Công nghiệp hóa nông nghiệp bằng vốn chính sách
Chính sách mới sẽ tạo thêm động lực, cơ hội để người dân tiếp cận và phát huy tốt hơn nguồn vốn vay
Tháng 3/2019 được gia đình ông Ngô Sỹ Tiền và bà Võ Thị Hào ở đội 8, thôn Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) coi là thời điểm đặc biệt. Thuộc diện hộ mới thoát nghèo, gia đình ông bà đăng ký qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của xã để vay số tiền 100 triệu đồng mua máy gặt lúa phục vụ bà con trong xã vụ Đông - Xuân, thu hoạch vào khoảng tháng 4.
Và thật mừng cho gia đình ông Tiền là từ tháng 3 năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) áp dụng chính sách mới, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng, phù hợp với các đối tượng đầu tư dài hạn.
Cùng với một ít vốn tích lũy được, ông mua 1 máy gặt lúa, đúng vào thời điểm mùa gặt nên gia đình ông được bà con trong xã gọi gặt thuê liên tục. Không những thế, gia đình ông còn được các xã lân cận trong huyện và ngoài huyện gọi gặt thuê.
“Chúng tôi rất biết ơn và trân trọng những đồng vốn của NHCSXH”, ông Tiền nói, “Chính sách mới sẽ tạo thêm động lực, cơ hội để người dân tiếp cận và phát huy tốt hơn nguồn vốn vay”.
Đồng hành với các cấp, các ngành, NHCSXH huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đang lồng ghép nguồn vốn ưu đãi với việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém năng suất sang trồng lúa cao sản và chăn nuôi các cây, con đặc sản… Từ khi được nâng mức cho vay, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có thêm nguồn vốn để đầu tư mua xe ô tô tải, máy cày, máy gặt lúa… để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả có sự đóng góp không nhỏ của các Tổ trưởng Tổ TK&VV |
Bà Trần Thị Thanh, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, mỗi năm gia đình bà sản xuất 2 vụ lúa với tổng diện tích hơn 6 sào ruộng. “Trước đây ra ruộng cực lắm, giờ đây cái gì cũng dùng máy móc cả, đỡ nhiều công sức mà cho hiệu quả cao hơn hẳn”, bà chia sẻ.
Đồng vốn chính sách với cơ chế mới bước đầu đã tạo nên hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Ông Nguyễn Xuân Hào, Phó giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết, trong năm 2018, ngân hàng đã tập trung ưu tiên cho vay giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các vùng nghèo; ưu tiên cho vay tại những xã, những thôn bản có đề án xây dựng nông thôn mới; đồng thời tăng nhanh nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Năm 2018, NHCSXH huyện Lệ Thủy đáp ứng số vốn đầu tư trên 175 tỷ đồng, phục vụ 5.891 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo và gia đình chính sách… Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, ngân hàng đã đầu tư số vốn trên 96,5 tỷ đồng với 2.576 lượt vay vốn.
Cán bộ NHCSXH Lệ Thủy thăm hộ vay vốn Ngô Sỹ Tiền |
Theo ông Nguyễn Xuân Hào, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc.
Và điều này cũng đã thổi một luồng sinh khí mới về Phong Thủy, vốn là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa nước. Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã thực hiện tốt chủ trương quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng đường nội đồng, đường liên thôn, kiên cố hóa kênh mương.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đã góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Đường dẫn ra đồng ruộng được bê tông hóa kiên cố, rất thuận tiện cho việc cày cấy bằng máy.
Giải pháp này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình nghèo phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả, có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận