24HMONEY đã kiểm duyệt
06/03/2023
[CÙNG BÀN LUẬN] Bài học cho Việt Nam nhìn từ học thuyết kinh tế Trung Quốc
Trong tuần này Trung Quốc sẽ họp quốc hội để thông qua các chính sách kinh tế quan trọng. Từ những số liệu đã công bố, có thể thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế khi đặt ra mục tiêu GDP năm nay là 5%, cao hơn rất nhiều mức 3% của năm 2022. Vậy đâu là sự khác biệt của nền kinh tế Trung Quốc? Trong status này tôi xin chia sẻ những ý cơ bản nhất chứ không có ý định viết một luận văn về đề tài này.
1. Trên thế giới có nhiều học thuyết kinh tế khác nhau từ cổ điển, tự do, trường phái Áo cho đến trọng tiền. Xét về mặt phân biệt chính trị, thì sẽ có 2 trường phái là thị trường và nhà nước điều hành. Trong những năm gần đây Trung Quốc theo đuổi chính sách kinh tế "Thịnh vượng chung". Với mô hình kinh tế khá độc đáo của mình, thoạt nhìn vào có vẻ tạo ra sự bình đẳng lớn giữa các thành phần kinh tế, nhưng bản chất vẫn là Đảng (Nhà nước TQ) vẫn nắm giữ quyền quyết định. Ở Âu Mỹ việc phá sản khi không còn trả năng trả nợ là điều đương nhiên, nhưng ở TQ một doanh nghiệp chỉ "chết" khi Đảng gật đầu. Evergrande là một ví dụ điển hình. Hình thái này bộc lộ tính hai mặt khi có thể kéo lùi sự phát triển chung, nhưng lại mang tính ổn định xã hội cao hơn, đặc biệt giải quyết rất tốt bài toán kinh tế học hành vi.
2. Kinh tế học hiện đại mà Mỹ dưới sự điều hành của FED đang theo đuổi bị sự ảnh hưởng lớn của học thuyết Keynes với 3 điểm cốt lõi là việc làm, lãi suất và tiền tệ. Lạm phát cao sẽ là kẻ thù và được coi là tác nhân chính kéo nền kinh tế đi xuống. Bản chất lạm phát cao được tạo ra bởi cung tiền đột biến và sự thiếu hụt hàng hóa. Chính vì vậy, khi gặp phải vấn đề lạm phát cao, FED sẽ tìm mọi cách thu tiền về bằng công cụ tăng lãi suất. Hãy so sánh với việc khi bạn mắc bệnh nan y như ung thư chẳng hạn, bạn sẽ dùng hóa trị, xạ trị. Bệnh có thể chữa nhưng đôi lúc thuốc lại tiêu diệt cả tế bào tốt, thậm chí tiêu diệt quá đà làm cho cơ thể cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Việc thắt chặt tiền tệ mạnh tay và kéo dài có thể gây ra suy thoái nghiệm trọng, tức là tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa.
3. Thế giới ngày càng phẳng hơn, không phải là Trung Quốc không đối mặt với vấn đề lạm phát, mà họ có cách giải quyết khác. TQ coi lạm phát là căn bệnh phải chấp nhận sống chung, có thể chữa khỏi mà không dùng thuốc đặc trị. Sự bình thản đối mặt này đã tạo ra chính sách rất độc đáo khi cả thế giới lao vào trào lưu tăng lãi suất, thì TQ lại làm ngược lại. Họ tiếp tục dùng quyền lực của chính quyền TW để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Khi chưa có kết quả cuối cùng cũng không biết "mèo nào cắn mỉu nào". Ít nhất dù đúng là kinh tế TQ có giảm tốc đột ngột trong năm 2022 (GDP chỉ 3%) nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2023 được dự báo rất khả quan 5%.
4. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách vĩ mô và tiền tệ, Trung Quốc còn ra thông điệp (thực hiện đúng lời cam kết) không đụng chạm đến các sai phạm nhất định trong kinh tế. Hầu hết cuộc chiến chống tham nhũng ở TQ chỉ bắt bớ các quan tham, chứ doanh nghiệp lại được bình yên sửa chữa và phát triển. TQ coi BĐS là then chốt, tìm mọi cách để khơi thông trở lại lĩnh vực này. Các doanh nghiệp BĐS ở TQ luôn được ưu tiên cứu, không chỉ cứu về mât pháp lý, mà còn được hỗ trợ vốn vay và các khoản gia hạn Trái phiếu. Họ không dọa dẫm doanh nghiệp cũng như dọa dẫm thị trường. Mặc dù TTCK vận hành dựa trên cung cầu nhưng chính quyền TQ bộc lộ rõ quan điểm không để cho thị trường này sập.
Trung Quốc là một nước lớn, nền kinh tế số 2 thế giới. Việt Nam chúng ta không thể so sánh về quy mô hay con đường phát triển tương đồng được. Nhưng nhìn họ điều hành và xây dựng mô hình kinh tế, Việt Nam cũng có thể rút ra một số bài học nhất định. Không nhất thiết cứ phải đuổi theo thành tích của mục tiêu kiềm chế lạm phát mà phải rập khuôn mẫu của FED. Ngay cả ở Mỹ cũng có nhiều ý kiến trái chiều về tính chất diều hâu của FED. Ngoài ra, cũng nên xét đến yếu tố Á đông của người Việt khi luôn coi ruộng đất là của cải, là đầu cơ nghiệp. BĐS vẫn là mảng kinh tế mũi nhọn và không thể bỏ qua. Chính vì thế "giết" hay "cho sống" để sửa chữa là việc cần cân nhắc. Và đặc biệt với thị trường non trẻ và bầy đàn như của VN, rất cần sự ủng hộ, không dọa nạt, lan tỏa sự tích cực và lạc quan.
Bình luận