Cuộc sống kín tiếng của ông chủ Telegram Pavel Durov, người tuyên bố có 100 con
Telegram từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan tư pháp châu Âu vì cáo buộc phát tán thuyết âm mưu, cho phép chia sẻ kêu gọi giết người và không dẹp những hoạt động liên quan đến ma túy.
Người sáng lập Telegram Pavel Durov. (Ảnh: Bloomberg)
Doanh nhân công nghệ người Nga Pavel Durov là người tạo ra các mạng xã hội cực kỳ phổ biến và một loại tiền điện tử, nhờ đó tích lũy được khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đô la và đối đầu với cơ quan quản lý trên toàn thế giới.
Khi chỉ còn vài tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 40, người từng được mệnh danh là "Zuckerberg của Nga" bị bắt giữ tại Pháp cuối tuần qua.
Khi còn ở độ tuổi 20, người đàn ông sinh ra ở Saint Petersburg đã trở nên nổi tiếng khắp nước Nga sau khi thành lập mạng xã hội VKontakte (VK), để phục vụ nhu cầu của những người dùng tiếng Nga và đánh bại Facebook ở khắp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Sau những mâu thuẫn với chính quyền Nga và cuộc chiến giành quyền sở hữu, Durov bán VKontakte và phát triển ứng dụng nhắn tin mới là Telegram. Ứng dụng này nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhưng cũng gây tranh cãi, khi có nhiều ý kiến chỉ trích việc thiếu kiểm soát nội dung cực đoan.
Cho đến khi bị bắt, Durov vẫn là một nhân vật tương đối bí ẩn, hiếm khi trả lời phỏng vấn và thường chỉ đưa ra những tuyên bố hơi khó hiểu trên Telegram. Tự nhận là một người theo chủ nghĩa tự do, Durov ủng hộ việc bảo mật trên internet và mã hóa tin nhắn. Durov từ chối cho phép kiểm duyệt tin nhắn trên Telegram, nơi người dùng có thể đăng video, hình ảnh và bình luận mà bất kỳ ai cũng có thể theo dõi.
Tỷ phú công nghệ 39 tuổi bị giới chức Pháp đưa vào danh sách truy nã vì những hành vi phạm tội trên Telegram, từ gian lận đến buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng và tội phạm có tổ chức, thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và gian lận.
Có hơn 100 con
Năm 2006, khi vừa tốt nghiệp Đại học Saint Petersburg, Durov đã ra mắt VKontakte và nhanh chóng thành công. Một trong những hành vi khó hiểu của người đàn ông này là việc ném những tờ tiền mệnh giá cao vào người đi bộ từ trụ sở chính của VK trên nóc hiệu sách trên phố Nevsky Prospekt ở Saint Petersburg năm 2012.
Durov rời khỏi Nga năm 2014, sau khi bán VK, sau đó nhập quốc tịch của quần đảo Saint Kitts và Nevis ở vùng Caribe. Tháng 8/2021, Durov nhập quốc tịch Pháp.
Durov tránh xa các cuộc phỏng vấn truyền thông truyền thống, nhưng đã trả lời nhà báo bảo thủ Mỹ Tucker Carlson vào tháng 4 năm nay.
Mọi người "yêu sự độc lập. Họ cũng yêu sự riêng tư, tự do, (có) rất nhiều lý do khiến ai đó chuyển sang Telegram", Durov nói với Carlson.
Durov cũng đăng thông tin trên kênh Telegram của riêng mình, tuyên bố sống một cuộc sống cô độc, kiêng thịt, rượu và cả cà phê.
Tháng 7 vừa qua, người đàn ông luôn mặc đồ đen khoe khoang rằng ông là cha ruột của hơn 100 đứa trẻ nhờ việc hiến tặng tinh trùng ở hàng chục quốc gia. Durov gọi đây là "nghĩa vụ công dân", quan điểm tương tự với tỷ phú Elon Musk.
Theo ước tính mới nhất của tạp chí Forbes, tài sản của Durov là 15,5 tỷ USD. Đồng tiền điện tử toncoin mà Durov tạo ra đã giảm 15% từ khi tỷ phú này bị bắt.
Kênh liên lạc quân sự
Telegram thành công nhanh chóng, tự khẳng định mình là nhà vô địch về quyền tự do cá nhân, từ chối "kiểm duyệt" và bảo vệ tính bảo mật của người dùng. Điều này khiến các cơ quan quản lý tức giận. Năm 2018, một tòa án ở Mátxcơva ra lệnh chặn ứng dụng này.
Tuy nhiên, trước sự phản đối mạnh mẽ của những người biểu tình, Nga đã từ bỏ nỗ lực chặn Telegram. Từ đó, dịch vụ này được cả Chính phủ Nga và phe đối lập sử dụng.
Telegram đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine, được các blogger của cả hai bên đăng tải thông tin và video liên quan đến tình hình chiến trường. Kênh của những người ủng hộ Mátxcơva được gọi là "Z-blogger".
Sự hoảng loạn gia tăng trên các kênh Telegram ủng hộ Nga sau khi Durov bị bắt.
Các kênh quân sự của Nga trên Telegram phản ứng nhanh chóng với vụ bắt giữ Durov. Một bức ảnh quả tên lửa khắc dòng chữ “Dành cho Durov” lan truyền nhanh chóng trên ứng dụng này trong mấy ngày qua.
Nhiều blogger, chuyên gia quân sự kêu gọi trả tự do cho Durov và bán áo phông in dòng chữ "#FreeDurov".
Về nguyên tắc, hoạt động của Telegram nằm ngoài tầm kiểm soát của cả các cơ quan tình báo phương Tây và Nga, vì thế dịch vụ này trở thành một trong những kênh liên lạc quân sự trên tiền tuyến và trao đổi thông tin sau tiền tuyến.
Năm ngoái, ông chủ hãng quân sự tư nhân Wager Yevgeny Prigozhin dùng Telegram làm mạng lưới liên lạc chính của mình khi chỉ trích lãnh đạo Bộ Quốc phòng và kêu gọi dư luận ủng hộ. Đối với rất nhiều người Nga, Telegram đã trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, mấy ngày qua, chỉ thị được truyền đi khắp bộ tham mưu Nga yêu cầu ngừng sử dụng Telegram.
Tổng Biên tập kênh RT Margarita Simonyan kêu gọi mọi người dùng xóa tất cả tin nhắn nhạy cảm của họ trên ứng dụng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận