COVID-19 sẽ thành bệnh đặc hữu, tồn tại lâu dài?
COVID-19 có thể xuất hiện rồi lại dần suy giảm giống như bệnh cúm, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó có giống bệnh cúm không thì chưa thể giải đáp.
Thời kỳ đầu đại dịch, nhiều người hy vọng rằng COVID-19 có thể bị ngăn chặn và chấm dứt khi vaccine xuất hiện. Nhưng đối với các nhà khoa học, hy vọng về một quốc gia không COVID đã tan biến từ lâu.
Tiến sĩ Elizabeth Halloran, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ cho biết: “Mọi người đã ngừng nói về việc loại bỏ COVID-19. Nó sẽ không biến mất và điều đó có nghĩa là nó sẽ trở thành một bệnh đặc hữu".
Hầu hết các nhà khoa học hiện nay đều đang dự đoán loại virus này sẽ lưu hành vô thời hạn, nhưng với số ca mắc bệnh thấp hơn và dễ tính toán hơn - tình trạng được gọi là đặc hữu. Điều này sẽ làm cho SARS-CoV-2 trở nên giống như nhiều loại virus khác mà nhân loại đã học được cách đối phó, như virus cúm. Tuy nhiên, chưa rõ virus này khi trở thành đặc hữu có còn gây nguy hiểm cho sức khỏe nhiều hơn các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác hay không.
Một số dấu hiệu cho thấy các chính phủ và quan chức y tế công cộng đã triển khai kế hoạch chống dịch với ý tưởng này. Thay vì tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus và dựa vào các biện pháp như phong tỏa, các kế hoạch giờ tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro và cho phép người được tiêm chủng tiếp tục cuộc sống tương đối bình thường.
Việc mắc bệnh là không tránh khỏi?
Khi COVID-19 được dự đoán sẽ “ở lại”, và xem xét tốc độ lây lan của biến thể Omicron - một số chuyên gia cho rằng hầu hết mọi người đều có thể bị nhiễm virus ít nhất một lần.
Tiến sĩ Francis Riedo, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại EvergreenHealth, một hệ thống bệnh viện ở Kirkland, Washington, cho biết: “Đối với tôi, gần như không thể tránh khỏi việc bạn mắc bệnh. Câu hỏi thực sự là mức độ nghiêm trọng".
Tuy nhiên, ngay cả khi COVID-19 trở thành một bệnh không thể tránh khỏi, không có nghĩa là mọi người nên ngừng áp dụng các biện pháp phòng ngừa, theo các chuyên gia. Họ đang bắt đầu nghĩ về một tương lai trong đó các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, như đeo khẩu trang và thỉnh thoảng khuyến khích giãn cách xã hội, có thể trở nên phổ biến. Tiêm chủng sẽ vẫn là trọng tâm, cùng với các biện pháp bảo vệ tăng cường cho những người dễ bị tổn thương.
Trong thời gian tới, khi biến thể Omicron hoành hành, điều quan trọng là mọi người - bao gồm cả những người đã được tiêm chủng - cố gắng tránh nhiễm virus. Điều này nhằm tránh cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải, nhân viên bệnh viện kiệt sức và không có đủ tài nguyên (như kháng thể đơn dòng và thuốc kháng virus) điều trị cho tất cả mọi người.
Nhiều điều khó dự đoán
Đối với một căn bệnh đặc hữu, trung bình cứ một người mắc bệnh lại truyền virus cho một người khác. Nhưng đó là “trạng thái cân bằng động”, theo Halloran, và việc virus lây lan còn tùy thuộc vào các yếu tố như mùa.
Vì vậy, Sergei Maslov, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, cho biết, không có mô hình nào có thể dự đoán được xã hội sẽ mất bao lâu để chuyển sang giai đoạn COVID đặc hữu.
Theo Alexei Tkachenko, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven ở Long Island, New York, phải mất vài năm để một mầm bệnh virus mới chuyển từ đại dịch sang đặc hữu.
Các giám đốc điều hành của Pfizer trong tuần này cho biết họ tin rằng COVID-19 sẽ trở thành đặc hữu vào năm 2024. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, viết cho các đồng nghiệp rằng virus khó có thể bị tiêu diệt và họ dự đoán sẽ có “các đợt bùng phát và các bệnh đặc hữu định kỳ”.
Các bệnh đặc hữu thường có mô hình ổn định và dễ dự đoán. Ví dụ, các ca cúm tăng đột biến phần nào có thể dự đoán được trong những tháng lạnh. Nhưng các nhà nghiên cứu chưa thể nói chắc chắn về COVID.
Trevor Bedford, một nhà sinh học tính toán (computational biologist) tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nghĩ rằng COVID đặc hữu có thể tương đương với việc mọi người mắc bệnh trung bình khoảng ba năm một lần, và hầu hết các trường hợp bị nhẹ.
Phép tính toán gần nhất của Bedford - khi biến thể Delta vượt trội ở Mỹ, cho thấy 50.000 đến 100.000 người có thể chết ở nước này mỗi năm vì COVID đặc hữu. Trước COVID, bệnh cúm gây ra 12.000 đến 52.000 ca tử vong mỗi năm tại nước này, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
COVID kéo dài và bảo vệ hai lớp
Theo chuyên gia, trong viễn cảnh COVID trở thành bệnh đặc hữu, COVID kéo dài - các hội chứng xảy ra đối với những người hồi phục sau COVID-19 - có thể làm tăng chi phí xã hội của bệnh.
Bên cạnh đó, các nhóm dễ bị tổn thương cần có phương án đối phó, như bảo vệ hai lớp.
Tiêm chủng vẫn là chìa khóa, song những người bị ức chế miễn dịch có thể cần được bảo vệ bổ sung để giảm nguy cơ mắc bệnh. “Cứ sáu tháng một lần, bạn đến lấy kháng thể và làm xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính, bạn bắt đầu sử dụng các loại thuốc”, Riedo nêu một ví dụ về phương án đối phó với COVID đặc hữu cho những người suy giảm miễn dịch.
Nếu các rủi ro gia tăng trong thời gian COVID đặc hữu “vào mùa”, các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vẫn có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, chuyên gia cho biết.
Khả năng loại bỏ hoàn toàn?
Không phải mọi loại virus đều trở thành đặc hữu, hoặc duy trì tình trạng đặc hữu trong thời gian dài.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với virus SARS, đã góp phần cho phép các quan chức y tế tiêu diệt dịch bệnh. Virus gây ra bệnh đậu mùa cũng bị loại trừ thông qua các nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới.
Một số chuyên gia hiện vẫn tin rằng việc loại bỏ SARS-CoV-2 theo từng quốc gia là có thể thực hiện được, mặc dù sẽ phải đầu tư nguồn lực rất lớn và chi phí có thể không bù lại được so với lợi ích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận