiền là hơn 5,4 tỉ. Trong đó, tiền lương những ngày ông Tùng không được làm việc công ty phải trả là hơn 4,7 tỉ.
Tòa cũng tuyên buộc ông Tùng có trách nhiệm trả lại cho Công ty Pacific Gas khoản tiền thưởng cuối năm đã nhận 615 triệu đồng và tiền chênh lệch lương là hơn 1,3 tỷ đồng.
Tại bản án sơ thẩm cho thấy, phía Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương cho rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, công ty đã phát hiện ông Nguyễn Thanh Tùng với cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật mắc nhiều sai phạm, gây thiệt hại về tài chính, như: chiếm dụng tiền của công ty theo hình thức tạm ứng nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân; vi phạm nghĩa vụ của Tổng giám đốc của công ty, không trung thành với lợi ích của công ty khi dàn xếp giao dịch với các công ty con của cá nhân ông Tùng, không yêu cầu các công ty con của ông Tùng hoàn trả công nợ, gây thiệt hại lên đến gần 100 tỷ đồng; chiếm đoạt tiền của công ty, chỉ đạo kế toán công ty chi lương, chi thưởng cho ông Tùng vượt mức thỏa thuận tại hợp đồng lao động và cùng nhiều hành vi vi phạm khác.
Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tùng là đúng luật, không chấp nhận bồi thường; đồng thời yêu cầu ông Tùng trả hơn 3,3 tỷ đồng (tiền thưởng cuối năm, tiền lương ông Tùng tự nâng lên, tiền lãi ngân hàng).
Lần thứ 2, TAND TPHCM hoãn phiên toà phúc thẩm vụ “Tranh chấp hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Thanh Tùng và Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương. |
Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm nhận định, hợp đồng lao động giữa ông Tùng và công ty là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của Điều lệ, Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động. Công ty mới chỉ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp về việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi chức danh Tổng giám đốc chứ chưa thực hiện việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Theo đó, ông Tùng yêu cầu phía công ty phải thanh toán các khoản là phù hợp quy định pháp luật.
Sau phiên sơ thẩm, cả hai bên đều có đơn kháng cáo.
Cựu tổng giám đốc nói gì về nội dung bị tố?
Trả lời về việc nội dung phản tố của Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương tại phiên sơ thẩm, trong đó cáo buộc ông chiếm dụng, chiếm đoạt tiền của công ty, ông Tùng nói rằng: Số tiền gần 61 tỷ đồng là tiền tạm ứng để lo dự án cảng Vinabeny ở tỉnh Long An. Trong thỏa thuận mua bán cổ phần cũng nêu rõ việc hai bên đồng ý việc mua Công ty Vinabeny, do đó, ông Tùng tạm ứng tiền để thanh toán, xử lý các công việc liên quan cho cảng Vinabeny trong thời gian ngân hàng chưa kịp giải ngân cho Công ty Kho cảng Vinabeny.
“Đó là mục đích để hoàn thiện dự án đúng tiến độ để đưa vào bàn giao cho Pacific Gas kinh doanh như thỏa thuận trước đó, chứ tôi không tư lợi cá nhân. Hơn nữa, tiền tạm ứng này đều thông qua kế toán và Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty” – ông Tùng nói và cho hay đã hoàn trả số tiền tạm ứng gần 61 tỷ nêu trên từ lâu.
Vẫn theo ông Tùng, báo cáo của Ban kiểm soát Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương năm 2020 được ban hành vào ngày 29/3/2021 cũng kết luận, không có hành vi gian lận liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban giám đốc hoặc các vụ việc nghiêm trọng vi phạm pháp luật và quy định hoặc Điều lệ công ty.
Về việc Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương cho rằng, ông Tùng không trung thành với lợi ích của công ty, gây thiệt hại về tài chính, ông Tùng khẳng định, quá trình điều hành, ông mang lại lợi nhuận cho công ty. Cụ thể, năm 2020, công ty có lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng. Sau đó, ông bị buộc phải rời chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Về nội dung Công ty tố ông Tùng 'khi dàn xếp giao dịch với các công ty con của cá nhân ông Tùng", ông Tùng giải thích, tất cả đều là khách hàng của Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương trước khi ông chuyển nhượng 51% cổ phần cho đối tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận