Công ty chứng khoán về tay ngân hàng kinh doanh ra sao?
Những năm gần đây, ngân hàng mua công ty chứng khoán (CTCK) là trào lưu nổi bật trên thị trường chứng khoán. Việc đổi chủ đã mang lại gì cho những CTCK này?
“Thay da đổi thịt”
Một số thương vụ mua CTCK gần nhất là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Chứng khoán ASCS và đổi tên thành Chứng khoán VPBank vào năm 2022.
Cùng năm, Chứng khoán Globalmind Capital được chủ mới mua lại với những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Quốc tế (VIB) sẽ tiếp quản. Globalmind Capital sau đó cũng đã đổi tên và thương hiệu nhận diện thành Chứng khoán KAFI.
Ở một diễn biến tương tự, Chứng khoán Việt Nam Gate Way đổi tên thành Chứng khoán KS (KS Securities) và gia nhập cùng hệ sinh thái với Ngân hàng Kiên Long.
Hồi năm 2019, Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (TPS) và trở thành một phần trong hệ sinh thái của TPBank.
Làn gió mới từ ngân hàng đã đem lại những gì cho các CTCK trên?
Điểm thấy rõ nhất là quy mô vốn. Các CTCK kể trên đều được rót tiền để tăng vốn mạnh. Đáng nói nhất là VPBanksc với cú tăng vốn “khủng” từ 268.8 tỷ đồng năm 2021 lên 15,000 tỷ đồng. Chứng khoán TPS tăng vốn từ 400 tỷ đồng lên 2,000 tỷ đồng sau 3 năm về chung nhà TPBank. KS Securities tăng vốn từ 110.5 tỷ đồng lên hơn 1,000 tỷ đồng. KAFI cũng mạnh tay tăng vốn từ 155 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng.
Làn sóng tăng vốn mạnh sau khi CTCK về tay ngân hàng
Nguồn: VietstockFinance
Đi kèm với những đợt tăng vốn, tổng tài sản của nhóm này cũng nhanh chóng phình to.
Tới cuối năm 2022, tổng tài sản của TPS đạt hơn 6.7 ngàn tỷ đồng, gấp 20.5 lần so với 3 năm trước. VPBanksc nâng tổng tài sản lên hơn 16.1 ngàn tỷ đồng, gấp 57.5 lần, chỉ trong năm 2022.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, kết quả tất yếu của việc nhận nguồn lực lớn là tăng trưởng lớn trong hoạt động kinh doanh. Trong số các công ty kể trên, VPBanksc, KS Securities, TPS đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức trên 100 tỷ đồng. Chứng khoán KAFI cũng ghi lãi gần 20.5 tỷ đồng, tăng mạnh so với giai đoạn trước.
Nhìn chung, lợi nhuận của các công ty này đều khởi sắc sau khi đổi chủ.
Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2015 - 2022 của VPBanksc, KS Securities, KAFI, TPS
Một điểm tích cực khác trong hoạt động kinh doanh là các công ty này cũng bắt đầu tham gia và ghi nhận doanh thu từ các mảng cốt lõi của CTCK như margin và môi giới.
VPBanksc, KS Securities, TPS đều ghi nhận doanh thu môi giới đáng kể so với trước. Tuy nhiên top 10 thị phần vẫn chưa có bóng dáng của các công ty này.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay của VPBanksc tới cuối năm 2022 lên tới gần 3.3 ngàn tỷ đồng (trong đó có hơn 2.8 ngàn tỷ đồng cho vay margin), trở thành công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn thứ 12 toàn nhóm tại thời điểm đó.
Doanh thu môi giới giai đoạn 2015 - 2022 của VPBanksc, KS Securities, KAFI, TPS
Dư nợ cho vay giai đoạn 2015 - 2022 của VPBanksc, KS Securities, KAFI, TPS
* Dư nợ cho vay ở thời điểm cuối từng năm
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả kinh doanh sẽ ra sao khi trụ cột trái phiếu doanh nghiệp lung lay?
Điểm chung của các CTCK này là danh mục tài sản tài chính chủ yếu là trái phiếu. Chẳng hạn, trái phiếu chưa niêm yết chiếm 97% danh mục của VPBanksc (giá trị đạt hơn 7.2 ngàn tỷ đồng), 91% danh mục của KS Securities (giá trị đạt hơn 886.7 tỷ đồng) và 40.5% danh mục của TPS (giá trị của 850 tỷ đồng).
Danh mục tài sản FVTPL của VPBank, KS Securities, TPS
Đvt: Tỷ đồng
Sau khi về tay ngân hàng, kinh doanh trái phiếu, tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu là một trong những trụ cột của các CTCK trên.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước chững lại do cú sốc từ vụ Vạn Thịnh Phát hồi quý 4/2022 và trước đó là Tân Hoàng Minh. Mặt khác, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2023 cũng đang đè nặng lên thị trường chứng khoán khiến tình hình kinh doanh trái phiếu không mấy khả quan.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý 4 vừa qua, có thể thấy rõ dấu hiệu bi quan.
Lãi tự doanh của nhóm Công ty này phần lớn sụt giảm mạnh. Riêng TPS thì tự doanh năm 2022 của Công ty gặp khó và phải báo lỗ một phần do nắm danh mục cổ phiếu không nhỏ.
Kết quả tự doanh quý 4 và 2022 của VPBanksc, KS Securities, KAFI, TPS
Đvt: Tỷ đồng
Chưa kể một vài mảng kinh doanh khác cũng chịu ảnh hưởng. Chẳng hạn, KS Securities báo doanh thu môi giới quý 4/2022 tụt mạnh 99.8% so với cùng kỳ, xuống còn vỏn vẹn 344 triệu đồng. Thậm chí, trong quý, Công ty phải ghi âm 40 tỷ đồng doanh thu lưu ký chứng khoán - mảng chủ lực đóng góp hơn 50% doanh thu hoạt động năm 2022.
Trước những khó khăn năm 2023, liệu các công ty chứng khoán vừa đổi vận trên có duy trì được thành tích kinh doanh?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận