Cuối năm mua ô tô trả góp: Những điều cần nắm rõ để đảm bảo an toàn
Bạn muốn sở hữu một chiếc ô tô theo ý muốn nhưng lại không đủ tiền? Hiện nay phương án vay mua ô tô trả góp đang là xu hướng mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều trước khi quyết định rước một chiếc ô tô trả góp về nhà.
Số tiền để sở hữu ô tô thực sự không nhỏ, nếu đã quyết định đi vay để mua ô tô thì chắc hẳn con số nợ sẽ lên hàng trăm triệu đồng. Để đảm bảo việc mua xe trả góp được an toàn, bạn cần hết sức lưu ý về các giấy tờ, thủ tục mua xe. Bên cạnh đó, trước khi quyết định cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến lãi suất và các chi phí phát sinh sau khi mua xe để đảm bảo rằng bạn có đủ khả năng tài chính để chi trả trong suất thời gian trả nợ.
Từ các hồ sơ này, ngân hàng có thể thẩm định và đưa ra mức cho vay phù hợp với khả năng chi trả trong tương lai của người mua. Kể cả khi người mua thế chấp tài sản khác như nhà cửa hay chính chiếc xe đã mua thì mức vay trả góp cũng khó vượt mức 70% giá trị xe, thời hạn trả tối đa thường 5 năm (60 tháng).
Bạn cần lưu ý một số giấy tờ bắt buộc của nhân thân: sổ hộ khẩu photo, CMND/căn cước photo, giấy chứng nhận độc thân hoặc giấy kết hôn.
Những loại giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải có là hồ sơ chứng minh thu nhập, tài sản bằng: hợp đồng lao động, bảng lương, sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu,....
Đối với khách hàng là công ty hoặc doanh nghiệp thì cần có: Giấy phép kinh doanh, Giấy bổ nhiệm Giám đốc, bổ nhiệm kế toán trưởng; Giấy đăng ký sử dụng mẫu dấu (bản copy); Mã số thuế; Báo cáo thuế 01 năm gần nhất; Báo cáo hóa đơn VAT 01 năm gần nhất; Đơn xin vay vốn và phương án trả lãi;...
Các loại giấy tờ cần có tùy thuộc yêu cầu của mỗi ngân hàng. Bạn nên liên hệ trực tiếp nhân viên ngân hàng thao khảo các thông tin một cách cụ thể về các loại giấy tờ trước khi quyết định đặt cọc xe.
Khi nào thì khách hàng được nhận xe?
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, bạn có thể liên hệ đại lý/showroom bán xe mà bạn cảm thấy yên tâm để tiến hành đặt cọc.
Khi khách hàng đồng ý đặt cọc mua xe và muốn vay vốn ngân hàng để mua xe thì có thể lựa chọn hai phương án: Một là có thể tự liên hệ ngân hàng để vay; Hai là bên bán xe sẽ trực tiếp giới thiệu cho khách hàng những ngân hàng có chính sách hỗ trợ vay mua xe tốt (cách này hầu hết được khách lựa chọn hiện nay).
Nhân viên ngân hàng sẽ trực tiếp liên hệ khách hàng, yêu cầu các giấy tờ theo quy định của ngân hàng. Lưu ý: Hầu hết các ngân hàng thường cung cấp 2 gói tùy chọn lãi suất, bạn nên cân nhắc kĩ trước khi chọn.
Thứ nhất, lãi cố định trong suốt thời gian vay nhưng tiền lãi hàng tháng phải trả lại tính trên tổng số dư nợ ban đầu. Ví dụ: Bạn mua chiếc xe với giá 1 tỷ đồng, bạn trả trước 300 triệu đồng (30%) còn vay ngân hàng 700 triệu với lãi suất cố định 9%/năm, hàng tháng bạn sẽ trả một phần tiền gốc cộng với lãi suất tính luôn 70% ban đầu. Ưu điểm của cách này là lãi suất không chịu ảnh hưởng và biến động bởi điều chỉnh của ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp này người mua sẽ không được hưởng lợi nếu lãi suất thị trường giảm, đồng thời càng về sau mức lãi suất thực càng tăng lên. Do đó, chỉ những người có thu nhập ổn định mới lựa chọn hình thức vay này.
Hình thức thứ 2 cũng sẽ có lãi suất cố định ban đầu, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh khoảng 3 tháng một lần theo chính sách của từng ngân hàng. Đa phần ngân hàng hiện nay đang áp dụng mức lãi suất từ 12% đến 15%, cao hơn khá nhiều so với hình thức đầu tiên. Tuy nhiên, có một số ngân hàng hỗ trợ vay mua xe với lãi suất khá ưu đãi chỉ khoảng 8,9%/năm đầu và biên độ sẽ dao động khoảng 3,5 - 3,7% từ năm thứ 2 trở đi, ví dụ như SeaBank, TPbank, VIB. Ở hình thức này, người mua xe sẽ chỉ cần trả một phần tiền cộng với phần lãi suất tính trên dư nợ thực tế. Nhiều khách hàng không để ý sẽ khá bất ngờ và bối rối khi ngân hàng thay đổi lãi suất (thường là tăng lên).
Khi ngân hàng đã phê duyệt cho khách vay sẽ cho ra một thông báo cho vay gửi đến showroom bán xe cho khách. Showroom sẽ tiếp tục thu khoản tiền mà khách hàng muốn trả trước và chi phí đăng ký xe (nếu có) để tiếp tục làm hồ sơ đăng ký xe cho khách.
Khi đăng ký xe xong, bên phía showroom sẽ gửi hồ sơ xe về cho ngân hàng (photo). Tất cả giấy này ngân hàng đều giữ. Sau đó ngân hàng sẽ gọi khách hàng lên ký nhận nợ và tiến hành giải ngân cho khách. Khi ngân hàng đã giải ngân và tiền đến showroom thì khách hàng mới được nhận xe.
Sau khi hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng để lấy xe, khách hàng cần lưu ý thêm các chi phí cho bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất; hay các loại chi phí sẽ phát sinh trong quá trình sử dụng xe như bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh; các chi phí hao mòn trong quá trình sử dụng và khoản chi phí lỗ sau khi thanh lý lại,...
Về bảo hiểm vật chất 2 chiều, bạn cần biết tô tô là tài sản có giá trị lớn nên bạn cần xem xét đến khoản bảo hiểm này. Khác với Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc phải mua, BHVC là không bắt buộc nếu bạn mua xe không thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, khi vay trả góp, bảo hiểm vật chất là bắt buộc, bạn nên mua bảo hiểm có liên kết với ngân hàng. Điểm lợi là khi xảy ra các vấn đề trục trặc về chiếc xe của bạn sẽ được giải quyết nhanh hơn. Một số hãng bảo hiểm uy tín hiện nay như PTI, PIJICO, Liberty, Bảo Việt, Bảo Minh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận