Cơn sốt công ty séc trắng tiếp diễn: Mức huy động vốn của quý 1/2021 vượt cả năm 2020
Chỉ trong quý 1/2021, các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC, hay còn gọi là công ty séc trắng) đã huy động vốn vượt mức kỷ lục của năm 2020. Điều này phản ánh nhu cầu cao đến ngất ngưỡng của giới đầu tư dành cho các công ty séc trắng này.
Tính từ đầu năm 2021, các công ty SPAC đã huy động được 79.4 tỷ USD trên toàn cầu, vượt mức 79.3 tỷ USD hồi năm 2020, theo công ty cung cấp dữ liệu Refinitiv. Trong năm 2021, nay đã có 264 công ty SPAC mới được thành lập và cũng vượt kỷ lục năm 2020 là 256 công ty.
Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là những công ty được thành lập bởi một nhóm nhỏ các nhà đầu tư sành sỏi hoặc các chuyên gia đầu ngành và tiến hành huy động vốn thông qua phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục tiêu duy nhất là thu mua hoặc sáp nhập với một công ty chưa niêm yết đang hoạt động.
Ở một khía cạnh nào đó, SPAC được thành lập với mục đích tạo điều kiện cho các công ty chưa niêm yết thuận lợi khi niêm yết thông qua quá trình sáp nhập ngược (reverse merger).
Những người thành lập nên SPACs còn được gọi là những nhà tài trợ SPAC (SPAC Sponsors) hoặc nhà quản trị SPAC (SPAC managers) hoặc nhà bảo trợ SPAC (SPAC promoter).
Các công ty SPAC đã trở thành món hàng ưa thích trên Phố Wall trong năm qua giữa bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và dòng tiền dư dả từ các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao.
Các nhân vật nổi tiếng trên Phố Wall từ Michael Klein và Bill Ackman cho tới ngôi sao thể thao Shaquille O’Neal và Alexander Rodriguez đều huy động vốn thông qua SPAC. Thế nhưng, nhịp độ niêm yết quá nhanh chóng – nhất là từ những tổ chức hậu thuẫn với ít chuyên môn tài chính – đã làm dấy lên lo ngại về khả năng thị trường quá nhiệt.
“SPAC là một sản phẩm tốt, nhưng khối lượng đã trở nên quá kinh khủng trong năm nay, vì vậy thị trường có thể bị khó mà hấp thụ hết trong thời gian tới”, Rob Fullerton, Trưởng bộ phận tài chính tại Jefferies, cho hay.
“Số lượng nhà đầu tư nhảy vào thị trường SPAC thật sự khiến tôi choáng ngợp”, David Schwimmer, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán London, cho biết. Ông đã cảnh báo trước đó rằng thị trường SPAC tại Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu bong bóng và có thể kết thúc chẳng mấy tốt đẹp với một số nhà đầu tư đến sau.
Phần lớn trong 257 công ty SPAC được thành lập trong năm 2021 được niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động trên thị trường SPAC bên ngoài nước Mỹ cũng ngày càng sôi động hơn. Ở châu Âu, Amsterdam nổi lên là trung tâm cho các công ty séc trắng tại châu Âu, bỏ xa London.
Chỉ có 1 công ty SPAC niêm yết trên LSE kể từ đầu năm 2021, do các rào cản quy định tại Anh làm phức tạp hóa quá trình niêm yết. Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo nước Anh đã kêu gọi nới lỏng quy định để thu hút các đợt niêm yết của công ty séc trắng, thậm chí khi các dấu hiệu bong bóng trên thị trường SPAC ngày càng nhiều.
Các nhà bán khống gần đây đã tăng bán khống các công ty SPAC. Kể từ đầu năm 2021, giá trị của các vị thế bán khống SPAC đã cao hơn gấp 3 lần, từ mức gần 800 triệu USD lên 2.8 tỷ USD, theo dữ liệu từ S3. Churchill Capital Corp IV của ông Klein có vị thế bán khống SPAC lớn nhất với trị giá 373 triệu USD.
Các canh bạc đi ngược với SPAC tới nay vẫn lãi 15% khi các chỉ số bám sát theo SPAC giảm. Defiance Next Gen Spac Derived ETF – quỹ ETF bám sát theo các công ty séc trắng – đã giảm hơn 14% kể từ đỉnh tháng 2/2021. Tuy vậy, những nhà tài trợ cho SPAC dường như không bối rối trước đà giảm này.
“Nếu một tổ chức tài trợ cho SPAC đã có một thỏa thuận thành công trong năm 2020, họ sẽ không trở lại thị trường chỉ với 1 công ty SPAC mà thường đến với 2,3 hoặc 4 công ty SPAC mới”, Mark Brod, Đối tác tại Simpson Thacher, cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận