Công ty chứng khoán nội chuyển mình trước áp lực cạnh tranh
Thị trường đang cảm nhận được một “cuộc đua” âm thầm giữa các công ty chứng khoán trong nước với khối công ty chứng khoán ngoại, nhưng là sự cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ.
Khối nội chuyển mình
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) chia sẻ, hoạt động của khối công ty chứng khoán nói chung phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu sự chi phối khá nhiều bởi biến động chứng khoán toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.
Ngoài ra, trong năm 2019, khối công ty chứng khoán ngoại đã có những bước tiến rất mạnh mẽ, đặc biệt ở quy mô vốn, điều này đang tạo thách thức cho các công ty chứng khoán nội. Dù vậy, hoạt động của công ty chứng khoán có nhiều mảng khác nhau và mỗi công ty có một thế mạnh riêng. Với ACBS, Công ty đang tiếp tục củng cố nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân sự, đặc biệt là tập trung phát triển các sản phẩm mới hỗ trợ cho khách hàng giao dịch đồng bộ, thuận tiện hơn.
Những biến động của thị trường chứng khoán và sự chuyển dịch cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán thời gian qua khiến cho hoạt động của nhiều công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể. 9 tháng đầu năm nay, nhiều công ty chứng khoán báo cáo kết quả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng là cơ hội để các công ty chứng khoán trong nước rà soát lại toàn bộ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mỗi công ty, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng; từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thực tế, với lĩnh vực tài chính, nguồn vốn là một trong những yếu tố trọng yếu để các công ty chứng khoán triển khai sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Vậy nên, cuộc đua tăng vốn trong khối công ty chứng khoán dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Ngay sau khi Công ty Chứng khoán Mirae Asset công bố tăng vốn lên 5.455 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cũng đưa kế hoạch nâng vốn điều lệ lên mức 6.009 tỷ đồng để giữ “ngôi vương” về vốn điều lệ trong khối công ty chứng khoán.
Nhiều công ty khác cũng lên kế hoạch tăng vốn, theo nhiều cách khác nhau.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hoạt động của khối công ty chứng khoán vận động theo thị trường chứng khoán, điều quan trọng là làm thế nào để hạn chế bớt sự phụ thuộc vào các yếu tố lên/xuống của thị trường bằng việc hạn chế tự doanh và tập trung vào việc phát triển các dịch vụ. Chiến lược của VNDIRECT trong giai đoạn tới là tiếp tục huy động vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cho vay ký quỹ và hoạt động trên thị trường vốn. Nguồn vốn phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ tối đa tiếp tục được duy trì ở mức 6.000 tỷ đồng như năm 2018. Trên thị trường vốn, Công ty tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư và phân phối trên thị trường; trong đó, vẫn tập trung vào các giao dịch trên thị trường trái phiếu.
Khối công ty chứng khoán nội vẫn đang chiếm ưu thế về thị phần, hiệu quả hoạt động lẫn quy mô khách hàng. Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất vẫn bao gồm những cái tên quen thuộc như SSI, HSC, VCSC, VPS, VNDIRECT…
Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Agribank – Agriseco (AGR) cho rằng, khối công ty chứng khoán ngoại đã có sự phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, do họ được công ty mẹ là định chế tài chính lớn “bơm vốn” mạnh mẽ với chi phí rẻ, điều này tạo ra không ít thách thức đối với các công ty chứng khoán nội. Song, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây cũng là động lực cho các công ty trong nước tìm cách vươn lên khẳng định mình. Đối với Agriseco, Công ty đã ghi nhận những bước chuyển biến tích cực sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện. Chính những thay đổi từ phía Công ty đang tạo dựng thêm niềm tin với khách hàng. 2019 cũng là năm đầu tiên Agriseco hoạt động sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện 2016 - 2018.
“Khi bộ máy tổ chức cơ bản ổn định, chúng tôi tập trung vào phát triển các nghiệp vụ kinh doanh theo hướng tăng trưởng hợp lý, bền vững và hiệu quả; đồng thời, tập trung đôn đốc thu hồi, xử lý các khoản công nợ tồn đọng”, ông Tuấn nói.
Trước đây, Agriseco hầu như chỉ tập trung vào mảng tự doanh trái phiếu, nhưng nay đã cân bằng các nghiệp vụ, củng cố và tập trung phát triển mảng môi giới, đặc biệt tập trung phát triển nhóm khách hàng cá nhân.
Còn với Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty, sự sáng tạo, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, am hiểu thị trường và khách hàng là điều kiện tiên quyết để Công ty tiếp tục phát triển trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh.
“Việc chú trọng xây dựng một cơ cấu quản trị và vận hành chuyên sâu nhưng linh hoạt, tích cực tạo thêm những giá trị gia tăng, làm tiền đề cho các kế hoạch phát triển tiếp theo chính là chất riêng mà TVSI đã và đang trang bị cho giai đoạn phát triển mới”, ông Cường nhấn mạnh.
Tạo niềm tin với khách hàng
Cạnh tranh, nhìn một cách tích cực, chính là động lực cho sự sáng tạo, đổi mới.
Tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), theo Tổng giám đốc Trần Hải Hà, Công ty luôn xác định, mỗi khách hàng là một đối tác riêng biệt, có điều kiện tài chính, mục tiêu đầu tư khác nhau và đều hướng đến mục tiêu tăng trưởng tài chính bền vững. Từ cách tư duy này, MBS nỗ lực sáng tạo, tìm ra các giải pháp đầu tư và tài chính tối ưu cho từng khách hàng cụ thể. Trong hai năm trở lại đây, MBS đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, con người và nâng cấp các sản phẩm dịch vụ nhằm mục tiêu giúp khách hàng nhận diện và đón nhận tốt nhất những cơ hội đầu tư trên thị trường.
Nhìn nhận về bức tranh chung của thị trường chứng khoán trong nước, ông Hà cho rằng, vĩ mô ổn định trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại là một điểm tích cực của thị trường Việt Nam. Tuy vậy, diễn biến và những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại là vô cùng khó lường và sức ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn.
“Kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi cũng như dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2020 sẽ là động lực thúc đẩy thị trường trong năm tới, tạo đà cho các công ty chứng khoán tự vươn mình”, CEO MBS nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, Công ty đang tập trung vào đối tượng khách hàng lẻ, nhóm khách hàng cá nhân nên dựa trên nhu cầu của nhóm khách hàng này để phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm, kỳ vọng và nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
Các công ty chứng khoán được hình thành từ quá trình tái cấu trúc từ một công ty chứng khoán khác đang nỗ lực để mở rộng thị phần. Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Everest (EVS) chia sẻ, có ba yếu tố quan trọng nhất mà khách hàng luôn ưu tiên khi tìm đến công ty chứng khoán và bản thân EVS cũng đang phát triển dựa trên những yếu tố cơ bản này.
Thứ nhất, nguồn lực tài chính từ công ty chứng khoán, sự minh bạch trong hoạt động điều hành của doanh nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, mà trọng tâm là hướng đến khách hàng.
Thứ hai, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt với tiêu chí hàng đầu là sự hiệu quả trong công việc và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng những giải pháp, dịch vụ tài chính, dịch vụ tư vấn đầu tư hiệu quả làm gia tăng giá trị tài sản của khách hàng.
Thứ ba, tiện ích trong việc cung cấp các giải pháp về hạ tầng công nghệ thông tin mang lại sự tiện lợi, giảm thiểu thời gian và chi phí cho khách hàng một cách tối đa.
Sức ép cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ chứng khoán ngày càng gia tăng. Muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc các công ty chứng khoán phải chuyển mình. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh này, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán nói chung sẽ là đối tượng được hưởng lợi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận