menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

“Cứu” chuỗi cung ứng thủy sản

Trước những khó khăn lớn của doanh nghiệp ngành thủy sản, nhiều đại diện các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền tiêu thụ điện, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do dịch Covid-19...

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động, chiếm khoảng 25%. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ còn khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động. Việc thực hiện sản xuất theo yêu cầu “3 tại chỗ” đang đẩy chi phí của nhà máy tăng cao, kéo theo nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng là rất cao. Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc hiện nay mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là việc lưu thông hàng hóa, từ con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cũng như là vận chuyển nguyên liệu từ ao nuôi đến các nhà máy đều đang gặp rất nhiều khó khăn bởi các địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cùng với việc xuất hiện các ca F0, F1 khiến 25 cảng cá đã dừng hoạt động trong tháng 8. Đến đầu tháng 9/2021, vẫn còn 17 cảng đang phải tạm dừng hoạt động, lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại các cảng giảm 59.670 lượt, tương đương 334.000 tấn sản phẩm. Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển tới các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Cùng với đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ. Đây là những bất cập cần phải tháo gỡ nhanh để cứu chuỗi cung ứng” - ông Luân nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep, cho rằng, hiện doanh nghiệp toàn ngành thuỷ sản đang phải đối mặt với nhiều áp lực cùng lúc. Trong đó, vấn đề phức tạp nhất hiện doanh nghiệp đang phải đối diện là thiếu lao động. Thường thì các nhà máy sản xuất tập trung ít cũng vài trăm, nhiều thì có vài nghìn công nhân. Khi chưa đảm bảo an toàn, 70% nhà máy đã phải ngừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu ưu tiên chống dịch, chỉ 30% nhà máy duy trì được hoạt động sản xuất nhờ áp dụng “3 tại chỗ”… Điều này khiến các nhà máy phải giảm công suất, dẫn tới doanh nghiệp không đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký, cũng như không thu mua được nguyên liệu từ khai thác cũng như nuôi trồng.

Ngoài ra, phải kể đến những khó khăn khác như bạn hàng liên tục điều chỉnh cắt giảm hàng hoặc ép giá vì các chi phí đang tăng lên do dịch bệnh. Chưa hết, ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không… các nhà máy đều trông chờ từ nguồn cung cấp ở TP.HCM, trong khi thành phố đang bị phong tỏa chặt. Nếu hạn chế này không được tháo gỡ sớm sẽ khiến doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất lâu. Điều đáng nói, khi công suất giảm, nhân công giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên. Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí ăn ở, lo điều kiện vật chất… khiến cho chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn.

Trước những khó khăn lớn của doanh nghiệp ngành thủy sản, nhiều đại diện các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền tiêu thụ điện, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cùng với đó, việc cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý cũng rất cấp thiết để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất. Đồng thời ưu tiên bổ sung tiêm vacine cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp cho sản xuất trở lại trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo khảo sát của Vasep, đến nay chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”, khoảng 30-40% doanh nghiệp không thực hiện được đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Trong đó, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất. Do thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động mệt mỏi và mong được về nhà, do đó các doanh nghiệp rất khó khăn, phát sinh nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu hơn nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại