"Cơn bão" pháp lý tiền mã hóa tại Ấn Độ đang hình thành thêm nhiều tín hiệu đáng lo ngại
Khi thị trường tiền mã hóa toàn cầu tiếp tục phát triển hơn mỗi ngày, các chính phủ trên khắp thế giới đang ngày càng làm việc chăm chỉ hơn để đưa ngành tuân theo một chế độ quản lý nhất định.
Trong khi một số quốc gia đã cố gắng ban hành các quy định hiệu quả để phát triển không gian tiền mã hóa một cách an toàn, phần còn lại vẫn đang tạo ra nhiều bất ổn hơn thông qua nhiều góc nhìn đối lập và thường là những lập trường mang nặng sự hoài nghi.
Một kịch bản xấu tương tự có thể xảy ra ở Ấn Độ, ngay cả khi một khuôn khổ pháp lý rõ ràng chưa được ban hành. Mặc dù Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đang tìm được tiếng nói chung cũng như tuyên bố sẽ không hợp pháp hoặc cấm tiền mã hóa đến từ chính phủ, thì những động thái này thật sự đã không giúp ích được gì đến thị trường và chỉ giúp đẩy nhanh quá trình di cư của những công ty blockchain tiềm năng trong nước.
Bằng chứng là các phương tiện truyền thông địa phương gần đây đã báo cáo rằng khoảng 30-50 công ty tiền mã hóa có nguồn gốc từ Ấn Độ hiện đã dịch chuyển và đang thiết lập phạm vi hoạt động tại những khu vực pháp lý thân thiện hơn ở nước ngoài, cụ thể là Dubai và Singapore. Cả hai thành phố đều được coi là thiên đường tiền mã hóa trên toàn thế giới do chính sách cởi mở của họ. Vào ngày 17 tháng 2, UAE đã chính thức dọn đường pháp lý để chào đón các công ty crypto.
Trên thực tế, cộng đồng crypto Ấn độ luôn bày tỏ sự lo sợ khi Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman thông báo rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng triển khai CBDC và thu nhập từ tiền mã hóa sẽ bị đánh thuế ở mức 30%, điều này chỉ gây thêm tai họa cho ngành.
Bởi lẽ xu hướng tiêu cực của Ấn Độ với crypto lần đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào năm 2018 khi Ngân hàng Trung ương quyết định cấm giới ngân hàng Ấn Độ giao dịch với doanh nghiệp tiền mã hóa. Chỉ sau 3 năm, lập trường này đã sớm bị đảo ngược giữa làn sóng phản đối đáng kể. Tuy nhiên cần nhớ rằng trước khi đạt được góc nhìn hiện tại, chính phủ Ấn Độ từng đề xuất luật xây dựng CBDC và cấm toàn diện crypto vào tháng 11 năm 2021.
Để rồi sau đó khi giá Bitcoin (BTC) tại Ấn Độ “sụp đổ” 10.000 USD và nhận không ít áp lực từ dư luận, Ấn Độ đã bắt đầu xem xét lại lệnh cấm hoàn toàn của mình đối với ngành, thay vào đó tiếp tục thảo luận để chọn ra hình thức áp dụng quy định phù hợp hơn trong năm nay. Trường hợp này có thể so sánh tương tự với động thái của Trung Quốc trong quá khứ.
Vào tháng 4, Trung Quốc tuyên bố đang dần xem crypto như một công cụ đầu tư đầy tiềm năng, thì chỉ 1 tháng sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã “bẻ lái”, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đào và giao dịch Bitcoin, bắt đầu giai đoạn nhấn chìm thị trường lần đầu tiên trong năm 2021. Tiếp đến là lệnh cấm toàn diện trong tháng 9, tất cả đều nhằm mục đích mở đường phát triển cho CBDC.
Và cho đến nay, CBDC của Trung Quốc là đồng e-CNY đã “đá văng” Visa tại Thế vận hội Mùa đông 2022, ghi nhận mức giao dịch lên đến 9,7 tỷ USD và có hơn 140 triệu người sử dụng trong tháng 11, đồng thời ứng dụng e-CNY còn được thử nghiệm phiên bản di động trên quy mô lớn. Song, kết hợp tất cả dữ liệu trên, có thể khẳng định môi trường pháp lý tại Ấn Độ đang chứa đầy nỗi sợ hãi và không chắc chắn, khả năng cao đang đi theo đúng công thức “tung hỏa mù” chung được vạch ra từ Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận