Cuộc đua tăng lãi suất lại nóng
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đã và đang có xu hướng tăng.
Từ ngày 17/10/2022, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại NCB được hưởng lãi suất 8,5%/năm; nếu mở tài khoản tiết kiệm online, lãi suất là 8,65%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 - 7 tháng, lãi suất là 8%/năm. Bên cạnh đó, nhân dịp 20/10, khách hàng nữ gửi tiết kiệm được nhận lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Ngân hàng số Cake by VPBank áp dụng lãi suất huy động tiền gửi cao nhất là 9,5%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 9,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 9,3%/năm.
Một số ngân hàng khác nâng lãi suất trong ngày 17/10 như SHB, Saigonbank..., thêm 0,7 - 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Ngày 18/10, DongABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó, kỳ hạn 13 tháng hưởng lãi 7,8%/năm. Khách hàng gửi từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất từ 0,38 - 0,7%/năm.
Tại Kienlongbank, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến dưới 36 tháng phổ biến từ 7,8 - 8,3%/năm, cao nhất là 8,6%/năm.
Trong đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi online ngày 13/10, VietABank nâng mức lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 13 - 36 tháng lên 8,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 8,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 7 - 11 tháng là 8,5%/năm. Đến ngày 15/10, nhà băng này điều chỉnh giảm nhẹ đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng xuống 7,9%/năm.
Nhìn chung, sau đợt tăng lãi tiết kiệm được các ngân hàng công bố ngày 23/9, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Lãi suất trung bình tiền gửi 12 tháng toàn thị trường hiện đạt 7,04%/năm khi gửi tại quầy và 7,39%/năm khi gửi online. Trong khi đó, tháng 12/2021, lãi suất tiền gửi bình quân đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4,2 - 5,7%/năm, cao nhất là 7,4%/năm.
Điều đáng nói, thị trường dần xuất hiện tình trạng thỏa thuận “ngầm” về lãi suất tiết kiệm khi khách hàng có khoản tiền gửi lớn và ngân hàng muốn huy động kỳ hạn dài. Chẳng hạn, tại ngân hàng A, khách hàng có khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng sẽ được trả lãi suất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 7 tháng và cao hơn cho kỳ hạn trên 1 năm.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đã và đang có xu hướng tăng.
Áp lực huy động tiền gửi khiến cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng được nhìn nhận chưa có điểm dừng và Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận