Công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn: Đón đầu giai đoạn bùng nổ thị trường?
Mặc dù đã có dấu hiệu chậm lại tuy nhiên cuộc đua tăng vốn của ngành chứng khoán vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo thống kê của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính đến cuối tháng 9/2023, tổng quy mô vốn chủ sở hữu nhóm công ty chứng khoán đạt khoảng 172.702 tỷ đồng, tăng 12,8% so đầu năm. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2019 – 9 tháng 2023 đạt 30,8%/năm.
Một số thương vụ tăng vốn đáng chú ý trong năm 2023 có thể kể đến như Chứng khoán Techcombank (TCBS) thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá 10.000 tỷ đồng và tính đến quý 3/2023, vốn chủ sở hữu của TCBS cao nhất toàn ngành, đạt 22.960 tỷ đồng.
ACBS cũng tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, qua đó lọt top 11 quy mô vốn chủ sở hữu tính tới thời điểm hiện tại.
Trong năm 2024, câu chuyện tăng vốn vẫn sẽ tiếp diễn khi đã có ACBS và HSC đều dự kiến tăng vốn lên trên 7.000 tỷ đồng hay Chứng khoán LPBank (LPBS) dự kiến tăng vốn từ 250 tỷ lên 3.888 tỷ đồng vào đầu năm 2024.
Chứng khoán SSI cũng dự kiến tăng vốn lên gần 20.000 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng tối đa 302,2 triệu cổ phiếu tỷ lệ 100:20 và chào bán tối đa 151,1 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS, ORS) vừa thông báo chào bán thêm 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp nhằm huy động thêm 1.000 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ TPS sẽ nâng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Tăng vốn để tăng cho vay ký quỹ, đón đầu giai đoạn thị trường bùng nổ trung - dài hạn?
Mục đích của việc liên tục tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn vừa qua chính là tăng quy mô cho vay ký quỹ. Theo Quyết định 87/QĐ-UBCK, tổng dư nợ cho vay chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu và dư nợ cho vay đối với 1 mã chứng khoán không được quá 10% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.
Đồng thời, vốn chủ sở hữu lớn hơn giúp các công ty chứng khoán đa dạng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, tăng vốn giúp có thêm nguồn lực để đầu tư số hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán biến động theo hướng tiêu cực trong năm 2022 (VN-index giảm 32,7%) và hồi phục ở mức vừa phải trong năm 2023 (VN-Index tăng 9,7% so đầu năm) cùng với việc tăng vốn liên tục khiến cho hiệu quả hoạt động của các Công ty chứng khoán phần nào bị ảnh hưởng.
Chỉ số ROE trung bình tính đến 9 tháng 2023 chỉ đạt 7,7%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2020 – 2021 và là mức thấp nhất tính từ năm 2014.
Theo quan điểm của KBSV, sẽ cần mất 2-3 năm khi thanh khoản thị trường được cải thiện và các công ty chứng khoán đa dạng hơn các kênh hoạt động, đầu tư, tận dụng tốt hơn phần nguồn vốn tăng thêm để các chỉ số hiệu quả hoạt động cao trở lại như giai đoạn trước.
Quy mô dư nợ cho vay ký quỹ nhóm CTCK theo dõi tính đến 9 tháng 2023 đạt 137.359 tỷ đồng, tăng 35,3% so đầu năm nhờ mức nền thấp cuối năm 2022 khi thị trường giảm mạnh cả về giá và thanh khoản trong giai đoạn này do ảnh hưởng của vụ việc liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu 9 tháng 2023 đạt 79,5%.
Quay trở lại năm 2021 là thời điểm thị trường bùng nổ thanh khoản với giá trị giao dịch trung bình/phiên đạt 25.915 tỷ đồng, tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu cao đỉnh điểm so với lịch sử ngành, đạt 153,8%.
Nhiều thời điểm trong giai đoạn này, một số công ty chứng khoán hết khả năng cho vay do tỷ lệ nợ vay kí quỹ/VCSH chạm ngưỡng 200% theo QĐ 87/QĐ-UBCK.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2022 – 2023, các thương vụ tăng vốn diễn ra liên tục, đã nâng tổng vốn chủ sở hữu của nhóm công ty chứng khoán theo dõi lên 172.702 tỷ đồng, tăng 60,4% so với năm 2021. Điều này giúp cho các công ty chứng khoán đảm bảo khả năng đón đầu nhu cầu vay của khách hàng cho giai đoạn bùng nổ sắp tới của thị trường trong trung – dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận