Cung vượt cầu, giá tiêu dự báo tiếp tục bấp bênh
Nguồn cung hạt tiêu bắt đầu vượt quá nhu cầu. Đang có dấu hiệu tăng đáng kể tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dự báo của các tổ chức quốc tế, trong giai đoạn 2012-2017, mức tăng sản xuất tiêu là 5,5%/năm trong khi mức tăng cầu chỉ đạt 2,4%/năm.
Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng thấp hơn so với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn “bấp bênh” trong một thời gian nữa.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định Thương mại tự do tại Đắc Nông ngày 22-8, cho thấy năm ngoái, giá hạt tiêu giảm ảnh hưởng đến ngành hạt tiêu Việt Nam. Do đó, dù lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng, nhưng trị giá xuất khẩu giảm mạnh.
Nửa đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá duy trì ở mức thấp, cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được hơn 180.000 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt 463,3 triệu đô la Mỹ, lượng xuất khẩu tăng 34,1% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác.
Giá giảm, chất lượng thấp, ngành hồ tiêu tiếp tục gặp khó khi năng suất không những không tăng mà có xu hướng giảm, khó cạnh tranh với các thị trường sản xuất hồ tiêu khác.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, Việt Nam có khoảng 100.000 héc ta hạt tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/héc ta, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Đây là mức năng suất khá thấp so với các nước trồng hạt tiêu hàng đầu thế giới.
Thực tế, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh của ngành tiêu trong nước về sản lượng cũng như chất lượng.
Ví dụ, hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong khi giá hạt tiêu vẫn ở mức rất thấp, chi phí sản xuất hạt tiêu lại có chiều hướng tăng. Chi phí sản xuất hạt tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017, trong khi giá bán hạt tiêu lại giảm trên 30%. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.
Nghiên cứu của Nedspice cho thấy, giai đoạn tới 2017 - 2030, nguồn cung hạt tiêu được dự báo đạt thấp nhất là 420.000 tấn và cao nhất là 670.000 tấn, tùy thuộc rất nhiều vào ngành tiêu Việt Nam. Nếu Việt Nam đưa ra thị trường cung hạt tiêu quá lớn sẽ làm giảm giá bán.
Dự báo 3 nước có khả năng mở rộng sản xuất, tăng sản lượng tiêu ra thị trường trong thời gian tới là Campuchia, Việt Nam và Brazil.
Sản lượng của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây, và chiếm 43% sản lượng tiêu toàn cầu. Nguồn cung của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm tới có khả năng cung cấp ra thị trường 210.000-350.000 tấn trong giai đoạn 2017-2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận