Còn nhiều bất cấp, vậy sửa Nghị định 20 như thế nào?
Dưới sức ép của doanh nghiệp, Chính phủ gần đây liên tục thúc giục Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi. Tình hình cấp bách đến mức Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi theo quy trình “rút gọn.”
Bản thân Bộ Tài chính có vẻ cũng “xuôi” theo hướng nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% - mức cao nhất theo khuyến cáo của OECD.
Trước tiên cần lưu ý rằng NĐ 20 không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế. Các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận các nguồn vốn từ các bên độc lập theo giá thị trường, miễn là một số nội dung của Nghị định có sự chỉnh sửa để tạo thuận lợi cho việc thực thi của các doanh nghiệp, đặc biệt là nội dung liên quan đến vay nợ từ một bên thứ ba độc lập (xem ở dưới).
Một doanh nghiệp có chịu sự điều chỉnh của NĐ 20 hay không phụ thuộc vào hai điều kiện: (i) mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, và do vậy là tỷ lệ lãi vay/EBITDA) và; (ii) có các giao dịch liên kết hay không. Trước tiên xét về tình trạng vay nợ, theo tính toán từ bộ dữ liệu điều tra doanh nghiệp các năm, trung bình trong giai đoạn 2013-2017, các DNNN có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là khoảng 1,8, cao hơn so với khối doanh nghiệp FDI (1,6) nhưng thấp hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,9). Nếu xét theo ngành nghề, DNNN trong một số ngành nghề có hệ số nợ/vốn chủ cao hơn hẳn hai khu vực còn lại như chế biến chế tạo, tài chính, xây dựng, tiện ích (điện nước). Tỷ trọng DNNN có hệ số nợ/vốn chủ 3 cũng cao nhất so với các khu vực khác. Ví dụ vào năm 2017, số DNNN có hệ số nợ/vốn chủ 3 là 536 doanh nghiệp, chiếm 20,1% tổng số DNNN; con số tương ứng của khu vực FDI là 2074 doanh nghiệp (chiếm 17,2% tổng số DN FDI), của khu vực ngoài nhà nước là 57038 doanh nghiệp (chiếm 12,8% tổng số DN ngoài nhà nước).
Mức độ sử dụng đòn bẩy của khu vực DNNN là rất cao. Hệ quả là, chi phí lãi vay/EBITDA của khu vực này cũng cao hơn hẳn so với khu vực FDI (23% so với 14%). Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước, mặc dù có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ xấp xỉ khu vực DNNN, nhưng lại có chi phí lãi vay/EBITDA lớn nhất, khoảng 40% (Bảng 1). Điều này có thể là do khu vực này phải tiếp cận vốn vay với lãi suất cao hơn và/hoặc kém hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau.
Thống kê số lượng doanh nghiệp có Chi phí lãi vay/EBITDA theo các mức độ khác nhau thì có kết quả như sau. Ví dụ, vào năm 2016, số DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA 20% của khu vực DNNN là 546 doanh nghiệp (chiếm 22,7% tổng số DNNN), của khu vực FDI là 2044 doanh nghiệp (chiếm 15,0% tổng số DN FDI), của khu vực ngoài nhà nước là 62894 doanh nghiệp (chiếm 13,7% tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước) - xem Bảng 2.
Như vậy, DN ngoài nhà nước là khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay/EBITDA là lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là khối doanh nghiệp ít có quan hệ liên kết nhất nên ít chịu sự điều chỉnh của NĐ 20. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 3 và tỷ lệ lãi vay/EBITDA 20% trong khu vực DNNN là lớn nhất (lần lượt là 20,1% và 22,7%). DNNN cũng là nhóm doanh nghiệp có nhiều hoạt động liên kết nhất thông qua mô hình tập đoàn và tổng công ty. Đây chính là lý do tại sao NĐ 20 gặp nhiều sự phản đối từ nhóm doanh nghiệp này.
Khu vực FDI hầu như không có hoạt động vay nợ trong nước, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này là thấp nhất nhưng không quá xa hai khu vực còn lại (1,6 so với 1,8). Điều này chứng tỏ khu vực FDI chủ yếu có vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể là từ các công ty liên kết ở nước ngoài. Trong năm 2016, có khoảng 15% số doanh nghiệp trong khu vực FDI có tỷ lệ lãi vay/EBITDA 20%, và chỉ khoảng 10,6% số doanh nghiệp trong khu vực này có tỷ lệ lãi vay/EBITDA 30%.
Lưu ý rằng, trong số những doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay/EBITDA 20% thì không phải doanh nghiệp nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số doanh nghiệp thực sự chịu sự điều chỉnh của NĐ 20 còn thấp hơn nữa. Khối này hầu như cũng không có phản ứng gì kể từ khi NĐ 20 có hiệu lực. Do vậy, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI, và cả khu vực DN trong nước hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số doanh nghiệp.
Ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần lãi vay được khấu trừ thuế còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Tương tự, nó cũng giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân với DNNN vốn có lợi thế hơn về khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Rõ ràng, việc những tập đoàn như EVN hay TKV đứng ra vay nợ rồi cho các công ty thành viên vay lại sẽ dễ dàng và hưởng lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với việc từng công ty thành viên đi vay, tạo ưu thế lớn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do vậy, việc thắt chặt trần lãi vay được khấu trừ thuế từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của FDI với DN trong nước, của DNNN với DN tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thậm chí, trong tương lai Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các công ty liên kết. Ngay bản thân với các khoản vay độc lập, tỷ lệ lãi vay được khấu trừ thuế cũng cần được khống chế ở một mức trần nào đó để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các doanh nghiệp, và do vậy là hệ thống ngân hàng. Liên quan đến điều này, nhiều nước OECD hiện nay đã đưa ra quy định về vốn mỏng (thin capitalization) dựa trên một tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhất định (phổ biến là 3). Bất kỳ doanh nghiệp nào có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vượt mức quy định thì phần lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá quy định sẽ không được khấu trừ thuế. Thị trường chứng khoán không thể phát triển và doanh nghiệp không thể bớt phụ thuộc vào vốn vay tín dụng nếu Chính phủ không có những quyết sách và định hướng rõ ràng làm lành mạnh hệ thống tài chính.
Và như phân tích trong phần I, để giảm động cơ trốn tránh thuế qua kênh chuyển lãi vay trong dài hạn, chính sách thuế nên xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa vốn vay và vốn cổ phần. Đây cũng chính là khuyến cáo của Mạng lưới Công bằng Thuế toàn cầu.
Tuy nhiên, NĐ 20 không phải là không có những điều bất hợp lý. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ tốt Nghị định và tránh được những rào cản. Những lưu ý/thay đổi sau nên được thực hiện.
Mức khống chế trần chi phí lãi vay cần được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Vietnamnet dẫn lời bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng việc khống chế chi phí lãi vay không nên áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ – công ty con có cùng một mức thuế suất. Theo tôi điều này là không chính xác. Bởi vì, giả sử công ty mẹ có lỗ còn công ty con có lợi nhuận, thì theo luật định công ty mẹ không phải nộp thuế còn công ty con phải nộp thuế TNDN tương ứng theo lợi nhuận kiếm được. Tuy nhiên, bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty con sang công ty mẹ (thông qua vay nợ), công ty mẹ có thể sẽ bớt lỗ (vẫn không phải nộp thuế) nhưng công ty con sẽ chỉ còn phải nộp một khoản thuế ít hơn bởi đã chuyển một phần lợi nhuận sang công ty mẹ. Hơn nữa, các tập đoàn hay TCT nhà nước hiện nay gồm nhiều công ty thành viên có cấu trúc sở hữu khác nhau (có công ty TNHH 1 TV 100% vốn nhà nước, có công ty đã cổ phần hóa), việc điều tiết lợi nhuận từ các công ty 100% vốn nhà nước sang các công ty CPH một cách giả tạo có thể không chỉ giúp giảm nghĩa vụ thuế mà còn làm thất thoát tài sản của cổ đông nhà nước.
Chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của NĐ20. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty khác không đồng tình với việc quy định chi phí lãi vay để tính khấu trừ thuế bao gồm cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập (như trả lời của Bộ Tài chính qua Công văn 3790/TCT–DNL). Phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu bởi mục đích của NĐ 20 là quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết nhằm chống trốn tránh thuế. Tuy nhiên, Nghị định lại đưa cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập vào diện điều chỉnh là không phù hợp. Điều này cản trở doanh nghiệp trong việc huy động vốn và gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (bất kể với ai) và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết. Do vậy, miễn là bên cho vay độc lập với bên đi vay, và độc lập cả với những doanh nghiệp mà bên đi vay có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay nên được khấu trừ hoàn toàn khỏi thu nhập chịu thuế của bên đi vay.
Chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ kí kết trước thời điểm NĐ20 có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ. Những doanh nghiệp có giao dịch liên kết và vay nợ lớn có thể bị động khi NĐ20 ra đời. Hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên rất phổ biến ở các tập đoàn. NĐ 20 ra đời có thể đẩy những doanh nghiệp đang có những hợp đồng vay nợ dài hạn kí kết từ năm 2017 trở về trước vào thế bị động. Với những trường hợp như vậy, chi phí lãi vay nên được miễn trừ khỏi sự điều chỉnh của NĐ 20.
Cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Điều này giúp các doanh nghiệp mới thành lập thường chịu lỗ trong giai đoạn đầu sau thành lập có thể giảm gánh nặng tài chính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn. Thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có đầu tư lớn vượt một con số nhất định.
Việc chỉnh sửa là cần thiết, tuy nhiên cần phải đảm bảo rằng NĐ 20 có hiệu lực trong việc chống được hành vi trốn thánh thuế TNDN và hướng hệ thống tài chính phát triển lành mạnh trong dài hạn. Chính sách "doanh nghiệp túy" quá chưa chắc đã hay.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận