Cuối năm, tình hình buôn lậu và hàng giả sẽ “nóng”
Cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao dẫn đến các đối tượng sẽ tìm mọi phương thức, thủ đoạn để buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải nhận định như vậy về tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm 2021.
Theo ông Hải, thời điểm cuối năm cũng là lúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng được đẩy mạnh và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vi phạm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa… Do vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao dẫn đến các đối tượng sẽ tìm mọi phương thức, thủ đoạn để buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, như tẩy, xóa hạn sử dụng…
Ông Hải cũng cảnh báo thủ đoạn đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước; Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng.
Đồng thời, các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Trong đó, các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt là các sản phẩm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là những mặt hàng các đối tượng thường hướng đến.
Ông Lê Thanh Hải cũng cho biết, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.
Mặt khác, kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đãn Nhâm Dần 2022 sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới.
Trong đó xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...
Bên cạnh đó là phải phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn; Kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các đơn vị chức năng được yêu cầu xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa.
Trong đó cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận