Covid-19 khiến Nhật Bản “mất trắng” 20 tỷ USD đầu tư cho Thế vận hội?
Các nhà tổ chức Nhật Bản hy vọng việc đăng cai Olympic sẽ nâng hình ảnh quốc gia và gặt hái lợi ích kinh tế, nhưng người dân nước này lo ngại Thế vận hội sẽ trở thành một ổ dịch Covid-19...
Tuần này, khi tuyên bố sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào ở Nhật Bản liên quan đến Olympic (Thế vận hội) mùa hè 2020, hãng xe Toyota đã gửi đi một thông điệp lớn về tâm trạng ảm đạm của đất nước mặt trời mọc trước ngày khai mạc đại hội thể thao lớn nhất thế giới...
Toyota là công ty đắt giá nhất của Nhật Bản là một nhà tài trợ toàn cầu của Thế vận hội – vị thế mà chỉ 13 công ty khác trên thế giới có được. Trong trận chung kết Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl), Toyota đã chi hàng triệu USD cho một quảng cáo gắn với biểu tượng Olympic. Nhưng ở Nhật, bất kỳ một mối liên hệ nào với lần Thế vận hội này cũng là quá nhạy cảm để “gã khổng lồ” công nghiệp ô tô chạy quảng cáo, khi mà phần đông người Nhật không muốn Olympic được tổ chức vì lo sự kiện sẽ trở thành một ổ dịch Covid-19.
Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ chính thức khai mạc vào ngày thứ Sáu tuần này, chậm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu và trong tình trạng khẩn cấp chống Covid ở thủ đô của nước Nhật. Mọi kỳ vọng về lợi ích kinh tế mà sự kiện mang lại cho Nhật Bản đã tan biến như bong bóng xà phòng. Những sân vận động và nhà thi đấu tiêu tốn hơn 7 tỷ USD để xây dựng hoặc nâng cấp sẽ gần như trống trơn vì khán giả bị cấm để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch.
Theo tờ Wall Street Journal, một mục đích của Nhật Bản khi đăng cai Olympic là chứng tỏ cho thế giới thấy rằng nước này vẫn là một cường quốc toàn cầu cho dù dân số suy giảm và bị Trung Quốc vượt lên về quy mô của nền kinh tế. Sự kiện này cũng sẽ minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của nước Nhật sau trận sóng thần khủng khiếp hồi năm 2011. Nhưng rồi, Covid-19 đã biến Thế vận hội thành một vấn đề khó xử đối với nước Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng ông tin tưởng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm cách ly công chúng khỏi Thế vận hội sẽ ngăn được nguy cơ lây nhiễm của virus và Nhật vẫn sẽ hưởng lợi từ lượng lớn khán giả theo dõi Olympic qua truyền hình trên toàn cầu. “Tôi đã quyết định rằng Olympic có thể diễn ra mà không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của người dân Nhật Bản”, ông Suga nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. “Điều đơn giản và dễ làm nhất là từ bỏ việc đăng cai. Nhưng công việc của Chính phủ là xử lý thách thức”.
Các vận động viên Nhật Bản có thể vẫn giữ vững tinh thần thi đấu để giành huy chương trên sân nhà, nhưng chỉ vài ngày trước lễ khai mạc, tâm trạng lo lắng đã phủ bóng. Ít nhất 8 vận động viên nhập cảnh vào Nhật Bản để dự Olympic, cùng hàng chục người khác liên quan đến Thế vận hội đã cho kết quả dương tính với Covid-19. Nhiều cầu thủ của đội tuyển bóng đá nam từ Nam Phi đã phải cách ly sau khi tiếp xúc gần với hai thành viên dương tính.
Các nhà tổ chức vẫn quyết tâm tiến hành một “Olympic dành cho truyền hình” mà người Nhật sẽ theo dõi rất ít và hầu như không được hưởng lợi ích kinh tế nào.
Khi ra quyết định hoãn 1 năm Olympic Tokyo 2020 vào tháng 3 năm ngoái, Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) đã đặt cược rằng đến mùa hè năm 2021, đại dịch Covid-19 đã được khống chế. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Chỉ vài tuần trước lễ khai mạc muộn của sự kiện, biến chủng Delta đã làm dấy lên một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu. Những ngày gần đây, Tokyo ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Với chỉ 22% dân số Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ tính đến ngày 19/7, tình trạng khẩn cấp ở Tokyo dự kiến sẽ được gia hạn cho tới hết ngày 22/8.
Số người được nhập cảnh vào Nhật Bản để dự kỳ Olympic này đã giảm 2/3 so với dự kiến ban đầu, còn hơn 50.000 người gồm vận động viên, quan chức, nhà báo và các đối tượng khác. Ban tổ chức cho biết hàng chục quy định đã được thiết lập nhằm ngăn Covid-19 lây lan tại Thế vận hội. Khách tham dự đại hội sẽ không được tiếp xúc với người dân Nhật Bản, và có thể bị trục xuất nếu vi phạm.
“Trên phương diện tổ chức, đây có lẽ là kỳ Thế vận hội phức tạp và khó khăn nhất từ trước đến nay”, ông Michael Payne, Giám đốc phụ trách marketing và bản quyền phát sóng của IOC từ 1983-2004, nhận định.
Một cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK thực hiện từ ngày 9-11/7 cho thấy gần 2/3 người Nhật không cho rằng Thế vận hội nên được tổ chức. Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy Thủ tướng Suga hiện chỉ đạt tỷ lệ ủng hộ khoảng 1/3, một mức đáy mới.
Một số người Nhật cho rằng IOC đã ép Nhật Bản phải tiến hành kỳ Olympic này, nhưng IOC phủ nhận. Khoảng 73% ngân sách của IOC đến từ việc bán bản quyền phát sóng Olympic.
Cũng giống như mọi kỳ Thế vận hội khác, ngân sách đầu tư cho Olympic Tokyo 2020 đã vượt xa dự kiến ban đầu. Con số chính thức là 15,4 tỷ USD, nhưng các nhà kiểm toán của Chính phủ Nhật Bản cho rằng tổng chi vượt 20 tỷ USD, lớn gấp khoảng 3 lần so với mức dự kiến ban đầu là 7,4 tỷ USD. Các nhà tài trợ Nhật Bản đóng góp hơn 3 tỷ USD, mức tài trợ lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp nước chủ nhà cho một kỳ Thế vận hội.
Có một điều chắc chắn là con số thiệt hại ước tính lớn nhất về kỳ Olympic này sẽ không bằng 1% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản. Năm 2020, GDP của Nhật đạt gần 5.049 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho rằng vẫn có lợi ích tiềm tàng cho Nhật Bản, khi người nước ngoài theo dõi Thế vận hội Tokyo qua truyền hình và có thể quyết định tới thăm nước này sau đại dịch.
“Các nhà hàng và khách sạn đã nâng cấp để đón khách nước ngoài sẽ không bị bỏ phí”, ông Kiuchi nói với Wall Street Journal. "Các sân vận động và nhà thi đấu vẫn còn đó, và sẽ đến lúc tổ chức những sự kiện có khán giả theo dõi".
Thay vào đó, rủi ro kinh tế lớn nhất đối với Nhật Bản khi đăng cai kỳ đại hội thể thao này cũng chính là rủi ro về sức khoẻ khiến nhiều người Nhật phản đối sự kiện: Olympic có thể trở thành một sự kiện “siêu lây nhiễm” Covid-19. Trong trường hợp đó, con đường phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ xa xôi hơn bao giờ hết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận