Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng
Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó.
Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tranh chấp thừa kế tài sản. Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
Vụ án tranh chấp thừa kế tài sản lần này giữa những đồng thừa kế được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua và phát triển thành Án lệ số 16/2017/AL.
Được biết, ông P.V.N và bà P.T.G có 6 người con là: P.T.N1, P.T.N2, P.T.H2, P.V.T, P.T.P, P.T.H1. Tài sản chung của ông N và bà G là 01 ngôi nhà cấp 4 cùng công trình phụ trên diện tích đất 398m2 ở tại khu L, phường M, thành phố N, tỉnh Vĩnh Phúc (nguồn gốc đất do cha ông N để lại).
Năm 1984 ông P.V.N chết (trước khi chết không để lại di chúc), vợ là bà G và anh P.V.T quản lý và sử dụng nhà đất trên. Năm 1991, bà G chuyển nhượng cho ông P.V.K một phần diện tích đất trên với diện tích đất là 131m2, còn lại diện tích 267m2, năm 1999 bà Phùng Thị G được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà G muốn cho con gái là chị P.T.H1 một phần diện tích đất của bà để làm nhà ở nhưng anh P.V.T giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không tách đất cho chị H1 được. Vì vậy, chị P.T.H1 khởi kiện ra Tòa án buộc anh T trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà G. Tòa án đã xử buộc anh Phùng Văn T phải trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng anh T không trả.
Vì vậy tháng 3/2010, bà P.T.G đã lập di chúc với nội dung: Để lại cho chị H1 diện tích đất 90m2 và toàn bộ cây cối lâm lộc trên diện tích đất có các chiều cạnh: Phía Đông giáp diện tích đất của bà G; phía Tây giáp nhà ông N; phía Nam giáp đường T; phía Bắc giáp nhà anh C. Khi lập di chúc bà G hoàn toàn minh mẫn khỏe mạnh, có người làm chứng và di chúc đó đã được UBND phường M chứng thực. Toàn bộ diện tích 398m2 là của bà G vì khi ông P.V.N chết thì bà được toàn quyền sử dụng.
Tháng 12/2010, bà G mất, toàn bộ khối tài sản trên vợ chồng anh T vẫn quản lý sử dụng. Nay các nguyên đơn là (chị P.T.H1, chị P.T.N1, chị P.T.P, chị P.T.H2) yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế theo di chúc, để lại cho chị H1 là 90m2, phần còn lại là 177m2 đề nghị chia theo pháp luật, kỷ phần thừa kế của chị N1, chị P, chị H2 nhường cho chị H1 sử dụng. Ngoài ra, tài sản cây cối trên đất và phần diện tích đất nông nghiệp của bà G thì các nguyên đơn không đề nghị Tòa án giải quyết.
Sau khi xử sơ thẩm và phúc thẩm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên nội dung kháng nghị của Viện trưởng và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng.
Tòa án nhận định một số điểm quan trọng sau: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định diện tích 398m2 đất tọa lạc tại khu phố L, phường M, thành phố V.Y, Vĩnh Phúc có nguồn gốc là tài sản chung vợ chồng ông P.V.N và bà P.T.G.
Việc bà G chuyển nhượng đất cho ông K, các con đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì. Sau đó ông K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà G đã đồng ý để bà G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà G đã bán cho ông K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông K) để chia là không đúng.
Ngoài ra, dù di chúc bà G lập và chứng thực không cùng ngày, nhưng qua ý kiến của UBND phường và lời khai của những người làm chứng trong di chúc thì có căn cứ để xác định lập di chúc khi bà G còn minh mẫn và nội dung di chúc theo ý nguyện của nên Tòa án hai cấp chấp nhận di chúc là có lý, có tình.
Tuy nhiên, diện tích 267m2 đất đứng tên bà G nhưng được hình thành trong thời gian hôn nhân nên phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, bà G chỉ có quyền định đoạt 1/2 diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung. Do đó, phần di sản của bà G để lại là 1/2 khối tài sản (133,5m2) được chia theo di chúc cho chị H1 (con gái) là 90m2, còn lại là 43,5m2 được chia cho 5 kỷ phần còn lại (trong đó chị N2 nhường kỷ phần thừa kế cho anh T; chị H2, chị N1 và chị P nhường kỷ phần cho chị H1). Đối với 1/2 diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung của vợ chồng là phần di sản của ông N để lại nay đã hết thời hiệu chia thừa kế. Anh T là một trong các thừa kế không đồng ý chia, theo quy định tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì không đủ điều kiện để chia tài sản chung nên phần diện tích đất này ai đang quản lý, sử dụng thì được tiếp tục quản lý, sử dụng.
Về phía Tòa án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ diện tích 267m2 đất là di sản của bà để chia theo di chúc cho chị H1 90m2 đất và phần đất còn lại 177,4m2 chia theo pháp luật cho 5 kỷ phần là không đúng.
Như vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 291, Khoản 3 Điều 297 và Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án quyết định: Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2012/DSPT của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2011/DS-ST của TAND thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn chị P.T.H1, chị P.T.N1, chị P.T.H2, chị P.T.P với bị đơn là anh P.V.T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị P.T.N2, chị P.T.H3. Đồng thời, giao hồ sơ cho TAND thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận