CTG - Vẫn tích 'lương khô'
CTG đã công bố bctc Q3-2024 với một vài điểm nhấn đáng chú ý và trong đó chúng ta dễ nhận thấy nhất là ngân hàng vẫn đang tiếp tục làm dày bộ đệm dự phòng của mình cũng như cố gắng kiểm soát các chỉ số tài chính trước khi nghĩ tới lợi nhuận và tín dụng. Cụ thể như thế nào chúng ta sẽ cùng bóc tách và phân tích trong bài viết này cùng chúng tôi.
I. Kết quả kinh doanh
CTG đã công bố kết quả kinh doanh Q3-2024 tăng trưởng rất tốt, cụ thể tổng lợi nhuận thuần Q3 đạt 21,916 tỷ đồng, tăng 26% yoy. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,552 tỷ đồng, tăng 34.5% yoy. Hệ số NIM của ngân hàng cũng tăng lên mức 3%, mức cao nhất trong 3 năm gần đây và cao hơn 0.14% so với đầu năm. (Hình 1)
Kết quả kinh doanh tại Q3 ấn tượng một phần nhờ kết quả tốt mà ngân hàng đã đạt được trong Q3 vừa qua và một phần cũng tới từ mức nền kinh doanh thấp tại cùng kỳ.
Đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng tới từ 2 mảng là thu nhập lãi (+19% yoy) và mảng hoạt động khác bất ngờ ghi nhận lãi 3,963 tỷ đồng, tăng mạnh 182.3% yoy. Ngoài ra các mảng kinh doanh khác có tỉ trọng đóng góp cao như hoạt động dịch vụ (-0.8% yoy) và kinh doanh ngoại hối (-46.4% yoy) đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ bởi những nguyên nhân khác nhau. (Hình 2)
Về các chỉ số đầu vào, COF và CIR của ngân hàng cũng đều đang có sự biến động tích cực trong các quý vừa qua của năm 2024. Về chi phí vốn COF, sau khi tạo đỉnh tại Q3-2023 đã giảm liên tục trong 4 quý gần đây từ 4.76% về 3.44%. Điều này sẽ phần nào hỗ trợ NIM của ngân hàng tích cực hơn trong các quý tới. Chi phí hoạt động CIR thì có đà giảm gần như là liên tục từ 2021 cho tới nay khi giảm từ 34.23% tại Q1-2021 còn 28.21% tại Q3-2024 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc CTG thuộc top những nhân hàng có hệ số CIR thấp nhất. Đây là động lực giúp các chi phí của ngân hàng giảm, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho ngân hàng.
Về mảng kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng, Q3-2024 mảng kinh doanh ngoài lãi ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 6,338 tỷ đồng, tăng mạnh 47.2% yoy và cũng chiếm tỉ trọng lên tới 28.9% trong tổng lợi nhuận thuần của CTG. Như đã phân tích qua ở trên, đóng góp lớn nhất vào tỉ trọng kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng là 3 mảng bao gồm hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác, cụ thể từng mảng như sau:
Hoạt động dịch vụ: Q3 ghi nhận lợi nhuận 1,801 tỷ đồng, giảm nhẹ 0.8% yoy. Ngân hàng không thuyết minh chi tiết các hoạt động cụ thể của mảng dịch vụ nhưng với mức nền thấp trong 2 quý tới kỳ vọng sẽ giúp hoạt động dịch vụ tăng trưởng được trong 2 quý tới.
Hoạt động ngoại hối trong Q3 gặp bất lợi từ thị trường ngoại hối khiến kết quả kinh doanh kém ấn tượng khi giảm 46.4% yoy và chỉ đạt 609 tỷ đồng. Từ Q4 tỷ giá đã leo cao, nhu cầu rút vốn của khối ngoại lớn sẽ giúp kỳ vọng mảng kinh doanh ngoại hối phục hồi và sôi động trở lại.
Hoạt động khác: đây là hoạt động thu hồi nợ xấu của ngân hàng và đang có dấu hiệu tích cực trong các quý gần đây khi hạch toán và ghi nhận lợi nhuận lớn. Q3-2024 đã ghi nhận tới 3,963 tỷ đồng, tăng mạnh 181% yoy.
II. Mảng tín dụng và bức tranh tài chính ngân hàng
1. Mảng tín dụng
Mảng tín dụng của CTG vẫn duy trì tăng trưởng đều trong các năm qua với thu nhập lãi thuần tăng dần qua từng quý với động lực từ việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cũng như kiểm soát các chi phí đầu vào rất hiệu quả. Mảng tín dụng chiếm tỉ trọng 70.1% trong tổng thu nhập thuần của ngân hàng. (Hình 3)
Trong các năm gần đây tăng trưởng tín dụng của CTG thường khá sát với tăng trưởng trung bình của toàn ngành. Do đặc thù là ngân hàng nhà nước nên khẩu vị cho vay khá an toàn và đề cao chất lượng tín dụng nên tăng trưởng tín dụng của CTG không quá cao so với các ngân hàng thương mại. Sau 9 tháng đầu năm 2024 tổng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 9%, bằng với tăng trưởng tín dụng trung bình của toàn ngành nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây. (Hình 4)
Về các nhóm khách hàng cho vay, tín dụng bán lẻ sau 9 tháng tăng 11.8% (tăng cho vay sản xuất, giảm cho vay BDS và tiêu dùng). Tín dụng FDI tăng 17.8%. Tỷ trọng cho vay cá nhân của CTG tăng từ 36.9% tại Q3-2023 lên 38.7% vào Q3-2024. Đây là điều có phần ngược với các ngân hàng thương mại mà chúng ta đã phân tích khi đa phần tỉ trọng cho vay doanh nghiệp tăng còn vay cá nhân giảm trong 9 tháng đầu năm. Trong Q3 CTG đã thực hiện các gói giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khó khăn với các doanh nghiệp sau bão Yagi nên có thể sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng trong Q4 tới.
Về huy động đầu vào, tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tốt theo tốc độ tăng trưởng của cho vay, tỉ lệ tiền gửi/ cho vay vẫn duy trì trong khoảng 95% trong các năm gần đây. Casa tại cuối Q3-2024 đạt 22.4%, cao hơn 1.9% so với cùng kỳ và casa của ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ qua các năm. Điều này sẽ hỗ trợ cho giá vốn của ngân hàng được cải thiện. (Hình 5)
Tổng kết lại mảng tín dụng của CTG chúng tôi thấy rằng tăng trưởng tín dụng cả năm của CTG có thể đạt khoảng 13-14% tức tương đương tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đề ra trong năm 2024. Các chỉ tiêu đầu vào và đầu ra vẫn được kiểm soát tốt để giúp lợi nhuận từ mảng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các quý tơi.
2. Bức tranh tài chính
CTG là ngân hàng nhà nước nên nhìn vào bức tranh tài chính có thể thấy là đẹp hơn mức trung bình ngành khá nhiều. Cụ thể nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu luôn duy trì mức thấp hơn nhiều so với trung bình ngành. Tính tới hết Q3-2024 nợ xấu của ngân hàng đạt 23,225 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu đạt 1.45%, mức thấp so với trung bình ngành nhưng so với đầu năm thì tỉ lệ nợ xấu lại có xu hướng tăng (đầu năm tỉ lệ nợ xấu là 1.13%). (Hình 6)
Bóc tách từng nhóm nợ chúng ta có thể thấy nợ xấu trong 3 quý gần đây tăng lên chủ yếu do nhóm nợ số 3 và nợ số 4 tăng lên khá nhiều so với đầu năm. Đây có thể là nợ nhóm 2 kết chuyển sang khi mà nợ nhóm 2 giảm dần từ Q4-2023. Nợ nhóm 2 trong 4 quý gần đây sau khi giảm khá nhiều vào cuối 2023 đang có dấu hiệu đi ngang ở mức khoảng 23k tỷ đồng. (Hình 7)
Như thông tin từ ngân hàng thì do ngân hàng chủ động chuyển nhóm nợ khách hàng theo nguyên tắc nhận diện rủi ro sớm nên phần nào đã khiến nợ xấu nhóm 3 và 4 tăng lên trong các quý gần đây. Hiện tỉ lệ nợ tái cơ cấu theo thông tư 02 còn chỉ dưới 5,000 tỷ đồng, tức dưới 0.3% và ngân hàng cũng đã trích lập đầy đủ đối với các khoản vay này.
Nhờ việc trích lập đầy đủ cả các nợ xấu tiềm tàng mà bộ đệm dự phòng của ngân hàng là rất cao. Tính tới cuối Q3-2024 tỉ lệ bao phủ nợ xấu của CTG ở mức 153%, chỉ thấp hơn so với VCB trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng không có gì lạ khi mà trong quá khứ ngân hàng luôn duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 160%. Trong Q4-2023 sau khi có phần giảm trích lập dự phòng để hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng thì sau đó CTG đã ngay lập tức tăng mức trích lập lên cao trung bình hơn 8k tỷ đồng mỗi quý trong năm 2024. (Hình 8)
Lật lại quá khứ có thể thấy CTG là ngân hàng thường hoàn thành khá sát so với chỉ tiêu đề ra hàng năm về lợi nhuận nên Q4 hàng năm sẽ là quý mà ngân hàng sẽ thay đổi trích lập sao cho mức lợi nhuận cả năm đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong năm 2024 CTG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 26,300 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm đã đạt 18,719 tỷ đồng và tức còn khoảng 7,500 tỷ đồng nữa sẽ book vào Q4-2024. Đây sẽ là con số thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (7,699 tỷ đồng).
Như vậy với việc không có áp lực phải book lợi nhuận cao trong Q4 tới thì khả năng cao CTG vẫn tiếp tục duy trì mức trích lập trên 8k tỷ đồng trong Q4 tới để đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng lên trên 160% vào cuối 2024. Sang 2025 việc trích lập cao theo chúng tôi có thể vẫn sẽ được duy trì khi mà ngân hàng vẫn có truyền thống thận trọng trong hoàn cảnh vĩ mô chưa thực sự tốt và bộ đệm dự phòng cũng chưa phải quá cao nếu so với giai đoạn 2021-2022 trước đó.
III. Tổng kết và định giá
Như vậy với những phân tích trên chúng ta có thể tóm gọn lại về CTG như sau:
CTG duy trì tăng trưởng tín dụng khoảng 13-14% cho năm 2024 và các chỉ số kinh doanh đang tốt dần lên. Tuy nhiên giai đoạn tới có thể lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng
Nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu có phần tăng lên trong 3 quý gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với trung bình ngành. Về trích lập ngân hàng đã trở lại trích lập cao trong năm 2024 để tiếp tục làm dày bộ đệm dự phòng của mình. Dự kiến Q4 cũng sẽ duy trì ở mức cao do áp lực ghi nhận lợi nhuận trước thuế Q4 là không cao.
Q4 khả năng cao lợi nhuận sẽ thấp hơn so với cùng kỳ do mức nền cùng kỳ ở mức cao và CTG thường bám khá sát kế hoạch kinh doanh đề ra nên Q4-2024 khả năng sẽ hạch toán lợi nhuận ở mức vừa phải.
CTG vẫn là ngân hàng có chất lượng và hoạt động kinh doanh thuộc top tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng nhanh là khá khó do tính chất thận trọng của các ngân hàng nhà nước. Hiện CTG đang giao dịch trong vùng giá 35.x/cp tương ứng mức định giá P/B khoảng 1.35 lần. Đây là mức định giá cao hơn trung bình các ngân hàng thương mại khác hiện nay nhưng thấp hơn so với 2 ngân hàng nhà nước còn lại trên sàn. Chúng tôi cho rằng ngắn hạn Q4-2024 thì mức định giá này phù hợp với CTG trong bối cảnh vĩ mô lãi suất tiết kiệm có thể phải tăng lên cũng như kế hoạch kinh doanh Q4 ở mức vừa phải không đột biến. Định giá phù hợp cho CTG trong Q4 sẽ là khoảng 35-37k/cp.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay