menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Đình Phúc

Còn nhiều việc phải làm để thực thi hiệu quả cơ chế mua bán điện trực tiếp

Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (gọi tắt là cơ chế DPPA) được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Việc thực thi hiệu quả cơ chế DPPA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu lớn, đó là: đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện, góp phần thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mặc dù có hiệu lực ngay khi ban hành (từ 3/7/2024), song vẫn còn nhiều việc phải làm để thực thi hiệu quả cơ chế DPPA.

Theo Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ, cơ chế DPPA quy định 2 hình thức tham gia mua bán điện trực tiếp bao gồm qua “Đường dây kết nối riêng” và qua “Lưới điện quốc gia”.

Đối với việc mua bán điện trực tiếp - qua đường dây kết nối riêng, là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Còn nhiều việc phải làm để thực thi hiệu quả cơ chế mua bán điện trực tiếp
Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

Đối với việc mua bán điện trực tiếp - qua lưới điện quốc gia, là hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Nghị định này bao gồm: (1) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh; (2) Khách hàng sử dụng điện lớn, hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với tổng công ty điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu; (3) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Trước những câu hỏi liên quan đến việc ký /thực thi và phá bỏ hợp đồng theo cơ chế DPPA, theo ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, đối với việc mua bán điện trực tiếp - qua đường dây kết nối riêng là mối quan hệ hợp đồng dân sự, giá điện do thoả thuận giữa bên mua và bên bán, Bộ Công Thương không can thiệp vào giá điện nên việc phá vỡ hợp đồng cũng thuộc thẩm quyền dân sự giữa các bên.

Về việc mua bán điện trực tiếp - qua lưới điện quốc gia, ông Phạm Quang Huy cho biết: “Đối với mua điện qua lưới điện quốc gia thì đây là một mối quan hệ tương đối là tương hỗ lẫn nhau, và khi chúng ta bán điện vào trong hệ thống qua giá thị trường giao ngay, và mua ra theo giá trị giao ngay, và có ký hợp đồng chênh lệch dạng CB.

Khi một trong ba hợp đồng này mà bị chấm dứt thì cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ cũng như sự tương hỗ trong việc mua bán này. Cho nên, khi nghiên cứu về nguyên tắc mua bán điện thì chúng tôi cho rằng, việc mua bán điện qua thị trường điện là một hình thức gần như không bao giờ có việc tạm dừng hay chấm dứt - nếu như không có những tác động lớn (được quy định tại Thông tư 45 của Bộ Công Thương) đó là những trường hợp bất khả kháng xảy ra trong thị trường điện cũng như là các hình thức tấn công từ phía bên ngoài.

Còn nhiều việc phải làm để thực thi hiệu quả cơ chế mua bán điện trực tiếp
Ảnh minh họa - KT

Theo quy định của Nghị định 80/NĐ-CP, các khách hàng sử dụng từ 200.000 kWh điện/tháng sẽ được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Như vậy, cả nước sẽ có hơn 7.700 khách hàng sử dụng điện lớn được phép tham gia cơ chế này. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng điện thương phẩm của hơn 7.700 khách hàng lớn hiện chiếm khoảng 39% sản lượng điện toàn hệ thống. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi mất đi các khách hàng lớn cũng như phải điều chỉnh lại tất cả các phương thức mua bán điện.

Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà sản xuất và phân phối điện, ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định cơ chế DPPA là bước quan trọng để thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cũng như đem lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên. Đồng thời, EVN đã và đang tích cực các phần việc của mình để có thể thực hiện ngay Nghị định này.

“Trong Nghị định này thì có 2 cơ chế liên quan trực tiếp đến Tập đoàn. Thứ nhất là cơ chế bán điện lên lưới điện quốc gia. Đối với lĩnh vực này thì trong quá trình Bộ Công thương soạn thảo Nghị định, Tập đoàn đã tổ chức rà soát các quy trình quản lý nội bộ, và đặc biệt trong tháng 7 này chúng tôi sẽ hoàn thiện rà soát quy trình quản lý nội bộ để nó phù hợp với các quy định của Nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên, các Tổng công ty điện lực, công ty mua bán điện sẽ triển khai được ngay.

Ngoài ra, đối với trách nhiệm của Tập đoàn liên quan đến việc phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng giá truyền tải, giá phân phối, phí dịch vụ và các cơ chế liên quan đến Luật giá cũng như quy định tại Nghị định này thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Cục điều tiết điện lực để sớm ban hành được, để các cơ chế liên quan đến hệ thống điện quốc gia thì được đưa vào vận hành ngay” - ông Võ Quang Lâm nói.

Tại hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: “Cục điều tiết điện lực và Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương; Đồng thời tham mưu, kiến nghị các bộ, ngành hữu quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các Thông tư hướng dẫn (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp không có vướng mắc và trở ngại lớn.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần - giá công suất, giá điện năng, và phải trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 8/2024. Đồng thời với nó là nghiên cứu, đề xuất cơ chế tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, cũng phải xong trước tháng 9/2024, vì đây là hai cơ chế có liên hệ rất mật thiết với cơ chế DPPA, với cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái sắp tới chúng ta ban hành”.

Theo các tổ chức, doanh nghiệp, trong trước mắt, Bộ Công Thương cần tổ chức sớm các lớp đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp của ngành điện, các Sở Công Thương địa phương để đảm bảo việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) một cách đồng bộ, thống nhất và chính xác theo quy định của Nghị định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả