24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cứu ngành hàng không, cấp bách nhưng có điều kiện

 Nếu không có giải pháp từ Quốc hội, Chính phủ, các doanh nghiệp hàng không hầu như không thể tiếp cận vốn ngân hàng để cầm cự trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay. Việc giải cứu là cấp bách, song các giải pháp thực hiện cần căn cứ theo năng lực phục hồi của doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn và dựa trên cơ chế pháp lý chặt chẽ.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, hiện tại, khoảng 80 - 90% số máy bay của ngành hàng không đang nằm phơi tại các sân bay. Trong 6 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hoá và hành khách đều giảm so với năm ngoái, trong khi sức hoạt động của năm 2020 đã giảm rất mạnh so với năm trước đó. Đến tháng 6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways ước tính lên đến 36.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu nửa đầu năm vẫn lao dốc.

“Các doanh nghiệp gồng mình xoay xở nhiều cách để duy trì hoạt động như tăng chuyến chở hàng thay vì chở hành khách, cắt giảm mạnh nhân sự song vẫn hết sức khó khăn. Doanh thu rất ít ỏi trong khi vẫn phải duy trì phí bảo dưỡng, trả tiền thuê máy bay, tiền lương cho người lao động. Nếu không cấp cứu kịp thời thì các doanh nghiệp hàng không sẽ vô cùng khó khăn và khó có khả năng quay trở lại hoạt động khi kinh tế hồi phục sau dịch, từ đó có thể giảm sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nề chia sẻ.

Về các giải pháp giải cứu ngành hàng không, với Vietnam Airlines, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp này. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với số tiền tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%, thời hạn tái cấp vốn tối đa 364 ngày và được tự động gia hạn 2 lần, tối đa không quá 3 năm. Chính phủ chấp thuận cho Vietnam Airlines tăng vốn 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, trong dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án Đầu tư đội bay giai đoạn 2021 - 2025.

Với các doanh nghiệp hàng không khác, VABA cho biết đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi 4% với thời hạn 3 - 5 năm.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu không được cấp cứu kịp thời, ngành hàng không có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, từ đó có thể để lại hậu quả tái cấu trúc tốn kém trong tương lai. Tuy nhiên, phải giải cứu cả doanh nghiệp hàng không nhà nước và tư nhân bởi các hãng hàng không tư nhân cũng đáng để cứu như Vietnam Airlines khi tiếp cận ở góc độ người lao động, vai trò trong nền kinh tế.

Từ góc độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hiện nay, ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân khó vay được vốn ngân hàng dù có tài sản bảo đảm. “Ngân hàng sẽ hỏi doanh nghiệp về phương án sản xuất kinh doanh, dòng tiền trả nợ nhưng hiện tại các hãng hàng không chỉ vay để trả tiền thuê máy bay, tiền bảo dưỡng máy bay, tiền lương thì rất khó đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Hơn nữa, với nhiều khoản vay từ trước sắp đến hạn nhưng chưa có dòng tiền trả nợ, doanh nghiệp cũng không có khả năng vay tiếp. Do đó, nếu không có giải pháp kịp thời thì thanh khoản của các hãng hàng không sẽ hết sức khó khăn”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, VABA cần có báo cáo đánh giá cụ thể để đề xuất giải pháp về cơ chế cho các hãng hàng không tư nhân được vay bổ sung vốn lưu động, đồng thời được gia hạn nợ dựa trên những điều kiện nhất định về năng lực tài chính và hoạt động của doanh nghiệp. “Bởi có nhiều doanh nghiệp đã quá sức sau những đợt dịch vừa qua, phải cứu doanh nghiệp sống được trên nền tảng còn năng lực hoạt động thực sự”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng từ góc độ năng lực của doanh nghiệp, theo ông Bảo, cần có điều kiện ràng buộc với các doanh nghiệp được trợ giúp, bao gồm cả Vietnam Airlines.

Theo đó, để xứng đáng được hỗ trợ, trước hết, các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu nguồn lực tài chính như cắt giảm chi phí, bán bớt tài sản, thanh lý dự án không hiệu quả, thoái vốn khỏi công ty con. Tiếp đó, cam kết và thực hiện ngay việc nâng cao chất lượng hoạt động và dịch vụ.

Mặt khác, các gói cứu trợ không nên “chốt” lãi suất cho vay mà có thể xem như khoản đầu tư với nghĩa vụ hoàn trả theo lộ trình cụ thể dựa trên sự hồi phục của kinh tế ngành và kinh tế thế giới nói chung. Nếu kinh tế phục hồi nhanh và mạnh thì phải hoàn trả ở mức rất cao và ngược lại, để công bằng với ngân sách nhà nước và tiền thuế của dân.

“Đặc biệt, ngành hàng không cần có kế hoạch duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn, khôi phục và bứt phá sau dịch như một chiến lược nghiêm túc để đón đầu sự hồi phục của kinh tế thế giới. Họ cần cho thấy sự sẵn sàng hoạt động với năng suất gấp đôi, gấp ba, dịch vụ tốt và đủ sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Bảo nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả