Cửa khẩu chính xuất nông sản đã mở
Ghi nhận tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) ngày 20-2, ngày đầu tiên thông quan hàng hóa trở lại sau gần 1 tháng tạm ngưng, 300 tấn nông sản gồm mít, thanh long, dưa hấu... đã được xuất sang Trung Quốc. Xe đưa hàng sang và về ngay trong ngày.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc không chỉ là khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà mục tiêu rất quan trọng là giữ vững phát triển kinh tế của đất nước, không vì dịch bệnh mà ngưng trệ các hoạt động của xã hội.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC phát biểu tại phiên họp sáng 20-2 của Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương
Đến Tân Thanh vào ngày đầu tiên khi mở cửa thông quan trở lại, toàn bộ hàng quán hai bên đường cửa khẩu vẫn đóng. Bến xe khách Tân Thanh có chưa đến 20 container chờ xuất hàng, trong khi bình thường sức chứa lên đến cả ngàn xe.
Cán bộ hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho hay bình thường bến xe nhộn nhịp có lúc cả ngàn người. Mùa nào thức nấy, hoa quả đủ loại như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối... đổ về đây để xuất qua Trung Quốc chứ không vắng vẻ, đìu hiu như đợt này.
Hàng qua Trung Quốc là có người nhận
Vừa đến Tân Thanh vào trưa 20-2, anh Phạm Văn Huấn (Tiền Giang) cho biết đang đợi để xuất 26 tấn mít sang Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc). Mọi thủ tục thông quan đã hoàn tất. 9h ngày 21-2, khách đã hẹn bên Pò Chài để nhận hàng. Hi vọng hàng mang sang Trung Quốc được nhận và bốc dỡ ngay và xe có thể quay về luôn.
"Như bình thường, khi chưa có dịch, thời gian đưa hàng qua Tân Thanh sang Pò Chài khó biết chính xác thời gian về, có chuyến nằm ở Pò Chài cả tuần, thậm chí chục hôm. Bởi Pò Chài là chợ, sang đó còn tìm khách, gặp được khách rồi còn trao đổi, thỏa thuận giá cả.
Nếu thấy có lãi thì chủ hàng mới bán. Nhưng nay thì xe sang đó là có khách nhận hàng rồi" - anh Huấn chia sẻ.
Được đo thân nhiệt, mặc quần áo bảo hộ và thực hiện các biện pháp phòng dịch, anh Đậu Đức Ba (Long An) kể anh đang đợi ít phút nữa đưa xe container 23 tấn thanh long sang Trung Quốc.
Chuyến này xe đi vất vả vì sáng sớm 14-2 đã xuất phát từ Long An, hai ngày sau là đến Lào Cai nhưng không xuất được. Nằm 3 ngày ở Lào Cai, chi phí đội thêm 5 triệu đồng cho tiền bến bãi, dầu chạy máy lạnh cho hàng...
Rạng sáng 20-2, có thông tin cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại nên anh đã đưa hàng xuống Tân Thanh ngay. Chỉ hơn nửa giờ làm các thủ tục hải quan, kiểm dịch y tế... xe hàng của anh đã được xuất sang Trung Quốc vào chiều cùng ngày.
Tuy nhiên, không biết hàng mang sang có giao được để về ngay hay không, vì là lái thuê nên chủ hàng bảo xuất qua Tân Thanh là lái đi thôi. Mọi thủ tục từ khai báo hải quan, biên phòng, kiểm dịch y tế đã có chủ hàng lo.
Chia sẻ thêm về tình hình xuất hàng qua Tân Thanh thời điểm này, một nhân viên chuyên làm các thủ tục thông quan hàng nông sản cho các chủ hàng ở Tân Thanh cho biết hầu hết xe hàng đang chờ thông quan đã được khách Trung Quốc trả tiền rồi.
Hàng được chính thương lái Trung Quốc vào vùng trồng thanh long, dưa hấu, mít... mua. Lái xe chỉ chở thuê hàng ra đây để xuất qua Trung Quốc. Dù phía Trung Quốc đang cần hàng lắm nhưng vì lực lượng bốc dỡ hàng không có.
Trước đây, có đến 85% là người Việt sang Pò Chài bốc dỡ hàng thuê nhưng nay nếu đi về sẽ bị cách ly 14 ngày. Chính vì thế không ai dám đi. Ngay lái xe qua đó cũng phải ngồi trên cabin, nếu có nhu cầu buộc phải xuống phải vào khu cách ly.
Còn Trung Quốc hạn chế người dân ra khỏi nhà nên khan hiếm người làm công việc này. Thường thời gian bốc dỡ một xe 23-25 tấn hàng mất khoảng 2-3 tiếng. Do đó, chủ hàng bên đó muốn nhận hàng cũng phải chờ đợi lực lượng bốc dỡ hàng này.
Hi vọng tuần sau sẽ nhộn nhịp hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vy Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho biết ngày đầu tiên thông quan trở lại, có 11 xe thanh long, ước 300 tấn được xuất qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong số đó, 10 xe đã quay trở lại Việt Nam và còn 1 xe chưa quay về có thể chưa bốc dỡ xong hàng.
Còn chiều ngược lại có 3 xe hàng nhập hành, tỏi từ Trung Quốc về Việt Nam đã thông quan vào thị trường nội địa qua Tân Thanh. Hiện cuối giờ chiều 20-2, có 18 xe hàng nông sản là thanh long, mít đang chờ thông quan trong ngày 21-2.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết phía cơ quan hải quan tạo thuận lợi hết mức cho chủ hàng. Thời gian làm thủ tục thông quan chỉ 5-10 phút cho một xe hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung chống dịch cúm nên các biện pháp kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ.
Giải thích thêm về việc chỉ có 11 xe hàng được xuất qua Tân Thanh vào hôm nay, ông Vy Công Tường cho biết do là ngày đầu tiên mở cửa thông quan trở lại và điểm mấu chốt nhất là hàng phải có hợp đồng, tức là khi đưa sang được đối tác phía Trung Quốc nhận thì mới xuất được. Do đó, chủ hàng cũng nắm được tình hình này.
Bên cạnh đó, lượng bốc dỡ hàng hiện nay rất khó khăn khi khan hiếm lao động bốc dỡ hàng. Có thể một vài ngày tới, hoạt động thông quan tại Tân Thanh sẽ nhộn nhịp trở lại. Vì đây là cửa khẩu có lượng nông sản gồm dưa hấu, thanh long, mít, chuối... xuất sang Trung Quốc lớn nhất cả nước.
Hơn mười ngày qua, từ ngày 9-2, khi cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) thông quan trở lại, mỗi ngày có 250-300 tấn nông sản xuất sang Trung Quốc.
Về các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Hồng - bộ phận kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Tân Thanh - cho hay theo yêu cầu, lái xe, người đưa hàng từ Việt Nam sang phải đo thân nhiệt, mặc quần áo phòng chống dịch, đeo khẩu trang, găng tay...
Ôtô chở hàng được phun thuốc khử trùng phía Việt Nam. Khi sang cửa khẩu Trung Quốc, cơ quan chức năng của phía bạn cũng đo thân nhiệt cho lái xe, người giao hàng. Xe chở hàng cũng phun thuốc khử trùng.
"Quan điểm hai bên cùng thống nhất là kiểm soát chặt chẽ, theo các bước quy định để đảm bảo an toàn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan" - ông Hồng nói.
Bộ Công thương: nên bán hàng theo hợp đồng
Trước tình hình nông sản xuất chưa được nhiều, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, căn cứ theo từng loại hình xuất khẩu và khả năng nhận hàng của phía đối tác Trung Quốc để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, hàng hóa đưa về cửa khẩu chờ làm thủ tục phải đảm bảo có hợp đồng mua bán, tránh việc đưa hàng lên cửa khẩu với mục đích trao đổi cư dân biên giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Hiện Bộ Công thương đã và đang chỉ đạo các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Công thương cũng yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.
Trường hợp có phát sinh vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp thông tin, phản ảnh kịp thời với Bộ Công thương và các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương để có biện pháp tháo gỡ, xử lý.
Giá trái cây tăng dần khi Trung Quốc "ăn hàng" trở lại
Chuẩn bị thanh long để xuất khẩu qua Trung Quốc tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc như thanh long, dưa hấu, mít Thái... đã tăng khá nhanh trong những ngày qua khi có tin Trung Quốc mở cửa khẩu nhập hàng trở lại.
Tại Bình Thuận, giá thanh long ngày 20-2 với hàng đủ chuẩn đi Trung Quốc đạt 14.000 - 15.000 đồng/kg thanh long ruột trắng và 25.000 - 27.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Thậm chí ở Long An, giá thanh long tăng lên gần 20.000 đồng/kg loại ruột trắng và trên 30.000 đồng/kg loại ruột đỏ chuẩn xuất khẩu.
Một doanh nghiệp tại Long An cho hay thanh long ruột đỏ đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ hay EU có nơi đã lên đến 40.000 đồng/kg, còn cao hơn cả giá trước tết.
"Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, trái cây Việt Nam sẽ khởi sắc" - doanh nhân này cho hay.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hiệp - giám đốc Công ty thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) - cảnh báo giá tăng nhưng chưa bền vững vì thị trường Trung Quốc đang có những điều chỉnh để thích ứng với dịch COVID-19.
"Giá trong những ngày vừa qua tăng nhanh vì sau thời gian dài Trung Quốc mới ăn hàng trở lại. Khi đã nhập khẩu rồi, có đẩy mạnh mua nữa hay không còn tùy thuộc vào tiêu thụ tại nội địa Trung Quốc, qua đó quyết định giá mua nông sản của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn nên đa dạng hóa thị trường" - ông Hiệp cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận