menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Con đường tiến đến tự chủ chip của Trung Quốc có thuận lợi?

Trong khuôn khổ chiến lược hướng tới mục tiêu tự chủ công nghệ chip, nhiều hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu đó bởi quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài và tương đối tụt hậu trên thị trường chip.

Thêm vào đó, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh cho tới ôtô, chip đang trở thành nhân tố chính trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2021, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đã có các động thái lớn liên quan tới chip. Hồi tháng 8, gã internet khổng lồ Baidu ra mắt Kunlun 2, con chip trí tuệ nhân tạo thế hệ thứ hai. Mới đây, hãng thương mại công nghệ Alibaba (NYSE:BABA) ra mắt con chip thiết kế riêng cho máy chủ và hệ thống điện toán đám mây. Còn nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo cũng đang phát triển bộ vi xử lý cao cấp dành riêng cho sản phẩm của mình. Những động thái trên giúp Trung Quốc bước gần hơn tới mục tiêu tự chủ công nghệ chip nhưng chỉ như “muối bỏ bể”. Nguyên nhân là, dù thiết kế được con chip riêng, các công ty này vẫn phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài trong khâu sản xuất cũng như chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, khi nhìn vào thông số cụ thể của các con chip nội địa Trung Quốc càng cho thấy sự phụ thuộc của quốc gia này vào công nghệ nước ngoài. Ví dụ, con chip Yitian 710 mới của Alibaba được phát triển dựa trên nền tảng cấu trúc của hãng chip Arm đến từ Anh. Con chip này cũng được xây dựng trên tiến trình 5 nanomet – công nghệ chip tiên tiến nhất hiện nay. Trong khi đó, con chip Kunlun 2 của Baidu dựa trên tiến trình 7 nanomet. Còn Oppo được cho là đang phát triển con chip 3 nanomet. Việc không có năng lực sản xuất những con chip công nghệ cao ở kích thước nhỏ như thế này là một thách thức với Trung Quốc. Hiện tại, nước này phụ thuộc vào 3 công ty – Intel (NASDAQ:INTC) của Mỹ, TSMC của Đài Loan và Samsung (KS:005930) của Hàn Quốc.

Cuộc đua với các đối thủ là nhà sản xuất chip lớn nhất trên thế giới

SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, hiện vẫn thua xa các đối thủ về công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở khâu sản xuất. Kể cả những công ty như TSMC và Intel cũng phụ thuộc vào thiết bị và công cụ sản xuất từ các công ty khác. Quyền lực ở đây thuộc về công ty Hà Lan ASML – công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo máy móc sản xuất các loại chip cao cấp nhất.

Việc phụ thuộc vào các công ty nước ngoài khiến doanh nghiệp Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị, như trường hợp của SMIC và Huawei.

Huawei đã thiết kế bộ vi xử lý smartphone của riêng mình có tên Kirin. Con chip này được phát triển dựa trên những công nghệ mới nhất và giúp công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2019, Huawei bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” thương mại, bị hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ. Năm ngoái, Washington ra quy định yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải xin giấy phép mới được bán chip cho Huawei. Con chip của Huawei hiện do TSMC sản xuất. Từ khi có quy định trên của Mỹ, TSMC đã dừng sản xuất cho Huawei, gây ảnh hưởng lớn tới mảng smartphone của công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, trên thế giới, các chính phủ cũng xem chất bán dẫn là công nghệ mang tính chiến lược với quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, thu hút các nhà sản xuất chip đầu tư vào Mỹ. Hồi tháng 3, Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD xây 2 nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ. Nhìn chung, chính quyền của ông Biden đang muốn đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn đang quá tập trung tại khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, các quốc gia đồng minh cũng đang hợp tác với nhau để đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn của mình. Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – còn gọi là Bộ Tứ (Quad), hồi tháng 9 công bố thành lập sáng kiến chuỗi cung ứng bán dẫn nhằm xác định những điểm dễ tổn thương và đảm bảo khả năng tiếp cận chất bấn dẫn cũng như các linh kiện quan trọng khác.

Cuối cùng, về phía Trung Quốc, dù đi trước nhiều quốc gia về phát triển chip nhưng vẫn gặp nhiều thách thức để bắt kịp với các công nghệ bán dẫn tiên tiến, ít nhất là trong ngắn hạn. Vì vậy, kể cả khi Trung Quốc tiến nhanh với những công nghệ hiện tại cũng chưa đủ để theo kịp và giảm sự phụ thuộc vào những công ty sản xuất chip hàng đầu trên thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả