menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Thị Lâm Oanh

Công nghệ giáo dục hút đầu tư

Giáo dục đang là lĩnh vực được quan tâm.

Dự báo đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 4,4 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó, có hàng trăm dự án khởi nghiệp công nghệ giáo dục (ed-tech) sẽ có cơ hội nhận vốn.

Tiềm năng tăng trưởng trên 44%/năm

Trong khi cuộc thi Ed-tech Việt Nam 2021 do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) khởi động trong tháng 6/2021 để tìm kiếm, phát triển các dự án công nghệ giáo dục, thì một startup nước ngoài là Astrid của Thụy Điển đã âm thầm đổ vốn vào thị trường Việt Nam với ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến được cho là có sức cạnh tranh lớn so với các đối thủ hiện có trên thị trường.

Ông Andreas Kullberg - nhà đồng sáng lập của Astrid cho biết, nền tảng thành viên được xây dựng thành công từ ứng dụng game Candy Crush, việc tích hợp học tiếng Anh của Astrid sẽ thu hút được đông đảo người dùng tại Việt Nam. Từ đó phổ biến một cách thức vừa chơi vừa học trực tuyến có thể cạnh tranh được với các ứng dụng ed-tech hiện có như Yola, Elsa và Duolingo.

Theo Công ty Tư vấn Quản lý OCD, hiện nay lĩnh vực ed-tech tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài đang “xếp hàng” để chờ cơ hội gia nhập thị trường. Các chuyên gia tại OCD dẫn báo cáo từ tổ chức Ken Research dự báo, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023.

Tổ chức Edtech Agency có trụ sở tại Hà Nội cũng dự báo, trong giai đoạn 2021 - 2025, thị trường ed-tech tại Việt Nam sẽ phát triển liên tục 3 giai đoạn chính: cung cấp nội dung học tập trực tuyến – phát triển mạnh mô hình kinh doanh B2C (từ doanh nghiệp cung cấp đến thẳng người dùng) - và ứng dụng ngày càng nhiều các công nghệ AI, AR, VR, Robot… trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt theo đánh giá của Edtech Agency, đến thời điểm hiện tại Việt Nam là một trong số 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng ed-tech lớn nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư vào các startup lĩnh vực này tại Việt Nam hiện khoảng 20,2 triệu USD, tăng trưởng khoảng 44,3% trong 2 năm vừa qua.

Trong khi đó các báo cáo của Do Ventures cũng nhận định rằng lĩnh vực ed-tech hiện nay là lĩnh vực đang được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực giai đoạn 2019-2020 này là 103 triệu USD, chỉ xếp sau lĩnh vực thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD).

Khối ngoại sẽ tiếp tục lấn lướt

Theo nhận định của OCD, hiện nay các sản phẩm ed-tech của các doanh nghiệp quốc tế chiếm áp đảo trên thị trường. Các công ty nội, những startup lĩnh vực này chủ yếu là dự án mới gia nhập thị trường, tập trung vào “chuyển ngữ sang tiếng Việt” hoặc “scan” công nghệ lõi nên khả năng đa dạng sản phẩm và thu hút vốn đầu tư là khá hạn chế.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hai mô hình thâm nhập thị trường đang được ưa chuộng hiện nay là hợp tác thành lập công ty cổ phần và phát triển các chi nhánh từ tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở những nước có nền tảng giáo dục hiện đại. Thực tế, mô hình hợp tác thành lập công ty cổ phần đang được Apax English triển khai khá thành công tại Việt Nam, vì chỉ sau 5 năm, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này đã thành lập và vận hành gần 130 trung tâm tiếng Anh lớn nhỏ ở hầu hết các thành phố lớn.

Thực tế trên thị trường, từ cuối năm 2020 đến nay lĩnh vực ed-tech đã diễn ra khá nhiều thương vụ đầu tư, mua bán chuyển nhượng. Trong năm qua Tập đoàn Galaxy đã đầu tư nguồn vốn hàng triệu USD vào ứng dụng Hocmai. Trước đó không lâu, quỹ đầu tư Do Ventures cũng đã đầu tư 3 triệu USD vào ứng dụng Manabie để cung cấp phần mềm học trực tuyến cho học sinh phổ thông trung học tại TP.HCM. Trong khi đó, các startup mới nổi như ELSA, Equest, Amber… hiện nay cũng đã thành công trong việc kêu gọi vốn từ các quỹ mạo hiểm và các quỹ đầu tư nước ngoài với số vốn hàng chục triệu USD.

Riêng phần hợp tác thanh toán học phí học trực tuyến thông qua các ứng dụng ed-tech, đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các NHTM và các công ty fintech đều sẵn sàng cung ứng các dịch vụ thanh toán online qua app di động và các ví điện tử. Hiện nhiều ed-tech lớn có mặt kinh doanh tại Việt Nam như Yola, Elsa, Topica, Apax... đều đã hợp tác sử dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt của các fintech và ngân hàng để thu và quản lý học phí. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh như hiện nay, ngành giáo dục ở nhiều địa phương cũng đã tuyệt đối áp dụng hình thức học trực tuyến thông qua các ứng dụng ed-tech và không triển khai thu học phí bằng tiền mặt.

Ngân sách chi cho ed-tech chưa đáng kể

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 5 giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục tăng trên 32,2%. Riêng trong năm 2020, con số chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 258,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi tiêu công cho cấp học phổ thông và mầm non vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (70%), đầu tư cho giáo dục đại học chiếm gần 15%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó tỷ lệ chi cho các sản phẩm ed-tech chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có khoảng trên 450 chương trình giáo dục đào tạo quốc tế đang hoạt động. Hiện cả nước có khoảng trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư 4,4 tỷ USD, tăng hơn 320 dự án FDI so với 5 năm trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại