Còn bẻ kèo, còn nghèo
Trong mua bán nông sản “móc ngoéo” nhiều lúc chỉ là một cú điện thoại ngắn gọn, nhưng giới kinh doanh trong nghề đều ngầm ý đó là hợp đồng – nghĩa là đến hạn phải giao hàng. Thất hứa thực hiện một hay nhiều hợp đồng giao hoặc nhận hàng dù một bên đã thu hay chưa thu tiền đặt cọc chính là “xù” hợp đồng – một thói xấu trong kinh doanh mà nếu không loại bỏ thì khó mà ngẩng cao đầu làm ăn và giàu có.
Một cái móc ngoéo của hai đứa bé trong một trò chơi ăn thua chỉ trả bằng một ly kem, thế rồi đứa thua thất hứa bẻ kèo, có khi hai cháu giận nhau cả tuần… Trong mua bán nông sản, “móc ngoéo” nhiều lúc chỉ là một cú điện thoại ngắn gọn, nhưng giới kinh doanh trong nghề cho đó là một lời hứa phải thực hiện. Nếu kỹ nữa, bên chủ động thương vụ ghi âm lại lời trao đổi nhưng đôi bên đều ngầm ý đó là “hợp đồng” và đến hạn giao hàng, phải thực hiện.
Từ mấy tháng nay, trên báo chí cũng như mạng xã hội, nhan nhản những thông tin về xù hợp đồng, bẻ kèo, vỡ nợ… và nhiều nơi phải mời nhà chức trách vào cuộc vì có “dấu hiệu lừa đảo”… Nhà kinh doanh nông sản càng đọc, tâm lý càng căng thẳng (stress), nhà vườn bất an và an ninh xã hội tại một số nơi sản xuất kinh doanh nông sản không tránh khỏi tình trạng xáo động.
Bẻ kèo: tập quán kinh doanh xấu cần bỏ đi
Bẻ kèo trong kinh doanh là thất hứa thực hiện một hay nhiều hợp đồng giao hoặc nhận hàng dù một bên đã thu hay chưa thu tiền đặt cọc trên một tỷ lệ phần trăm nào đó của tổng trị giá hợp đồng. Nói trắng ra, đó chính là “xù hợp đồng”.
Năm ngoái, một người buôn chuyến từ Đồng Nai lên huyện Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đặt cọc 300 triệu đồng để mua xa cạ cả vườn sầu riêng với tổng trị giá 600 triệu đồng. Khi thu hoạch xong, bên mua phải trả thêm phần còn lại. Tuy nhiên, khi đưa lao động và xe đến hái, sầu riêng trên cây đã buồn chân tìm ngõ ngách tẩu thoát. Vụ bẻ kèo này được đưa ra tòa án địa phương, bên mua tốn mớ phí và được tuyên thắng án. Bên bán chống án, đưa lên cấp cao hơn. Người mua tính toán nếu tiếp tục kiện tụng, không chỉ mất 300 triệu tiền bị lật kèo mà có khi chi phí theo kiện, tiền ăn ở khách sạn… còn tốn nhiều hơn mà không biết có lấy lại được cọc, nên đành buông, chấp nhận mất… sạch. Lý do bẻ kèo: do giá sầu riêng bấy giờ tự nhiên lên cơn sốt, người hứa bán nhận tiền cọc nhưng lờ luôn mà không chút “hối hận”. Còn bên mua ngồi thở dài và chỉ biết nói hai chữ: “nghiệp trả”.
Dù nền nông sản hàng hóa của ta đáng nể thật, nhưng sản xuất lớn để làm gì khi chính từ trong hệ thống, chuỗi cung ứng xuất khẩu của ta còn bẻ kèo, gây hiệu ứng domino, và cuối cùng làm nóng ran cả thị trường trong và ngoài nước.
Bẻ kèo thường xảy ra khi giá một mặt hàng nông sản nào đó biến động mạnh. Nếu giá tăng, bên bán xù; còn giảm, bên mua khất không nhận hàng. Hiện tượng này xảy ra như cơm bữa từ thời nảo thời nao với nải chuối, buồng cau, thúng cá… thường đến nỗi “ai kêu được giá, tôi bán, ai hạ giá chào, tôi mua” dù đã hứa với đối tác “chén thù chén tạc”, thắm thiết vô cùng.
Bẻ kèo là một tập quán xấu trong kinh doanh cần bỏ đi. Cho nên dưới bất cứ hình thức nào, không chê chối nó thì thôi chứ đừng lên tiếng bênh vực, toàn xã hội và các hiệp hội ngành nghề cần lên án và chấn chỉnh. Nếu có thể, làm sao đặt hiện tượng bẻ kèo trong kinh doanh vào khuôn khổ luật pháp, tìm mọi cách chế tài nó, vì từ lâu “xù hàng” thường được “ân xá”, được ghép vào “phạm trù đạo đức”.
Bẻ kèo phá hỏng cấu trúc bền vững của kinh tế thị trường
Chắc có người sẽ phản ứng “sao mà gắt thế”. Trong cung ứng nông sản, Việt Nam là đàn anh đàn chị, đứng nhất nhì thế giới trên nhiều thị trường như gạo, cà phê, hồ tiêu và một số gia vị khác, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy hải sản… Rất nhiều nhà kinh doanh quốc tế cho biết sở dĩ họ đến nước ta mua nông sản là do Việt Nam là nước có nhiều ảnh hưởng, là “tham chiếu” của chính mặt hàng họ kinh doanh.
Đúng vậy, từ ngày 3-2-1994 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, thì cũng từ đấy nhiều mặt hàng nông sản nắm cơ hội phát triển sản xuất, tiến nhanh tiến mạnh giành lấy thị trường. Thị trường “nuôi” nền nông sản hàng hóa, và rõ ràng bẻ kèo là gây tổn thương cho đối tác, cho thị trường chung. Đó là chưa nói đến chuyện tệ hơn khi “xù hợp đồng”, việc giao thương của một mặt hàng nông sản nào đó bị đình đốn theo, có thể bị nhiều bạn hàng rủ nhau tẩy chay hay đưa vào “sổ đen” do sợ “rủi ro có thể gặp phải” khi kinh doanh mặt hàng đó. Hệ lụy là trừ vào giá khoản rủi ro ấy trong các hợp đồng sau này.
Đối với các loại hàng hóa khi mua bán có sử dụng và thông qua các sàn giao dịch kỳ hạn thường được gọi là “hàng hóa thương phẩm” (commodities), như gạo, cà phê, cao su, bông vải… thì việc “bẻ kèo” gây tác hại rất lớn ở ngay thời điểm bẻ kèo và cả về sau.
Các nhà kinh doanh quốc tế giàu vốn và có ảnh hưởng lớn trên thị trường hàng hóa thương phẩm đều sử dụng sàn kỳ hạn như một công cụ tài chính để bảo vệ mình. Khi họ mua được chục ngàn tấn gạo, vài ngàn tấn cà phê, … ngay lập tức họ bán bảo vệ (hedging) cho thương vụ của mình lên sàn, tức là dùng hợp đồng kỳ hạn là phương tiện để tránh rủi ro về dao động giá khi nhận hàng. Làm điều đó tức là họ “khóa” khoản lời của họ (lock the profit). Giả sử họ lời 30 đô la/tấn thì qua “bảo vệ giá”, họ chỉ lời chừng ấy dù biến động giá như thế nào.
Thương nhân (traders) ngày nay không phải là “lái buôn” – những người thường được gọi là “thương buôn, thương lái” – như cách nay hàng trăm năm nữa.
Thương lái thường chèo thuyền, lái xe tới đâu, gặp gì rẻ mua nấy với lượng vừa đủ chở để chuyển sang chỗ khác cần hàng bán kiếm lời. Vai trò của thương lái rất cần trong một thị trường sơ khai vì bản thân tốp này giúp cho hàng hóa “chảy” (liquid) từ nơi có sản phẩm sang nơi cần. Nhưng hiện nay, đặc biệt với các loại nông sản giao dịch theo sàn “thương phẩm”, thì nhóm này chỉ có lợi mỗi khi cần giải cứu một mặt hàng nào đó bị tắc nghẽn khâu tiêu thụ trên một thị trường có phạm vi nhỏ, nhưng điều tai hại là nhóm này thường lợi dụng giá mặt hàng nào đó tăng mạnh, nhảy vào mua làm như kiểu “vớt váng”.
Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước cũng sử dụng hình thức tương tự để bán hàng cho thương nhân nước ngoài. Cho nên đừng nghĩ họ “trúng đậm” do giá trên sàn kỳ hạn tăng và được lời nhiều, kiểu “ăn trên đầu trên cổ”. Nếu nhà vườn và đại lý thu mua cấp dưới bẻ kèo, họ không chỉ không có đủ hàng giao, thua lỗ lớn, đền hợp đồng và nhất là mất uy tín với bạn hàng và thị trường. Nên ta không lạ với các doanh nghiệp Việt Nam, giá nông sản giảm cũng lỗ mà tăng cũng lỗ!
Dù nền nông sản hàng hóa của ta đáng nể thật, nhưng sản xuất lớn để làm gì khi chính từ trong hệ thống, chuỗi cung ứng xuất khẩu của ta còn bẻ kèo, gây hiệu ứng domino, và cuối cùng làm nóng ran cả thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều lãnh đạo đất nước của ta khi đàm phán ngoại giao với nước ngoài, không ít lần đề nghị các nước đối tác chấp nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nền kinh tế thị trường thì không chỉ hàm ý nói nước ta có năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa lớn cho thị trường thế giới, mà còn chấp nhận cuộc chơi của thị trường từ giao nhận, thanh toán… và điều cốt lõi nhất chính là sẵn sàng giữ uy tín khi gia nhập thị trường.
Những chuyện “bẻ kèo” trong kinh doanh hàng hóa nông sản chắc chắn được đối tác nước ngoài xem xét thông qua các báo cáo của các hiệp hội ngành nghề của họ. Một nước nào đó chưa tin, chưa công nhận nền kinh tế thị trường của ta có thể dính dáng đến quyền lợi, chính trị, nhưng những chuyện bẻ kèo, xù hợp đồng trong kinh doanh nông sản thiết nghĩ cũng được họ tính tới.
Nhìn lại phía nội bộ, việc bẻ kèo trong mua bán gạo, cà phê hiện nay… chứng tỏ chuỗi cung ứng xuất khẩu các mặt hàng nông sản ấy chưa đủ bền vững. Chuỗi cung ứng không bền thì nói chi đến sản xuất vững!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận