Cuộc đua thu hút vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc: Trung Quốc đau đầu 'giữ chân' nhà đầu tư ngoại
Trước cuộc suy thoái kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, từ việc cho vay chi phí thấp đến xúc tiến nhanh các dự án đầu tư lớn...
Đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Trung Quốc
Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đã ban hành "Thông tư về Tăng cường dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài và thu hút đầu tư", trong đó nêu rõ một loạt các nhiệm vụ cho chính quyền địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang hoạt động tại Trung Quốc.
Thông tư chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục hoạt động bình thường đồng thời hỗ trợ các công ty này giải quyết những khó khăn thực tế mà họ gặp phải khi tái khởi động bộ máy. Đặc biệt, chính quyền địa phương hỗ trợ các công ty giải quyết tình trạng thiếu lao động và các vấn đề liên quan đến nhân lực.
Hỗ trợ đặc biệt của chính phủ cũng mở rộng cho các dự án đầu tư lớn. Chính quyền địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án và giúp họ giải quyết các khó khăn hiện tại, đặc biệt là sự gián đoạn trong xây dựng.
Ngoài việc cung cấp các quyền lợi như đảm bảo quyền sử dụng đất, lao động và cơ sở vật chất, thông tư cũng khuyến khích chính quyền các địa phương thiết lập các kênh liên lạc hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ kịp thời và đảm bảo tiến độ các dự án.
Không chỉ vậy, Bắc Kinh cũng yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách hiện hành như Luật Đầu tư nước ngoài, đồng thời rút gọn các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
MOFCOM sau đó cũng đã ban hành các biện pháp bổ sung để hỗ trợ đầu tư và thương mại nước ngoài trong "Thông tư về Ổn định Ngoại thương và Đầu tư".
Thông tư này đã chỉ rõ cách chính quyền địa phương có thể thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài. Chúng bao gồm một loạt các nhiệm vụ, từ tăng cường các dịch vụ pháp lý đến phát triển thị trường cũng như cơ sở vật chất địa phương.
Tương tự, thông tư cũng khuyến khích các chính quyền liên lạc chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh phê duyệt cấp phép xuất nhập khẩu và giúp họ tiếp tục hoạt động. Ngoài hỗ trợ hậu cần và hành chính, chính quyền địa phương được hướng dẫn hợp tác với các cơ quan bảo hiểm để tăng cường hỗ trợ cho các công ty sau dịch COVID-19.
Thông tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm thông qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo điều kiện địa phương.
Nhiều chính quyền khu vực, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông, đã đưa ra các chính sách ưu đãi riêng của họ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài thích nghi với thương mại điện tử xuyên biên giới và sử dụng các khu vực thương mại tự do.
Thượng Hải tiên phong với kế hoạch thu hút vốn FDI
Thượng Hải đã công bố một số biện pháp để thúc đẩy đầu tư nước ngoài như là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới sự bùng nổ của COVID-19 và tạo điều kiện cho sự mở cửa của ngành tài chính Trung Quốc.
Thượng Hải đang nỗ lực thu hút thêm 40 trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia (MNC) và 15 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp tục phát triển các lĩnh vực quan trọng, bao gồm viễn thông, bảo hiểm và chứng khoán, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kỹ thuật, giáo dục, và các dịch vụ y tế.
Kể từ đầu năm nay, thành phố đã miễn cưỡng trì hoãn các kế hoạch trong nỗ lực trở thành một trung tâm thương mại và tài chính quốc tế hàng đầu của Trung Quốc đại lục.
Giữa các chính sách để kiểm soát dịch bệnh, Bắc Kinh đã không bỏ quên sứ mệnh phát triển của Thượng Hải. Các cơ quan tài chính lớn của Trung Quốc cùng với chính quyền Thượng Hải đã tiết lộ một kế hoạch với 30 biện pháp để đẩy nhanh quá trình xây dượng Thượng Hải như một trung tâm tài chính quốc tế.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại đủ điều kiện sẽ được phép thành lập các công ty đầu tư tài sản tài chính ở Thượng Hải. Các công ty đầu tư tài sản tài chính như vậy sẽ được phép thành lập các công ty con đầu tư chuyên ngành trong thành phố để đầu tư vào các chương trình chính tại Khu vực mới Lingang.
Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ được khuyến khích đầu tư vào các công ty fintech trong Khu vực mới Lingang để tiếp cận cũng như ứng dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), big data, điện toán đám mây và blockchain trong lĩnh vực tài chính.
Đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện trong Khu vực mới Lingang, các ngân hàng có thể trực tiếp xử lý việc thanh toán nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới. Thu nhập nhân dân tệ xuyên biên giới thu được từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài trợ xuyên biên giới cũng có thể được sử dụng trực tiếp để thanh toán trong phạm vi Trung Quốc.
Các tổ chức nước ngoài được lựa chọn có thể hợp tác với các ngân hàng thương mại lớn để thành lập liên doanh quản lý tài sản (JV) tại Thượng Hải, theo hướng dẫn. Các công ty nước ngoài sẽ được hỗ trợ để thành lập các công ty bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài và thành lập hoặc kiểm soát các công ty môi giới chứng khoán và quản lý quỹ tại Thượng Hải.
Các tổ chức tài chính ở nước ngoài có thể được chấp thuận đầu tư và nắm giữ cổ phần trong các công ty quản lý lương hưu trong thành phố. Trong khi đó, các MNC được khuyến khích thành lập các trung tâm quản lý quỹ toàn cầu hoặc khu vực tại Thượng Hải.
Trung tâm quản lý quỹ có thể giao dịch trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng sau khi được phê duyệt. Ngoài ra, kế hoạch này cũng kêu gọi mở cửa thị trường trái phiếu, tạo điều kiện cho quá trình đăng ký cho các nhà đầu tư nước ngoài và phát triển các công cụ phái sinh ngoại hối, bao gồm lãi suất RMB tùy chọn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, kế hoạch cũng khuyến khích sự hợp tác nhiều hơn giữa các tổ chức tài chính trên khu vực đồng bằng sông Dương Tử, sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán di động và xây dựng một hệ thống tín dụng định hướng thị trường thống nhất trong khu vực.
Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh, các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận đình rằng nếu tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang, chính phủ nước này sẽ cần "mạnh tay" hơn nữa với những chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận