Cuộc va nhau giữa “bầu” Hiển và “madame” Nga ở T12...
CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi không quá nổi danh và ít được truyền thông chú ý. Nhưng đây là cuộc chơi hiếm hoi có sự chung sân của hai đại gia tài chính - địa ốc bậc nhất Hà thành: bầu Hiển và Madame Nga. Tràng Thi vừa trải qua phiên ĐHĐCĐ dằng dai gần chục tiếng đồng hồ và nó là một lát cắt đáng chú ý cho cuộc va nhau giữa hai đại gia này...
CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (Viết tắt: Dịch vụ Tràng Thi - Mã CK: T12) vừa công bố biên bản và nghị quyết của phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2019 diễn ra vào ngày 15/8/2019.
Sở dĩ phiên họp được tổ chức muộn (nếu so với các quy định của pháp luật và đại đa số doanh nghiệp niêm yết khác trên sàn) bởi đây đã là lần triệu tập thứ 2.
Biên bản cuộc họp cũng gần như tài liệu duy nhất ghi lại diễn biến của kỳ họp ĐHĐCĐ lần này, bởi đa số cổ đông tương đương 53,413% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự không tán thành việc quay phim, ghi âm, ghi hình diễn biến đại hội.
Hành trình tư nhân hóa với 36 cổ đông
Trong lần triệu tập họp lần thứ nhất vào ngày 30/7/2019, ĐHCĐ năm 2019 của Dịch vụ Tràng Thi đã không thể tiến hành khi chỉ có vỏn vẹn 6 cổ đông, tương ứng với 14,83% cổ phần có quyền biểu quyết, tham dự.
Đáng chú ý, theo danh sách cổ đông chốt ngày 29/3/2019, Dịch vụ Tràng Thi có 36 cổ đông là chủ sở hữu của 13,5 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết, mặc dù công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán được gần 2 năm. Nếu so với thời điểm niêm yết, số lượng cổ đông của Dịch vụ Tràng Thi vẫn không hề thay đổi.
Căn cứ theo các tài liệu mà Dịch vụ Tràng Thi đã công bố, cơ cấu cổ đông còn cô đặc hơn khi có tới 99,78% số cổ phần thuộc về 4 cổ đông lớn.
Được biết, Dịch vụ Tràng Thi tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, chuyên bán buôn, bán lẻ các hàng hóa tiêu dùng; mua bán, cho thuê nhà dự án. Năm 2015, công ty đã được tiến hành cổ phần hóa, với số vốn điều lệ là 135 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cơ cấu cổ đông của Dịch vụ Tràng Thi bao gồm: Nhà nước (51%); nhà đầu tư chiến lược (20%); người lao động (5,95%) và bán đấu giá công khai (23,05% vốn điều lệ).
Trong đó, số cổ phần nhà nước do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đại diện nắm giữ, còn nhà đầu tư chiến lược được nhắm tới là CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, theo danh sách cổ đông chốt ngày 10/3/2017, ngay trước thời điểm Dịch vụ Tràng Thi niêm yết trên sàn chứng khoán, đơn vị sở hữu số cổ phần tương đương với 20% vốn điều lệ do CTCP Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) của doanh nhân Đỗ Quang Hiển ("bầu" Hiển) sở hữu.
Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của công ty còn xuất hiện thêm 2 cổ đông cá nhân là ông Lê Anh Dũng và ông Nguyễn Phú Quân với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,22% và 8,23% vốn điều lệ. Đây có thể là 2 nhà đầu tư đã tham gia đợt chào bán cổ phần T12 diễn ra vào tháng 6/2015.
So với các đợt đấu giá cùng thời kỳ, phiên đấu giá có thể coi là thành công ngoài mong đợi khi thu hút sự tham gia của tới 40 nhà đầu tư (9 nhà đầu tư tổ chức và 31 nhà đầu tư cá nhân). Không lạ khi mức giá đấu thành công đã được đẩy lên gấp hơn 8,2 lần so với mức giá khởi điểm.
Nguyên nhân nhà đầu tư hào hứng với cổ phiếu T12 được cho là bởi quỹ đất lớn mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Một yếu tố khác, có phần kém quan trọng hơn, là kết quả kinh doanh khả quan của Dịch vụ Tràng Thi - điều hiếm thấy tại các doanh nghiệp nhà nước.
Theo tìm hiểu của VietTimes, 2 cổ đông cá nhân là Lê Anh Dũng và Nguyễn Phú Quân thực tế cũng cùng nhóm với T&T, khi mà bản thân hai ông này đều là những nhân sự quen trong hệ sinh thái của "bầu" Hiển. Trong đó, ông Nguyễn Phú Quân (1982) hiện được biết đến trong vai trò Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của CTCP Bệnh viện Giao thông Vận tải và Phó Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự của Tập đoàn T&T (đáng chú ý, trước khi đầu quân cho T&T vào năm 2019, ông Quân cũng có 4 năm gắn bó với Hapro trong vai trò chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ). Còn ông Lê Anh Dũng (SN 1983) cũng được biết đến là Thành viên HĐQT của Tổng Công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco) - cựu thành viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà nhóm "bầu" Hiển đã thâu tóm vào năm 2015.
Như vậy, có thể thấy rằng, nhóm T&T đã vào T12 từ rất sớm và chủ động thâu tóm được một lượng cổ phần lớn, chiếm đến hơn 46% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu này tưởng chừng sẽ trở thành một tiền đề quan trọng cho nhóm "bầu" Hiển chi phối hoạt động của T12.
Không bất ngờ khi tháng 4/2018, ĐHĐCĐ T12 đã thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 47 Cát Linh, một dự án có vị trí cực đắc địa đối diện trạm ga tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông và tọa lạc tại ngã năm, vị trí tiếp giáp với con đường Kim Mã, Giảng Võ, Giang Văn Minh, Hào Nam. Đồng thời thông qua việc lựa chọn Công ty TNHH Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp T&T (thành viên Tập đoàn T&T) là đối tác hợp tác thực hiện dự án.
Nhưng mọi chuyện sẽ sớm khác, khi ngay năm 2018, Hapro - công ty mẹ của T12 - được tư nhân hóa và trở thành một thành viên của Tập đoàn BRG.
Được cho là đã bỏ ra không dưới 1.800 tỷ đồng để đổi lấy 65% cổ phần Hapro từ cổ đông Nhà nước, tập đoàn của "Madame" Nguyễn Thị Nga, dĩ nhiên cũng nắm quyền cổ đông với phần vốn mà Hapro đứng tên ở T12.
Cuộc chơi T12 khi này có sự tham dự của 2 đại gia tài chính - địa ốc bậc nhất Hà Nội: "Bầu" Hiển và "Madame" Nga. Trong đó, với tỷ lệ sở hữu quá bán (thông qua Hapro), bà chủ BRG là người giữ lợi thế lớn so với ông chủ T&T - dù mức độ chênh lệch chỉ cách nhau ít phần trăm.
Phiên ĐHĐCĐ dằng dai
Theo tài liệu công bố, biên bản phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 ngày 15/8/2019 của Dịch vụ Tràng Thi được lập và thông qua vào 16h55 phút chiều, trong khi thời gian kiểm tra tư cách cổ đông bắt đầu từ 7h30 sáng.
Sở dĩ phiên họp kéo dài tới 1 ngày làm việc, không hẳn vì có quá nhiều nội dung họp cần biểu quyết (nếu so với các doanh nghiệp niêm yết khác), mà vì liên tục bị ngắt quãng bởi những ý kiến tranh luận từ các đại diện của Tập đoàn T&T, Hapro và đại diện của 2 cổ đông cá nhân (như đã nói, thực chất cũng là người của "bầu" Hiển).
Những thắc mắc liên tục được các cổ đông đưa ra mổ xẻ, nhưng sau nhiều tranh luận không mang lại kết quả, giải pháp phân định sau cùng thường là lấy biểu quyết tại ĐHCĐ.
Bà Trần Thị Vân Anh, người đại diện của cổ đông Tập đoàn T&T, đánh giá với tỷ lệ sở hữu 53,33% của cổ đông Hapro, quyền lợi của các cổ đông còn lại sẽ bị bất lợi khi tỷ lệ thông qua các nghị quyết của ĐHĐCĐ đa số là 51%, các cổ đông khác sẽ không có quyền biều quyết.
Trong khi đó, bà Trần Thị Nguyệt - người đại diện cho 2 triệu cổ phần của Hapro - cho rằng việc các cổ đông khác không có quyền biểu quyết là không đúng. Tất cả các cổ đông của công ty đều có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Thực tế, kết quả kiểm phiếu cho thấy, có nhiều nội dung được thông qua bởi hơn 53,33% cổ phần, thể hiện vai trò cổ đông nắm quyền chi phối của Hapro tại Dịch vụ Tràng Thi so với phần còn lại. Nhóm T&T dù luôn phản đối, nhưng tỷ lệ sở hữu hơn 46% của họ là không đủ.
Trong đó, đại hội đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 với tổng doanh thu dự kiến đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,1 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 3%. Được biết, tới tháng 3/2019, Dịch vụ Tràng Thi đang triển khai 3 dự án bất động sản là: Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ Cát Linh - Tràng Thi; Tòa nhà thương mại dịch vụ và Khách sạn Đô Thành. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch hơn 806,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, và bà Hoàng Oanh Tuyết. Ở chiều hướng ngược lại, đại hội đã bầu bổ sung 2 nhân sự khác vào các vị trí trên là bà Khúc Thị Quỳnh Lâm và bà Trần Huệ Linh.
Ngoài ra, ĐHCĐ cũng đã thông qua bản dự thảo điều lệ công ty sửa đổi sau nhiều tranh luận./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận