menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Công xưởng Trung Quốc “vật lộn” lấy lại công suất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát

Các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, đồ chơi và các hàng hóa khác trên khắp thế giới đang phải vật lộn để hoạt động bình thường trở lại, sau khi một đợt bùng phát virus corona khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt.

Nhưng ngay cả dưới sự hỗ trợ tích cực của hệ thống chính trị nước này thì các công ty và nhà kinh tế vẫn tin rằng có thể phải mất nhiều tháng trước khi sản xuất trở lại bình thường.

Chuỗi cung ứng bị phá vỡ

Vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng, với hàng ngàn công ty cung cấp linh kiện của Trung Quốc, từ phụ tùng ô tô, khóa kéo đến vi mạch... đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Trung Quốc vốn có tiếng là linh hoạt và có năng lực nhưng họ đang thiếu nguyên liệu và công nhân, sau khi các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh được đưa ra, buộc các nhà máy phải đóng cửa, cắt đứt liên hệ tại nhiều thành phố với hơn 60 triệu dân và hạn chế du lịch.

Ví dụ như lĩnh vực điện thoại thông minh, ngành công nghiệp hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc để lắp ráp gần như tất cả các thiết bị cầm tay, một số nhà sản xuất linh kiện cho biết sản lượng hiện thấp tới mức chỉ bằng 10% so với bình thường, Nicole Peng, đến từ Canalys - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Singapore - cho biết.

"Tin xấu là tác động có thể còn lớn hơn nữa, thậm chí là sẽ tồi tệ hơn rất nhiều những gì người ta từng dự báo lúc ban đầu", Peng nói.

Các doanh nghiệp lữ hành và bán lẻ vốn cần khách hàng Trung Quốc để phát triển kinh doanh thì nay phải chịu áp lực nhiều nhất, từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như đóng cửa một phần.

Các nhà phân tích cảnh báo sự gián đoạn càng kéo dài, thiệt hại sẽ lan sang các ngành công nghiệp rộng lớn hơn và các nền kinh tế khác. Nhiều thương hiệu lớn, bao gồm cả Apple, cho biết họ đang bắt đầu cơ cấu lại nguồn cung của mình.

“Vật lộn” để trở lại sản xuất

Các thương hiệu toàn cầu đã sử dụng lao động chi phí thấp của Trung Quốc để lắp ráp hàng hóa trong ba thập kỷ qua. Giờ đây, họ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất ô tô, máy tính và các sản phẩm khác. Sự gián đoạn nguồn cung có thể khiến Trung Quốc trở thành một nút cổ chai bóp nghẹt doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu.

Các dự báo lạc quan nhất cho rằng virus có thể được kiểm soát vào tháng 3, cho phép sản xuất tăng trở lại. Nhưng các dự báo tiêu cực hơn thì cho rằng đợt bùng phát dịch bệnh này có thể kéo dài đến giữa tháng 5 hoặc muộn hơn. Hoặc, như Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo trong tuần này, các nhà chức trách có thể không ngăn được sự lây lan toàn cầu của virus.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô và nhiều nhà máy khác đang mở cửa hoạt động trở lại, nhưng giới chuyên gia nói rằng họ sẽ chỉ khôi phục sản xuất hoan toàn cho đến giữa tháng ba là sớm nhất.

"Trong tuần tới, hoạt động của nhà máy sẽ không tăng đột biến, sự thiếu hụt linh kiện trên phạm vi toàn cầu có thể sẽ xuất hiện", Taurur Baig và Samuel Tse - các chuyên gia kinh tế của DBS - lưu ý.

Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào về tác động từ sự thiếu hụt nguồn cung đến người tiêu dùng ở nước ngoài, nhưng các nhà bán lẻ bắt đầu phát đi cảnh báo một số sản phẩm có thể bị trễ công bố mẫu mới hoặc không được sản xuất.

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hóa chất chính cho ngành dược phẩm toàn cầu. Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến các nguồn cung có thể bị gián đoạn, dù đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc sản xuất thuốc đã bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "đặt cược" uy tín chính trị của mình với việc phục hồi ngành công nghiệp trong nước.

Bắc Kinh cam kết sẽ cắt giảm thuế, mặc dù các nhà kinh tế nói rằng tác động từ chính sách hỗ trợ tài chính sẽ không nhiều khi các biện pháp chủ động phòng chống dịch vẫn còn hiệu lực, khiến công nhân không thể tới nhà máy và làm gián đoạn sự di chuyển của hàng hóa.

Hôm Chủ nhật, ông Tập Cận Bình nói khu vực có nguy cơ thấp nên thay đổi mức độ cảnh báo nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, trong khi các khu vực có nguy cơ cao vẫn cần tập trung chống dịch, theo Tân Hoa Xã.

Các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, sau khi hàng triệu lao động trở về thăm quê trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và bị mắc kẹt ở đó bởi việc đình chỉ các chuyến máy bay, xe lửa và xe buýt.

Các quan chức chính quyền cần phải "hủy bỏ lệnh cấm vận chuyển đối với các phương tiện giao thông", Tân Hoa Xã trích lời ông Tập Cận Bình.

Chính quyền Nghĩa Ô - một thành phố phía Đông Nam Trung Quốc, nổi tiếng với hàng ngàn nhà cung cấp cúc áo, tay nắm cửa và các bộ phận khác cho các nhà sản xuất xuất khẩu - cho biết họ đã bố trí máy bay và tàu hỏa để đưa nhân viên quay trở lại làm việc.

Tìm nguồn cung thay thế

Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư sản xuất toàn cầu tính theo giá trị sản xuất trong các nhà máy của họ. Nhưng, quốc gia này là điểm lắp ráp cuối cùng cho hơn 80% điện thoại thông minh trên thế giới, hơn một nửa TV và một phần lớn các mặt hàng tiêu dùng khác.

Apple, công ty có hầu hết sản phẩm điện thoại thông minh iPhone và các sản phẩm khác được lắp ráp bởi các nhà thầu ở Trung Quốc, đã làm náo loạn thị trường chứng khoán Mỹ khi cảnh báo vào ngày 17/2 rằng doanh thu sẽ bị ảnh hưởng do gián đoạn nguồn cung.

Các công ty toàn cầu khác cần nhựa, hóa chất, thép và các linh kiện công nghệ cao của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với việc giảm sản xuất, theo Kaho Yu đến từ Verisk Maplecroft, một công ty tư vấn. Yu nói rằng vấn đề có khả năng kéo dài qua quý III năm nay.

Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết tuần trước, một nửa trong số 109 công ty trả lời khảo sát cho biết hoạt động toàn cầu của họ đã bị ảnh hưởng. 78% số công ty cho biết họ thiếu nhân viên đủ để điều hành dây chuyền sản xuất.

Một số công ty, bao gồm Ralph Lauren, đã rời khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và một phần lý do khác là tăng thuế quan của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng nhiều công ty khác thì vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc để sản xuất.

Samsung đã cảm thấy sức nóng vì công ty này đã chuyển lắp ráp điện thoại thông minh sang Việt Nam nhưng cần các nhà quản lý Trung Quốc có kinh nghiệm để điều hành, Peng nói. Cô cho biết các chuyên gia đã trở lại Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán và bị ngăn chặn quay lại với công việc.

Các công ty khác bao gồm các nhà sản xuất ô tô toàn cầu phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường Trung Quốc đang khởi động lại sản xuất nhưng cho biết tốc độ này phụ thuộc vào việc họ có thể có được linh kiện hay không.

Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư sản lượng ô tô toàn cầu và theo UBS cung cấp 8% xuất khẩu linh kiện ô tô toàn cầu. Nhiều công ty sử dụng linh kiện vừa được sản xuất, chỉ nhập khi thực sự cần thiết, kho dự trữ hạn chế khiến sự gián đoạn càng thêm nặng nề.

Volkswagen, thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc, cho biết hôm thứ Hai, những thách thức đối với họ bao gồm: chuỗi cung ứng quốc gia vận hành chậm chạp và logistics tắc nghẽn.

Triển vọng “đen tối” có thể còn kéo dài

Tại Trung Quốc, sản xuất của các nhà máy định hướng xuất khẩu vùng ven biển đã lấy lại trên 70% công suất so với mức bình thường, theo Cong Liang, tổng thư ký của cơ quan kế hoạch, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

"Các công ty đang làm việc thêm ca", Cong nói trong một cuộc họp báo. Ông nhấn mạnh rằng tác động của dịch bệnh chỉ trong một thời gian ngắn và cơ bản là có thể kiểm soát được.

Các dự báo từ khu vực tư nhân lại ít lạc quan như vậy.

Hoạt động kinh tế "có khả năng chỉ đạt 45% so với thông thường", báo cáo của Citigroup cho biết.

Tiêu thụ than, một yếu tố có thể dùng để đo lường hoạt động sản xuất công nghiệp, hiện chỉ bằng 60% mức trung bình của cùng kỳ giai đoạn 2017-19, theo UBS. Trong khi đó, doanh số bán bất động sản là 10% so với bình thường.

Haier Group, một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, cho biết các nhà cung cấp của họ đã trở lại khoảng 80% sản lượng bình thường. Công ty tin rằng các nhà máy riêng của họ sẽ hoạt động bình thường vào cuối tháng Hai.

Một số công ty nhỏ hơn thiếu nguồn lực so với những người khổng lồ công nghiệp toàn cầu nhưng có thể là bộ phận duy nhất của chuỗi cung ứng đang vật lộn để mở cửa trở lại.

Tại thành phố phía Nam của Thâm Quyến, một nhà sản xuất màn hình máy tính đã đóng cửa vì nhiều cán bộ quản lý của họ mắc kẹt tại Hồ Bắc và không thể quay lại làm việc, theo Global S Source, một công ty liên kết người mua với các nhà cung cấp Trung Quốc.

Các nhà sản xuất khác đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế nhưng cho biết các nguồn cung từ nước ngoài khó có thể so với với giá cả hoặc dịch vụ rất phù hợp của Trung Quốc, theo Global S Source.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại