[CÙNG BÀN LUẬN] Kinh tế Việt Nam đang khó khăn, bao giờ thì phục hồi?
Đúng là kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP thấp, xuất nhập khẩu giảm (5 tháng đầu năm giảm 14,7%), bất động sản đóng băng, chứng khoán giảm, lượng giao dịch ít, trái phiếu doanh nghiệp như cục máu đông, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và người lao động mất việc làm tăng cao.
Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi “nguyên nhân ở đâu, bao giờ thì kinh tế phục hồi?”, có khá nhiều người cho rằng nguyên nhân nội tại là chính, không nên đổ lỗi cho khách quan.
Tôi thì cho rằng nguyên nhân từ bên ngoài lớn hơn từ bên trong: Kinh tế toàn cầu đang cận kề suy thoái, tăng trưởng thấp, thậm chí Anh, Đức còn tăng trưởng âm, nhiều ngân hàng Mỹ và Thuỵ Sỹ phá sản, dẫn đến nhu cầu mua sắm toàn cầu sụt giảm sâu, trong khi đó Việt Nam là nước có tỷ trọng xuất khẩu trên GDP thuộc top đầu thế giới.
Tỷ trọng xuất khẩu trên GDP của Việt Nam lên đến 93.3%, chỉ thua Hongkong, Luxembourg, Singapore, Malta, Ireland, Djibouti (từ 115% đến 200%), toàn những quốc gia dân số ít, thuần tuý thương mại. Trong khi đó tỷ lệ xuất khẩu/GDP của Malaysia là 68.8%, Thái Lan là 68.1%, Philippines là 30.6%, Indonesia là 20.4%, Ấn Độ là 23.89%, Bangladesh là 17.06% (số liệu năm 2021).
Theo một khảo sát của PwC ngày 16/02/2023 về nhu cầu mua sắm trên toàn cầu: 53% người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu không thiết yếu, 15% dừng hoàn toàn các khoản chi tiêu không thiết yếu; trong 6 tháng tới chi tiêu cho du dịch giảm 43%, thời trang, quần áo, giầy dép giảm 41%, sản phẩm cao cấp giảm 53%.
Theo thống kê của Canalys thì số lượng smart phone bán ra trên toàn cầu giảm 10%-12% trong các quý 1, 2, 3 năm 2022, giảm 18% trong quý 4 năm 2022 và giảm 13% trong quý 1 năm 2023 (số liệu của IDC giảm 14.6%). Chi tiết, trong quý 1/2023, Samsung giảm 18%, Xiaomi giảm 22%, Vivo giảm 17%, Oppo giảm 8%, chỉ có Apple tăng nhẹ 3%.
Kinh tế toàn cầu suy thoái, lãi xuất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm toàn cầu giảm (đặc biệt là Âu Mỹ), đơn hàng sản xuất giảm, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, doanh nghiệp phụ trợ gặp khó khăn, lao động bị mất việc và giảm giờ làm, thu nhập giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, các doanh nghiệp khác trong nước gặp khó khăn theo…. Đấy là một dây chuyền tất yếu của chuỗi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu.
Vậy nguyên nhân nội tại là gì?
Đầu tiên là phân bổ nguồn lực của cả xã hội không hợp lý, quá lãng phí. Đơn cử như bất động sản, có quá nhiều bất động sản nghỉ dưỡng xây xong bỏ không, hàng vạn các căn biệt thự nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Cam Ranh, Hội An, Đà Nẵng, Hạ Long gần như bỏ không. Có người nói rằng đầu tư đón đầu du lịch, lỗi là do đại dịch COVID-19, nhưng không phải, kể cả không có COVID-19 thì số biệt thự nghỉ dưỡng ven biển vẫn dư thừa, dư thừa cho cả 5-10 năm tới.
Có người lý luận rằng: BĐS liên quan đến nhiều ngành, tạo công ăn việc làm cho ngành sắt thép, vật liệu xây dựng, kiến trúc, xây dựng, nội thất, điện nước, điều hoà và nhiều ngành khác. Thế nhưng các chủ đầu tư có tiền đâu, toàn đi vay ngân hàng, hết room vay thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi BĐS cao quá, hấp dẫn quá, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dễ quá, nên phát hành trái phiếu tràn lan, có nhiều tiền (không phải của mình) nên cứ có lô đất nào vị trí đẹp là ôm hết, ôm xong để đấy, cỏ dại mọc um tùm hết năm này sang năm khác. Thế là tiền của dân, của toàn xã hội chôn hết vào các biệt thự nghỉ dưỡng ven biển (bỏ không), chôn hết vào các lô đất cỏ dại mọc um tùm hết năm này sang năm khác, không chỉ ven biển mà cả trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tiền chôn hết vào đất để trống, chôn hết vào biệt thự nghỉ dưỡng ven biển để không, giờ kinh tế khó khăn, doanh nghiệp BĐS không có tiền để xây tiếp, hoàn thiện các dự án, không bán được hàng, thành ra không có tiền trả lãi lẫn vốn cho các trái chủ, ngân hàng không dám cho vay tiếp (vì hết room, vì nợ xấu), tình thế như kẹt xe ở ngã tư, xe này chắn xe khác, chẳng xe nào chạy được hay giống như cuộn chỉ rối rất khó gỡ.
Câu hỏi đặt ra là gỡ rối bằng cách nào, kinh tế thế giới bao giờ phục hổi, chúng ta phải làm gì?
Có lẽ sáng nhất bây giờ là đầu tư công, xuất khẩu dịch vụ và du lịch.
Chính phủ đang nỗ lực năm nay giải ngân được 95% của 700.000 tỷ, sang năm cũng nên đầu tư công 800.000 tỷ, nếu mà lên 1.000.000 tỷ càng tốt. Khi kinh tế toàn cầu phục hồi, Việt Nam có hệ thống đường cao tốc 5.000 km, có sân bay Tân Sơn Nhất T3, có sân bay Long Thành, có mấy tuyến đường sắt đô thị giúp giảm ùn tắc giao thông, có hạ tầng kinh tế số… cũng là bệ phóng tốt cho tăng trưởng kinh tế các năm tiếp theo.
Về xuất khẩu dịch vụ: Ấn Độ xuất khẩu hàng hoá quý 1 2023 âm 21%, nhưng xuất khẩu dịch vụ lại tăng trưởng rất cao. Trong các báo cáo về xuất khẩu của Bộ Công thương chỉ có số liệu về xuất khẩu hàng hoá, không có số liệu về xuất khẩu về dịch vụ, nhưng tôi đoán là riêng xuất khẩu dịch vụ phần mềm của Việt Nam phải tăng cỡ 20% (từ con số của FPT Software mà suy ra cả ngành).
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận