Condotel, homestay là mô hình tốt để huy động đầu tư xã hội vào hạ tầng du lịch
Sáng nay 14/12, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn "Hành lang pháp lý cho thị trường Condotel". Diễn đàn nhằm đưa ra những kiến nghị, góp ý để loại hình bất động sản du lịch kiểu mới như condotel ngày một phát triển bền vững.
Homestay, condotel là động lực giúp ngành du lịch tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Tại Diễn đàn, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhắc lại câu chuyện, khoảng 15 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lúc đó Chính phủ đã mời nhóm nghiên cứu từ trưởng Đại học Harvard xây dựng báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh Việt Nam.
“Tại báo cáo này, nhóm nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới. Hàm ý của câu hỏi này không phải là để Việt Nam trở thành nơi cung cấp lương thực thực phẩm mà trở thành điểm đến du lịch hành đầu thế giới. Câu hỏi này cũng cho thấy tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, Việt Nam với vị trí địa lý quan trọng đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch. Trong một nghiên cứu của một tổ chức thế giới thì Việt Nam là một trong 20 quốc gia hàng đầu về du lịch, nếu tận dụng thế mạnh du lịch chúng ta có thể trở thành 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới, đặc biệt là kinh tế du lịch. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang đang trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch.
Năm 2019, Việt Nam đón khoảng từ 15 đến 17 triệu lượt khách du lịch. Để du lịch Việt Nam có thể tận dụng những loại mô hình mới, Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam cần tháo gỡ những điểm nghẽn để du lịch có thể phát triển. Một trong nhưng điểm nghẽn cản trở sự phát triển của du lịch Việt chính là cơ sở hạ tầng, là hệ thống bất động sản của du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú chất lượng cao.
Theo Chủ tịch VCCI, trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú thì cần sự chung tay của cả xã hội, mà gợi ý của mô hình kinh tế chia sẻ là vô cùng quan trọng. Homestay, condotel… là những mô hình mới có thể huy động được nguồn lực xã hội vào việc phát triển của cơ sở hạ tầng và du lịch của nước ta.
Cũng theo Chủ tịch VCCI để phát triển những mô hình kinh doanh mới thì cần đảm bảo sự minh bạch và nhất quán trong hệ thống pháp luật. Sự minh bạch nảy sẽ đảm bảo sự an tâm cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư để họ có thể đầu tư dài hạn.
Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy định sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà chung cư, công trình căn hộ du lịch (codoltel), biệt thư du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê.
Đồng thời, Bộ Xây dựng phải ban hành quy chế quản lý, vận hành loại công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Thời hạn để Bộ Xây dựng hoàn thành nội dung nêu trên là trong năm 2019.
Condotel cần giải quyết ách tắc về quyền sở hữu đất dài hạn
Theo số liệu được Bộ Xây dựng đưa ra, hiện có khoảng 148 dự án condotel của 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Trong giai đoạn 2017 – 2019 ước tính có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Trong đó, condotel tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Các thông tin thảo luận tại Diễn đàn sáng nay cho thấy, đầu tư condotel sẽ có lợi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vì tiết kiệm đất đai đồng thời tạo động lực cho sự tăng trưởng của các nhóm ngành liên quan như xây dựng, dịch vụ và đặc biệt là du lịch –lĩnh vực đang được chúng ta định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lợi ích thấy ngay là sự bổ sung mạnh mẽ cơ sở lưu trú cao cấp, qua đó thúc đẩy du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, thu hút nguồn ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, đồng thời giúp khai thác tiềm năng sẵn có của quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Với doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn minh bạch, hợp pháp và hiệu quả. Dòng tiền đổ vào condotel đến từ nguồn vốn xã hội, tức là đi từ nhu cầu thực tế và bền vững, ít rủi ro, giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế. Với nhà đầu tư thứ cấp, condotel vừa giúp họ được sở hữu tài sản vừa mang lại thu nhập ổn định từ khai thác cho thuê mà không phải tự quản lý tài sản, tự kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường condotel đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: Thứ nhất, cùng với sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt của các dự án trong phân khúc này, những cam kết về lợi nhuận ngày càng được các nhà phát triển địa ốc đưa ra thường xuyên hơn, với những con số hấp dẫn hơn. Và thực tế sau 2-3 năm đi vào vận hành, bên cạnh các chủ đầu tư đang chật vật để duy trì việc chi trả cam kết lợi nhuận thì ở một số dự án đã xảy ra tình trạng "vỡ trận" như dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây.
Thứ hai, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về tên gọi tiếng Việt của condotel trong hệ thống pháp luật (chỉ có Luật Du lịch có quy định về căn hộ du lịch), các pháp luật khác chưa có quy định về các loại hình công trình này, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các công trình này gặp vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất. Quy định về quản lý vận hành condotel còn thiếu đồng bộ khi chưa có quy định cụ thể.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, các bất động sản du lịch kiểu mới có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, động viên được toàn dân tham gia làm du lịch dựa trên tạo hiệu suất cao trong sử dụng bất động sản của kinh tế chia sẻ. Cần chuyển từ tư duy kinh tế truyền thống, sang tư duy kinh tế chia sẻ để sửa đổi pháp luật đất đai. Mục tiêu chính là kinh tế du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn.
“Phải giải quyết sớm nhất cho condotel sử dụng đất dài hạn, sẽ giải quyết toàn bộ ách tắc ngày hôm nay”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Theo phân tích của Giáo sư Đặng Hùng Võ, gần đây các bộ đều có ý kiến bất động sản kinh doanh du lịch, hầu hết các ý kiến đều cho rằng sở hữu đất có thời hạn. Nhưng với tâm lý của người Việt Nam, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ không bỏ tiền vào đó vì họ không yên tâm, họ muốn sở hữu dài hạn. Khi không thu hút được vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, các chủ dự án không có tiền để đầu tư.
Vì nguồn vốn rót vào bất động sản hiện nay khá nhỏ giọt, con đường sử dụng tín dụng và chứng khoán vào bất động sản rất hẹp. Nên phương thức bán nhà trên giấy, là cơ chế huy động vốn từ bất động sản hình thành trong tương lai là cực kỳ phù hợp với Việt Nam. Với condotel chủ dự án chỉ cần vốn hình thành nền móng, còn lại là vốn chủ đầu tư thứ cấp rót vốn vào để hình thành tài sản. Nếu không tháo gỡ vấn đề sở hữu dài hạn, nhà đầu tư thứ cấp không rót tiền nữa thì các dự án sẽ không có vốn, như Cocobay đã phải ngừng đầu tư tiếp và cuối năm ngừng trả lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận