24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cú sốc và cơ hội đối với kinh tế Đông Nam Á

Do hội nhập chặt chẽ với khu vực, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc yếu đi sẽ ảnh hưởng đến Đông Nam Á thông qua nhiều kênh.

Các nền kinh tế Đông Nam Á đang phải hứng chịu nhiều cú sốc đồng thời như đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xung đột ở Ukraine và xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.

Điều này gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng, đặc biệt đối với một số quốc gia trong khu vực. Các cơ hội mới cũng đang xuất hiện, nhưng việc tận dụng những cơ hội đó đòi hỏi phải thay đổi chính sách cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

Trên đây là nhận định của Tiến sỹ Aaditya Mattoo - nhà kinh tế trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Straits Times (Singapore) ngày 10/8.

Theo ông Mattoo, một chuyên gia kinh tế tốt nghiệp Đại học Oxford và Cambridge, từng là cố vấn kinh tế cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vẫn còn quá sớm để nói đại dịch Covid-19 đã qua đi. Covid-19 vẫn đang tồn tại, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang tác động tới hoạt động kinh tế, đặc biệt là với chính sách "Không Covid" của Trung Quốc. Những gì xảy ra tại Trung Quốc tác động tới toàn bộ khu vực, cũng như toàn cầu.

Cú sốc thứ hai là xung đột tại Ukraine, khiến giá hàng hóa và nhiên liệu tăng đột biến, niềm tin kinh doanh bị lung lay và thị trường tài chính biến động hơn. Ông Mattoo nhận định, nếu như hai cú sốc này là chưa đủ, thì giờ đây thế giới còn phải đối phó với “con thú lạm phát” mới được “sổ lồng”.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phải thắt chặt các chính sách tài chính và tiền tệ hơn. Kết hợp lại với nhau, những cú sốc này đang đặt ra những thách thức mới cho quá trình “phục hồi nửa chừng” của khu vực.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc chủ yếu được thúc đẩy bởi hai nguyên nhân. Một là chính sách "Không Covid" của Trung Quốc - những hạn chế về đi lại và phong tỏa ở một số thành phố - gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể, đồng thời khiến khó thực hiện các chính sách kích thích kinh tế.

Lực cản thứ hai đối với tăng trưởng của Trung Quốc là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của nước này, theo một số ước tính chiếm tới 1/3 GDP. Theo ông Mattoo, hiện dư thừa công suất trong lĩnh vực này là rất lớn, vì thế không có giải pháp nào ngay lập tức.

Do hội nhập chặt chẽ với khu vực, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc yếu đi sẽ ảnh hưởng đến Đông Nam Á thông qua nhiều kênh. Phần lớn sản lượng của khu vực cuối cùng được tiêu thụ ở Trung Quốc.

Trong khi một số mặt hàng xuất khẩu của khu vực trở thành hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới, một phần hàng xuất khẩu của khu vực ở những nơi khác cuối cùng lại được tiêu thụ ở Trung Quốc. Xuất khẩu của Đông Nam Á sang các nước thứ ba cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ông Mattoo cho rằng nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất ở khu vực là Lào, vốn có cả nợ cao và lạm phát cao ngay cả trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chậm lại - cả ở Trung Quốc và toàn cầu - cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều, nhất là Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Singapore, Việt Nam, nơi xuất khẩu cũng chiếm tỷ trọng cao trong GDP, cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, về cơ bản, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các nước phụ thuộc vào xuất khẩu và thắt chặt tài chính sẽ ảnh hưởng đến những nước đang nợ nhiều; đó là những mối nguy hiểm song song.

Tuy nhiên, những cú sốc, đặc biệt là từ Covid-19, cũng đã tạo ra những cơ hội mới. Thứ nhất, việc dịch chuyển chuỗi giá trị ra khỏi Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho một số nước trong khu vực. Sự thay đổi này đã xảy ra trước đại dịch do mức lương thực tế của Trung Quốc tăng và dân số già.

Malaysia cũng đã tận dụng lợi thế bằng cách thu hút các nhà sản xuất linh kiện điện tử, và một số hoạt động có giá trị cao đang đến với Singapore. Indonesia không được hưởng lợi, chủ yếu là do các chính sách hạn chế thương mại.

Cơ hội lớn khác đến từ việc triển khai nhanh hơn các công nghệ trong khu vực. Ông Mattoo đánh giá, đã có sự gia tăng đáng kể về tự động hóa và số hóa, đang ảnh hưởng đến cả sản xuất và đặc biệt là các dịch vụ như thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới.

Nhưng ông cảnh báo rằng mặc dù thương mại điện tử có thể là một động lực tăng trưởng, nhưng đây lại là “con dao hai lưỡi”. Trong khi các nền tảng thương mại điện tử giảm chi phí thương mại và thông tin, chúng cũng phóng đại các lợi thế so sánh hiện có.

ttxvn-tham-quyen-covid-2022081-1528-8894 data-natural-width640

Chẳng hạn, nếu nhìn vào phần lớn hoạt động thương mại diễn ra trên các nền tảng này, tỷ lệ cao các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Tự động hóa và số hóa sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội, nhưng các quốc gia sẽ cần phải tiến hành các cải cách trong nước sâu hơn để có thể tận dụng lợi thế.

Ví dụ, tương lai của ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ phụ thuộc vào mức tăng lương ở Trung Quốc và mức giảm giá robot. Nếu mức lương tăng nhanh hơn mức giảm giá của robot, Foxconn sẽ tuyển dụng nhiều lao động hơn ở khu vực. Nhưng nếu giá robot giảm nhanh hơn, thì Foxconn sẽ mua nhiều robot hơn để thay thế.

Theo đánh giá của ông Mattoo, giá robot cuối cùng sẽ giảm nhanh hơn, cơ hội thu hút các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động đang bị thu hẹp lại. Do đó, các quốc gia nên tăng tốc cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Một số đang bị tụt lại phía sau. Ví dụ, Indonesia đã tự do hóa chính sách đầu tư, nhưng không tự do hóa chính sách thương mại. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu vẫn kìm hãm sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, các quốc gia cũng cần theo đuổi cải cách giáo dục để tạo ra các kỹ năng cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội mới nổi và tham gia vào chuỗi giá trị. Phát triển nguồn lực con người quan trọng đối với sự tiến bộ, và các quốc gia không chú trọng đến vấn đề này sẽ bị tụt hậu.

Ví dụ, Bangladesh đang bị mắc kẹt và Campuchia cũng vậy. Họ đã bán áo sơ mi trong 20 năm qua, với rất ít sự gia tăng về độ tinh xảo. Việt Nam đã thu hút được một số ngành công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng vẫn đang thực hiện các tác vụ chỉ đòi hỏi kỹ năng tương đối thấp trong các lĩnh vực đó. Vì thế, các quốc gia cần học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore - những quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục.

Ông Mattoo cho biết thêm, chương trình nghị sự về khí hậu đang trên đà phát triển cũng là một cơ hội cho khu vực. Việc tăng giá nhiên liệu có thể làm cho các công nghệ xanh trở nên khả thi hơn. Nhưng cũng có những trở ngại mà các quốc gia sẽ phải đối mặt.

Giá nhiên liệu cao có thể khuyến khích sản xuất nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch và hạn chế khả năng của các chính phủ trong việc tăng thuế carbon, vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Và chính sách lãi suất cao, mà các nền kinh tế trong khu vực sẽ buộc phải áp dụng, có thể ngăn cản việc áp dụng các công nghệ xanh có xu hướng thâm dụng vốn và cần các khoản đầu tư trả trước lớn.

Nhưng các tiến bộ về cả khí hậu và thương mại cần sự hợp tác toàn cầu nhiều hơn, bởi vì các quốc gia cần phải hành động cùng nhau. Ví dụ, các công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu tập trung ở Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Đưa nhưng công nghệ này trở nên phổ biến rộng rãi là hành động quan trọng nhất mà thế giới có thể thực hiện.

Và trong thương mại, các quốc gia cần đảm bảo rằng sự cởi mở và công bằng sẽ chiếm ưu thế - rằng nguồn cung cấp khí đốt của họ sẽ không bị cắt, dữ liệu của họ không bị lạm dụng, cũng như sản phẩm của họ bị không bị tẩy chay vì họ đã lựa chọn chính trị. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng sự hợp tác như vậy sắp diễn ra. Tới nay, hợp tác quốc tế dường như vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả