menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Tùng Thiện Pro

[CÙNG BÀN LUẬN] Khám phá “âm mưu lật thuyền” của nhóm ông Phú tại HBC

Tôi tin rằng có cơ sở đặt nghi vấn mạnh mẽ về thuyết âm mưu, hay “âm mưu lật thuyền” của nhóm ông Phú tại HBC. Bài viết sẽ trình bày các cơ sở để đi đến nghi vấn mạnh mẽ này. Đồng thời, bài viết cũng sẽ gợi ý làm thế nào để nhóm ông Phú hành động thực sự có trách nhiệm hơn. Nghĩa là sau những gì các ông đã hành xử một cách vô trách nhiệm.

Thuyết âm mưu là gì?

Theo định nghĩa, thuyết âm mưu là lời giải thích cho một sự kiện hoặc tình huống có thể gây ra âm mưu từ các nhóm ác ý và mang tính nhằm thao túng quyền lực.

Gia đình ông Hải “rút ruột Hoà Bình”?

Dường như ông Phú và nhóm đang cố tình tạo thông tin rằng gia đình ông Hải “rút ruột Hoà Bình”. Tương tự, có vẻ họ còn cố tình khuấy động về “gia đình trị“, hay bất kỳ quy chụp tiêu cực nào khác, miễn là phục vụ cho thuyết âm mưu.

Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung khai thác nghi vấn nghiêm trọng về cố tình phổ biến việc gia đình ông Hải “rút ruột Hoà Bình”.

Điều này được thể hiện trước hết trên trang vietnamnet. Ông Nguyễn Công Phú cho rằng “doanh nghiệp đang bị thất thoát vốn”. Ngoài ra, trích nguyên văn trên trang danviet:

“Theo ông Dương Văn Hùng, mấu chốt của vấn đề ông Hải từ nhiệm Chủ tịch HĐQT có liên quan đến thất thoát tài chính lên đến 1.000 tỷ đồng mà chưa được làm rõ”.

Quy chụp trách nhiệm dân sự?

Khái niệm “thất thoát vốn” không tìm thấy trong Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy khái niệm này trong Nghị định số 155.

Khái niệm “thất thoát vốn”

Nghĩa là tại Khoản 2, Điều 292 – Giao dịch với người có liên quan, Nghị định nêu trên. Trích nguyên văn Khoản 2, Điều 292:

“2. Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm THẤT THOÁT VỐN, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty.

(Chữ “thất thoát vốn” được viết hoa để dễ nhận biết)

Thoả mãn khái niệm theo luật

Khái niệm “Người có liên quan” được định nghĩa tại Khoản 23, Điều 4, Luật doanh nghiệp. Đồng thời khái niệm này còn được định nghĩa tại Khoản 46, Điều 4, Luật chứng khoán. Trong đó, cả “công ty con” và “con đẻ” của ông Hải đều thoả mãn các khái niệm về “Người có liên quan”. Nghĩa là theo quy định của pháp luật vừa nêu.

Nói cách khác: Liệu ông Phú và nhóm có cố tình quy chụp ông Hải sẽ phải chịu trách nhiệm tối thiểu là theo luật dân sự?

Trách nhiệm hình sự nếu là vốn nhà nước

Chúng ta lưu ý rằng đây là doanh nghiệp tư nhân. Giả định đây là doanh nghiệp nhà nước, những kết luận nêu trên của nhóm ông Phú có thể khiến ông Hải phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là tội gây thất thoát vốn nhà nước theo Điều 219, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017.

Tại sao chúng ta nên đối chiếu thêm về trách nhiệm hình sự? Là bởi phần lớn công chúng có thể hiểu nhầm về mức độ “xứng đáng” của ông Hải? Họ hiểu nhầm vì thường nghe về các tội thất thoát vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

Ông Phú là một “con” người vô cùng nguy hiểm?

Người ta còn thấy rằng ông Phú tự mô tả bản thân “có một quá khứ lẫy lừng”. Đồng thời, ông cũng “biết” dùng cả phép “biện chứng” trong suy luận. Ông còn “rất tôn trọng Hải” và nhắc khéo ông Hải về “người lãnh đạo phải có sự bình tĩnh – chân thành, có khiêm cung, khiêm tốn”.

Những câu trong ngoặc kép vừa nêu là ngôn từ của ông Phú trên tạp chí cafef.

Trước hết, đúng như bạn đang nghĩ đấy! Ông Phú vừa tự ngợi ca mình “có một quá khứ lẫy lừng”. Ngay sau đó, ông Phú nhắc nhở ông Hải cần “có khiêm cung, khiêm tốn”. Thật hài hước!

Tiếp theo, ông Phú dùng phép “biện chứng” trong một tình huống phí phạm ngôn từ. Hay có thể nói rằng ngớ ngẩn. Đó là khi ông suy luận về “từ nhiệm” hay “không từ nhiệm”. Thậm chí, cách dùng như vậy khiến người ta còn nghi vấn: Ông không hiểu gì về phép biện chứng?

Nhưng đây mới là cách giải thích hợp lý hơn: Ông đang cố “biện chứng” để giữ cái ghế chủ tịch và che dấu âm mưu ác ý nhằm thao túng quyền lực?

Đồng thời, sau những gì ông Hải đã nâng đỡ ông Phú tại Hoà Bình, và sau những gì ông Phú “chĩa bút” vào gia đình của ông Hải, ông vẫn còn dùng được từ “chân thành” khi khuyên, thậm chí “dạy dỗ” ông Hải! Quan điểm của tôi ư? Liệu tôi và bạn có nên đi đến kết luận rằng:

Ông Phú là một “con” người vô cùng nguy hiểm?

Ông Phú và ông Hùng đã thành công?

Đó là khi tôi chia sẻ bài viết trên một số nhóm facebook về HBC từ hôm mùng 7 tháng 10 năm 2023. Những nhóm có số lượng khoảng trên dưới 500.000 thành viên. Tôi hay nhận được các phản biện về người trong gia đình ông Hải “rút ruột công ty”. Chúng ta sẽ trích dẫn thêm nội dung dưới đây từ trang nguoiquansat:

“Các khoản vay 565 tỷ, 162 tỷ và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng từ các công ty con chưa thấy quay trở về; riêng khoản vay 162 tỷ đồng cho công ty con (do con trai lớn anh Hải điều hành) vào tháng 10/2022 cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu”.

Ngoài ra, có vẻ ông còn “bánh vẽ” rất thành công về tương lai tươi sáng của Hoà Bình? Nên dường như nhiều người đang kỳ vọng vào “chủ tịch mới”, thậm chí kỳ vọng vào “Bác Phú”. Kỳ vọng như vậy cũng được không ít người nhắc đến khi thảo luận ở các nhóm nêu trên.

Như vậy, chúng ta sẽ đi đến nhận định có cơ sở:

Dường như ông Phú, ông Hùng và nhóm muốn công chúng hiểu rằng gia đình ông Hải đang “rút ruột công ty”. Đồng thời, việc ông Phú lên thay thế ở chức Chủ tịch là hoàn toàn thuyết phục.

Chưa thể biết chính xác về “thất thoát” hay “rút ruột”

Đây là trích nguyên văn trên trang cafef:

“Tuy nhiên, khi được hỏi về những bằng chứng để chứng minh các con số kể trên là sự thật, thì ông Phú và ông Hùng cho biết “hiện tại chưa thể chia sẻ”, vì còn phải đợi kết quả của cuộc họp HĐQT vào 10/1 sắp tới. Nếu kết quả không như mong muốn của phía ông Phú, có thể họ sẽ khởi kiện lên tòa và tung những bằng chứng về việc điều hành yếu kém – khuất tất của ông Lê Viết Hải”.

Đây là dự định của ông Hải triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, trong đó có nội dung mà ông sẽ đưa ra trong Đại hội:

“Đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch”.

Nhóm ông Phú hùng biện “rất đạt”

Trong khả năng tôi hiểu ngôn từ của hai ông trên các trang báo, họ đã hùng biện “rất đạt”. Và đây là cảm nhận của riêng cá nhân, bằng cách dùng ngôn từ của chính ông Phú và ông Hùng. Tôi thấy cứ như ông Hải và con trai ông “bê cả két sắt nghìn tỷ của công ty đi đâu về đâu” vậy.

Nên nếu có mối liên hệ trực tiếp giữa phát ngôn của ông Phú, ông Hùng và quan niệm (phổ biến?) của công chúng đã nêu trên về “rút ruột công ty” của gia đình ông Hải, quả cũng dễ hiểu!

Và hiển nhiên, các ông đã thành công trong khuấy động sự đồng cảm, có vẻ là từ không ít người?

Trong những bài viết và phát biểu khác về ý kiến của nhóm ông Phú, cảm nhận của cá nhân tôi cũng tương tự. Chẳng hạn, ông Phú hùng biện “đạt” đến mức khiến có lúc tôi hiểu giống như ông là nạn nhân của ông Hải. Có thể nhiều người bị thuyết phục và “đồng cảm” với nhóm ông Phú. Thành ra họ quy cho “ông Hải quay xe” – lập luận mà tôi nhận được từ nhiều người trong các nhóm facebook. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do ông – hay chính ông Phú mới là người “lật kèo”.

Nhưng rất tiếc, “tài hùng biện” của các ông chỉ đơn giản là đang che dấu cho một âm mưu ác ý nhằm thao túng quyền lực?

Chúng ta sẽ chờ bằng chứng từ cả ông Phú và ông Hùng. Nếu không giải nghĩa chính xác về “khuất tất” và “thất thoát vốn” như đã nêu trên, khả năng các ông có thể bị quy vào tội vu khống theo Điều 156, Bộ luật hình sự? Và nếu không có bằng chứng, các ông có vẻ như đang muốn đe doạ “đối phương”?

Thuyết âm mưu là có thật?

Ở bài viết trước, chúng ta đã biết về việc ông Phú “lật kèo”.

Khẳng định “lật kèo” từ ông Hải

Ông Hải cũng đã khẳng định rằng:

“Họ đã xác định với tôi là sẽ phối hợp chặt chẽ, bàn thảo kỹ lưỡng và làm việc với nhau trên nguyên tắc đồng thuận. Nhưng ngay việc này họ đã thể hiện sự không giữ lời hứa”.

Nhận định về thuyết âm mưu

Chúng ta sẽ cùng xem lại nhận định từ phía ông Hải. Sau đó đặt vấn đề nghiêm trọng về thuyết âm mưu của ông Phú và nhóm.

Từ nghi vấn của ông Hải

Trước đó, ông Hải cũng đã cho rằng:

“Đặc biệt, các cá nhân này còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý, không loại trừ có động cơ tiếp tay cho các thế lực muốn thâu tóm Công ty”.

Với những gì ông Hải đã hậu thuẫn, và với những cam kết bị “lật kèo”, tôi thực sự không biết ông Phú còn mặt mũi nào ngồi đối diện với ông Hải?

Ý đồ của ông Phú và nhóm là gì?

Ông Hải và người thân đang sở hữu một phần vốn lớn tại “con thuyền Hoà Bình”. Nên có thể nói rằng đó là con thuyền của ông Hải, của những người trong gia đình ông Hải, của các cổ đông lớn, và của rất nhiều cổ đông khác cùng sở hữu.

Nhưng ông Phú không hề có vốn. Vậy đó không thể gọi là “con thuyền” của ông Phú, hoặc ông Phú có một phần sở hữu. Trong khi ông Phú lại “lật kèo” không chăm sóc “con thuyền” đó theo cách những người chủ sở hữu mong muốn, mà “cải tổ” theo cách của riêng ông.

Ông Phú và nhóm phải chăng đang che dấu ý đồ gì?

Từ “lật kèo” ông Phú sẽ chuyển sang “lật thuyền”?

Tôi thực sự bí từ khi nghe ông Phú nói trên danviet:

“Chúng tôi phải có trách nhiệm cải tổ bộ máy, tháo gỡ khó khăn, tuyển người tài thật sự để đưa con thuyền Hòa Bình đi đúng hướng như ông Lê Viết Hải mong muốn”.

Tại sao tôi … bí từ? Ông Phú “lật kèo”, đi ngược mong muốn của ông Hải. Không chỉ vậy, như đã nêu trên, ông đang “chĩa bút” về cả ông Hải và gia đình. Ông dường như “vào vai rất đạt” trên truyền thông. Nên có vẻ công chúng cũng đang đặt nghi vấn, thậm chí kết luận ông Hải “rút ruột công ty”.

Nhưng giờ này, ông Phú vẫn tiếp tục lên truyền thông để “mật ngọt” được là sao? Chúng ta sẽ đưa ra nhận xét thế nào về tính cách “con” người này? Và vì vậy, tôi không còn ngôn từ lịch sự để diễn tả.

Chúng ta sẽ liên tưởng đến việc nhóm ông Phú đưa tin “lên mặt báo” như đã nêu ở các nội dung trên. Để từ đó đặt nghi vấn nghiêm trọng:

Liệu nhóm ông Phú có kèm theo kỳ vọng làm “sập” giá cổ phiếu để mua vào? và;

Phải chăng tiếp theo, từ “lật kèo”, ông Phú sẽ chuyển sang “lật thuyền”?

Nhưng ông đã “đánh lạc hướng dư luận” khi nói “trên mặt báo” rằng không có ý định mua cổ phiếu HBC. Có phải đó cũng là cách “hữu hiệu” để ông che dấu thuyết âm mưu? Nghĩa là dù nói không, nhưng ông vẫn sẽ mua để sở hữu một phần HBC bằng cách này hay cách khác với giá “sập sàn”?

Nhóm ông Phú hãy thể hiện trách nhiệm

Tôi và bạn đều chưa biết ông Phú “đưa con thuyền Hoà Bình đi đâu về đâu” nếu ông ngồi vào ghế chủ tịch. Còn nếu suy luận theo ngôn từ của ông Phú và ông Hùng, hẳn là người ta sẽ phải đặt thêm câu hỏi: Các ông đang muốn “tiền đi đâu về đâu”?

Nhưng ít nhất, những tuyên bố của các ông vừa qua thì tôi tin chắc chắn đã gây thiệt hại cho cổ đông.

“Vì lợi ích cao nhất của cổ đông và công ty”

Những thông tin ông Phú và nhóm đưa lên truyền thông là những thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Trong khi đó, theo Điểm b, Khoản 5, Điều 41, Luật chứng khoán về quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, trích nguyên văn:

“b) Thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của cổ đông và của công ty;”

Nhưng các ông đang làm gì vậy?

Hành động nào được xem là có trách nhiệm?

Và vì lập luận nêu trên, cả tôi và bạn nên tin rằng các ông, bao gồm ông Phú, ông Hùng, và ông Duy cần thực hiện các hành động có trách nhiệm. Trước hết là xin từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban tổng giám đốc.

Chúng ta biết rằng ông Duy cũng tham gia cùng ông Phú và ông Hùng khi “họp báo” mà không thực hiện các hành động ngăn chặn “vì lợi ích cao nhất của cổ đông và công ty”. Trong khi ông Duy đồng thời là thành viên HĐQT, kiêm Phó TGĐ.

Vì sao vậy?

Vì nếu các ông từ nhiệm, theo Luật doanh nghiệp (Điều 137, Điều 154) và Điều lệ công ty Hoà Bình (Điều 26), vẫn đủ số lượng thành viên tối thiểu của HĐQT là 5, trong đó thành viên độc lập là 1. Có lẽ ông Hải không cần phải triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, mà đợi đến cuộc họp thường niên tới đây.

Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho công ty, tốt cho các cổ đông!

Tiếp tục lên báo chí?

Các hành động đã nêu trên là thiết thực nhất vì lợi ích đối với cổ đông và công ty. Hay chẳng lẽ các ông muốn tiếp tục “lên báo” để gây tổn hại thêm nữa? Và như vậy cũng có nghĩa rằng: Nếu tồn tại thuyết âm mưu, các ông đang muốn đặt lợi ích của “nhóm âm mưu, ác ý” lên trên lợi ích của các cổ đông và công ty?

Hơn thế, với niềm tin rằng các ông đã gây thiệt hại cho cổ đông, các ông sẽ phải đối mặt với họ. Nói cách khác, nếu ông Phú, ông Hùng, ông Duy không từ chức, có lẽ cổ đông nên kêu gọi họ từ chức. Đó cũng là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình liên quan đến giá cổ phiếu và chi phí họp bất thường như đã nêu trên.

Hy vọng sẽ không cần thiết bàn về các tình huống, ai có quyền khởi kiện về trách nhiệm dân sự, và hình sự với các cá nhân liên quan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Tùng Thiện Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
10 Yêu thích
9 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại