24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc đua CASA 'tăng nhiệt'

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến cuộc cạnh tranh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các ngân hàng “nóng” hơn bao giờ hết, bởi nếu nguồn vốn giá rẻ này càng tăng thì ngân hàng càng giảm được chi phí đầu vào, tạo lợi thế khi cho vay ra.

CASA tăng, NIM cũng tăng

Tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm.

Bởi vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.

Mặt khác, một khi tỷ lệ CASA càng cao càng phản ánh giá trị nền tảng mà mỗi ngân hàng thiết lập được trong chiến lược ngân hàng bán lẻ, tạo tài nguyên bán chéo các sản phẩm, dịch vụ, thay vì chỉ dựa vào hoạt động cho vay truyền thống.

Tỷ lệ này cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế, bởi nó phản ánh hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện, nhất là thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Thực tế, trong 2 năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA. Nếu như trong 2 năm 2018 và 2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi sít sao nhau với tỷ lệ CASA trên dưới 30%, thì đến năm 2020 đã có sự thay đổi rõ rệt, khi Techcombank bất ngờ bứt tốc, vượt lên dẫn đầu với tỷ lệ CASA tăng từ 33% lên 46,1%. Từ trước tới nay, chưa có ngân hàng thương mại Việt Nam nào có tỷ lệ CASA vượt mức 45% như Techcombank.

CASA của MB cũng tăng trong năm 2020, nhưng thấp hơn Techcombank nên đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 39% và Vietcombank tụt xuống vị trí thứ ba do tỷ lệ CASA không thay đổi so với năm 2019 vẫn ở mức 30%. Những năm trước, Vietcombank và MB có tỷ lệ CASA dẫn đầu thị trường là nhờ có nhiều tài khoản thanh toán của doanh nghiệp về ngoại hối và giao dịch.

CASA của MSB tăng từ 20% ở đầu năm 2020 lên 29% vào cuối năm qua, trong khi tổng huy động tăng 10%, giúp ngân hàng này vươn lên vị trí thứ 4 về thị phần CASA. MSB đặt chỉ tiêu CASA đạt mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Sau nhiều năm ở dưới mức 20%, tỷ lệ CASA năm 2020 của ACB đã tăng lên 21,5% - đứng thứ 5 thị trường. Tiếp theo là TPBank và BIDV với tỷ lệ CASA sít sao 19,4% và 19,3%.

Đại dịch Covid-19 tạo cú huých thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến, góp phần tăng tỷ lệ CASA của ngân hàng. Nhìn chung, đa số các ngân hàng thống kê đều có tỷ lệ CASA tăng trưởng tích cực trong hai năm gần đây.

Thước đo chất lượng dịch vụ

Một vài năm trở lại đây, chỉ số CASA trở thành một trong những chỉ số tài chính được quan tâm khi phân tích hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Với các ngân hàng, việc thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, bởi giúp tạo ra một nguồn vốn giá rẻ, tức là chi phí đầu vào thấp, từ đó tạo lợi thế khi cho vay ra.

Chia sẻ về mức CASA 46% đạt được trong năm qua, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, đây là kết quả của chiến lược dịch chuyển cơ cấu huy động sang những nguồn vốn có chi phí huy động thấp (huy động không kỳ hạn).

Tỷ lệ CASA cao còn thể hiện hành trình chuyển đổi chiến lược bán lẻ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa và việc liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng của Techcombank.

Ông Hưng cũng cho hay, năm 2020, Techcombank đã cung ứng đa dạng các sản phẩm lên hệ thống ngân hàng số, từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư.

Các giải pháp này đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của nhiều khách hàng hơn.

“Đây cũng là lý do giúp Techcombank gia tăng cả về khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong năm qua, lần lượt đạt 383 triệu giao dịch và 5 triệu tỷ đồng (tăng 108,8% về khối lường và 84,2% về giá trị so với năm 2019). Techcombank cũng có thêm khoảng 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng đang phục vụ lên gần 8,4 triệu khách”, ông Hưng chia sẻ thêm và nhấn mạnh, tỷ lệ CASA cao hiện tại sẽ là nền tảng để Techcombank tạo lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho hay, VIB là ngân hàng duy nhất trên thị trường có mảng ngân hàng bán lẻ (retail banking) chiếm tới 84% trên tổng tín dụng trong năm 2020 và phát triển vượt bậc trong 4 năm trở lại đây với gần 3 triệu khách hàng cá nhân.

Quá trình chuyển dịch đó giúp CASA đi lên đều đặn và trong năm 2020, riêng CASA của ngân hàng bán lẻ tại VIB tăng 71% và chiếm 10% tổng huy động mảng này. VIB đặt mục tiêu sẽ đưa tỷ trọng CASA lên 20% trong 1 - 1,5 năm tới.

Ngoài lợi thế là nguồn vốn rẻ, tỷ lệ CASA cao còn phản ánh niềm tin của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán.

Vì thế, đối với các nhà băng, tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu hàng đầu, cạnh tranh theo đó cũng ngày càng trở nên gay gắt. Ðể tăng CASA, nhiều ngân hàng trên thế giới đã phát triển hệ thống thanh toán hiện đại, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, từ đó tăng số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng.

Thực tế, miễn phí giao dịch là cách để tăng CASA hiệu quả, song điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải hy sinh thu nhập từ phí dịch vụ.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng hỗ trợ CASA, nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán.

“Cạnh tranh về CASA sẽ lớn dần, nhất là tại các ngân hàng tư nhân. Vì thế, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư hiệu quả để có thể duy trì tỷ lệ CASA cao trong dài hạn. Ngân hàng nào sử dụng hạ tầng, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, cạnh tranh phí... sẽ thu hút được khách hàng”, VDSC khuyến nghị.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì phân tích trường hợp của Vietcombank để đưa ra góc nhìn về CASA. Theo VCSC, trong khi nhiều ngân hàng tích cực thu hút lượng CASA bán lẻ thì Vietcombank tập trung huy động CASA từ doanh nghiệp, đây là lý do khiến ngân hàng này gặp khó khăn trong việc mở rộng CASA, cho dù từng chiếm thị phần lớn nhất trong mảng này.

“Vietcombank đã định hướng tăng tỷ lệ CASA ở nhóm khách hàng cá nhân, nhưng sẽ không dễ lấy lại vị trí dẫn đầu trong một sớm, một chiều. Dự báo tỷ lệ CASA của Vietcombank sẽ tiếp tục ở quanh mức 30 - 31% trong năm 2021”, VCSC nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả